Nhìn lại một năm chống Covid-19: Kỳ tích Việt Nam

01/01/2021 - 15:28

Gần một năm kể từ ngày phát hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên xâm nhập, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có thể tự sản xuất được vắc xin để thử nghiệm trên người. Phải khẳng định rằng, có được những kết quả đó là nhờ sự vào cuộc kịp thời, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Cùng Báo điện tử Tổ Quốc nhìn lại cuộc chiến phòng, chống Covid-19 tại Việt Nam từ đầu năm 2020 đến nay.

Việt Nam chính thức bước vào cuộc chiến chống dịch

Hai ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam vào ngày 23-1-2020 tại TP.HCM. Đây là hai cha con đến từ vùng tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc. Hai người này đã lây cho một nữ nhân viên khách sạn tại Khánh Hòa (đây là ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên tại Việt Nam).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tổ chức cuộc họp khẩn chiều 30 Tết sau khi phát hiện 2 ca bệnh Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam.

Ngày 30-1, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra được thành lập do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Đến ngày 1-2, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona gây ra.

Ngày 7-2, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo đã nuôi cấy và phân lập thành công virus SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm. Từ đây, phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân mắc Covid-19 được đưa ra.

Những ổ" dịch" Covid-19 lớn tại Việt Nam

"Ổ dịch" đầu tiên được xác định tại Việt Nam là ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Trong 16 ca bệnh đầu tiên tại Việt Nam thì có đến 11 người ở xã Sơn Lôi. Tại ổ dịch này, 11.000 người phải cách ly y tế.

Bệnh viện Bạch Mai từng là một trong những "ổ dịch" lớn tại Việt Nam

Tối 6-3, Hà Nội công bố ca bệnh đầu tiên, cũng là bệnh nhân thứ 17 trên cả nước. Bệnh nhân này trở về Anh trên chuyến bay VN0054, lưu trú tại phường Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội. Từ bệnh nhân này đã lây cho 3 người thân khác. Cả khu phố Trúc Bạch, nơi bệnh nhân lưu trú bị phong tỏa.

Ổ dịch thứ 2 tại Bệnh viện Bạch Mai với tổng cộng 46 bệnh nhân liên quan, trong đó Công ty Trường Sinh cung cấp dịch vụ nước sôi cho bệnh viện có 27 ca bệnh.

Cùng ngày, nam phi công người Anh (BN91) liên quan đến quán bar Buddha (TPHCM), đây được xác định là ổ dịch thứ 3. Tại đây, TP.HCM lần lượt ghi nhận thêm 18 bệnh nhân khác.

Ngày 6-4, Bộ Y tế thông tin về bệnh nhân 243 tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ổ dịch thứ 4 trên cả nước được xác lập, tính đến 15-4, có thêm 13 bệnh nhân được phát hiện. Kể từ ngày 8-4, thôn Hạ Lôi với khoảng 13.000 người thực hiện cách ly 28 ngày.

Chiều tối ngày 31-7, Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo về 2 bệnh nhân đầu tiên mắc Covid-19 tử vong tại Việt Nam. Thời điểm đó, cả nước ghi nhận 35 bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong, phần lớn những người này đều lớn tuổi và có nhiều bệnh lý nền nặng.

Sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt

Vào những thời điểm cam go nhất của cuộc chiến chống dịch Covid-19, có thể thấy rằng, cả hệ thống chính trị của đất nước đã vào cuộc một cách rất kịp thời, cương quyết.

Hà Nội trong những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: Báo Tin tức

Ngày 16-3, Chính phủ yêu cầu tất cả mọi người thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng tập trung đông đúc sau khi phát hiện ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai.

Ngày 18-3, Thủ tướng quyết định tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; đồng thời hạn chế các chuyến bay từ vùng dịch.

Ngày 30-3-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch Covid-19.

Ngày 31-3, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16 về việc cách ly toàn xã hội trên phạm vi cả nước trong vòng 15 ngày để phòng chống Covid-19, từ 0h ngày 1-4.

Tại Hà Nội, sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, cuộc họp ngay trong đêm do Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ triệu tập được tiến hành đến hơn 12 giờ đêm. Ngay lập tức, công tác truy vết, khoanh vùng được triển khai, nhờ đó đã hạn chế được các ca lây nhiễm từ BN17.

"Kỳ tích" bệnh nhân 91

Nam phi công người Anh (BN91) là một trong hai ca nhiễm Covid-19 nặng nhất tại Việt Nam, phải chạy máy ECMO. Điều trị cho bệnh nhân này luôn có một êkip túc trực, gồm một bác sĩ và hai điều dưỡng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới ngay bên bệnh nhân để theo dõi sát những diễn biến.

BN91 được điều trị khỏi bệnh. Ảnh: BV Chợ Rẫy

Nam phi công trải qua 110 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy, từng nhiều lần "thập tử nhất sinh". Có thời điểm, hai lá phổi của anh "đông đặc", chỉ còn cơ hội cuối cùng là ghép phổi.

Để điều trị cho bệnh nhân này, lãnh đạo Bộ Y tế đã thường xuyên chỉ đạo các bác sĩ trực tiếp điều trị thông qua hình thức trực tuyến. Ngày 6-7, bệnh nhân số 91 đã chính thức được công bố khỏi bệnh Covid-19, bệnh nhân có thể ra viện và không cần cách ly.

Sự hồi phục kỳ diệu của viên phi công người Anh mắc Covid-19 cho thấy Việt Nam là một trong những hình mẫu điển hình chống dịch Covid-19 thành công nhất thế giới.

Một điều được thế giới ghi nhận Việt Nam đó chính là sự nhân văn trong cuộc chiến chống Covid-19. Không chỉ tận tâm, tận lực trong cứu chữa người bệnh, thời điểm này, Chính phủ Việt Nam còn miễn phí toàn bộ chi phí ăn ở, điều trị cho những người mắc Covid-19.

Lên đường đưa công dân Việt Nam về nước

18h48 ngày 8-5, chuyến bay đầu tiên của Vietnam Airlines đưa hơn 343 công dân Việt Nam từ California, Mỹ, về nước đã hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh.

Chuyến bay đầu tiên của Vietnam Airlines đưa hơn 343 công dân Việt Nam từ California, Mỹ, về nước. Ảnh: NLĐ

Hành khách chủ yếu là là trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người có bệnh nền, du học sinh không có nơi lưu trú do ký túc xá đóng cửa.

Chuyến bay đáng nhớ nhất diễn ra vào ngày 28-7 khi máy bay của Vietnam Airlines lên đường đi đón 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo về nước, trong đó có 120 người được xác định mắc Covid-19.

Đây là chuyến bay chưa từng có trong tiền lệ bởi nguy cơ lây nhiễm rất cao vì tỉ lệ bệnh nhân dương tính chiếm đến hơn 50%.

Chính vì vậy, các phương án, kịch bản đã được đưa ra chi tiết và cụ thể nhằm mục đích tránh lây nhiễm cho nhân viên y tế, cũng như phi hành đoàn bay nhất.

Đó là chuyến bay mở đầu cho rất nhiều chuyến bay của Vietnam Airlines đưa công dân Việt Nam từ nhiều quốc gia trên thế giới hồi hương sau đó.

Việt Nam thử nghiệm vắc xin trên người

Sáng 17-12, Học viện Quân y đã chính thức tiêm thử nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19 NanoCovax (sản phẩm do Công ty Nanogen sản xuất) cho ba tình nguyện viên (gồm: hai nam và một nữ) thuộc nhóm liều 25 mcg.

Người Việt Nam đầu tiên được tiêm thử nghiệm vắc- xin Covid-19

Ðây là vắc-xin Covid-19 đầu tiên của Việt Nam được đưa vào tiêm thử nghiệm trên người. Trên cơ sở kết quả theo dõi đánh giá 72 giờ sau khi tiêm vắc-xin trên ba người nêu trên mới quyết định mức liều và số người tham gia tiếp theo.

Thời gian nghiên cứu cho mỗi người tham gia là khoảng 56 ngày, để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên.

Ðến tháng 3-2021, thử nghiệm giai đoạn hai; tháng 8-2021, thử nghiệm giai đoạn ba từ 3.000 đến 4.000 người hoặc mở rộng đến 10 nghìn người.

Theo thống kê, đến ngày 28-12-2020, toàn thế giới ghi nhận 81.142.129 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.771.884 trường hợp tử vong và 57.291.222 bệnh nhân bình phục. Tại Việt Nam có tổng cộng 1441 ca mắc, trong đó có 693 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, còn lại là các ca mắc nhập cảnh. Đến thời điểm này, Việt Nam ghi nhân 35 ca tử vong do Covid-19.

 

Theo THẾ CÔNG (Tổ quốc)