Nhiều quy định mới bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

03/07/2023 - 19:47

 - Kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV vừa thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), với 466/472 phiếu (93,7%) đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành. Luật có nhiều quy định mới bảo vệ người tiêu dùng, nhất là khi giao dịch, mua bán trên không gian mạng.

Bảo vệ người tiêu dùng dễ bị tổn thương

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) gồm 7 chương, 80 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Đáng lưu ý, so với luật hiện hành (năm 2010), có rất nhiều điểm mới, hướng đến các mục tiêu bảo vệ tốt nhất quyền lợi người tiêu dùng.

Luật sửa đổi, bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Theo luật gia Trần Bửu Tài (Ủy viên thư ký, Hội Luật gia tỉnh), đây là chế định hoàn toàn mới so với luật năm 2010. Người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người bị bệnh hiểm nghèo, thành viên hộ nghèo... là người tiêu dùng dễ bị tổn thương, cần phải bảo vệ.

Biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Bên cạnh đó, luật còn quy định rõ, người không thuộc các nhóm quy định trên, nhưng tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có khả năng chịu tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp cũng thuộc đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Qua đó, luật sửa đổi quy định, khi giao dịch với người tiêu dùng dễ bị tổn thương, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm bảo đảm thực hiện các quyền ưu tiên của người tiêu dùng trong quá trình mua bán sản phẩm, hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật. Pháp luật áp dụng cơ chế khiếu nại, giải quyết tranh chấp phù hợp với yếu tố dễ bị tổn thương của người tiêu dùng. Quy định chống kỳ thị, phân biệt đối xử, lợi dụng yếu tố dễ bị tổn thương để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện giao dịch.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng

Một trong những quy định mới của luật là sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với các giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng; trách nhiệm cảnh báo người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng; quy định trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian. Cụ thể, tổ chức có trách nhiệm chỉ định, công bố công khai đầu mối liên hệ, người đại diện được ủy quyền phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt, người tiêu dùng được quyền phản hồi, đánh giá về tổ chức, cá nhân kinh doanh, biết được kết quả phản hồi và được tiếp nhận, giải quyết các phản ánh, khiếu nại của mình đối với các quyết định của nền tảng số trung gian.

Luật mới lần này quy định rõ trách nhiệm cảnh báo người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng. Trong đó, các cơ quan chức năng có quyền công bố danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng bị xử lý theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan. Bà Lê Thị Hòa (ngụ ấp Phú Hữu, thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, một tiểu thương lâu năm) cho biết, người tiêu dùng mua bán trên không gian mạng hiện nay khá phổ biến. Do đó, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện luật để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trên không gian mạng là rất cần thiết. Khi cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng, pháp luật cần phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc và thực hiện nhanh chóng.

Luật sư Phan Văn Được (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định rõ việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm của nhà nước, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng được công nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ theo quy định của pháp luật. Bảo đảm công bằng, bình đẳng, tự nguyện, không phân biệt về giới; trong giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh không vi phạm pháp luật, không trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội. Đặc biệt, luật sửa đổi dành riêng 1 điều luật quy định cụ thể, rõ ràng, chi tiết về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, cùng với các quan điểm rất mới mang tính nguyên tắc; chính sách của nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà luật năm 2010 không hoặc quy định chưa rõ. Luật mới là một bước tiến mới được dư luận quan tâm, người tiêu dùng ủng hộ, đánh giá cao. 

N.R