Con nước mang theo phù sa về bồi đắp cho những cánh đồng, hứa hẹn vụ mùa tiếp theo lúa, rẫy tốt tươi.
Cảnh sắc đặc trưng ở những tiểu vùng trồng lúa. Khoảng 5 năm nay, một số địa phương đã có chủ trương luân phiên ngưng sản xuất trong vụ 3, đón lũ để rửa sạch đồng ruộng, sắp xếp lại lịch thời vụ.
Đó cũng là lúc dân mưu sinh theo mùa nước nổi nhộn nhịp mùa làm ăn. Ở các con kênh lớn, nước lên xóa nhòa ranh giới những cánh đồng xung quanh. Bóng người càng trở nên nhỏ bé, chênh vênh…
Nguồn sản vật dồi dào trong mùa nước nổi giúp cho người dân có thêm thu nhập từ thiên nhiên. Nhưng không phải năm nào cũng hồ hởi niềm vui. Tài nguyên dần cạn kiệt, mỗi người lại có những cung bậc cảm xúc thăng trầm quanh chuyện kiếm chén cơm trong mùa lũ.
Những người không có việc làm ổn định, họ nương theo mấy tháng mùa nước nổi có thể kiếm “bộn” tiền. Cũng có người đã trót gắn bó nhiều năm, nên giờ bỏ nghề họ lại… nhớ.
Cá tôm khai thác từ nhiều nơi, những phiên chợ từ tờ mờ sáng thêm phần rộn rã. Để kịp chở cá đồng ra buổi chợ sớm, các bạn hàng phải thu mua từ khuya và nhanh chóng tỏa đi các điểm đầu mối.
Ánh sáng leo lét của những phiên chợ khuya chỉ thấy rõ mặt hàng, tiền giao dịch. Bạn hàng có thể là người quen biết đã lâu, cũng có thể từ chỗ khác mới đến. Quan trọng là mua bán nhanh gọn, được lòng cả đôi.
Ngoài cá, tôm…, thì chuột đồng, ếch đồng, cua… cũng là “mồi” được săn rất nhiều trong mùa nước nổi. Ngoài chuyện mưu sinh, nhiều người cũng thích thú tham gia tìm bắt sản vật như một thú vui giải trí.
Chiến lợi phẩm mang về, ít thì trở thành bữa cơm nhà ngon lành nức mùi đồng quê, nhiều hơn thì đem bán lấy vài đồng để có quà bánh cho trẻ con. Ấy là niềm vui riêng của người dân quê miền Tây.
Những niềm vui dung dị đọng lại sâu sắc trong ký ức. Dù mùa nước nổi bây giờ đã khác xưa nhiều lắm. Người miền Tây vẫn chờ đợi để được gợi lại một thời “cá tôm đầy đồng” hoặc chỉ để ôn lại một phần tuổi thơ, mà không phải đứa trẻ nào cũng được trải nghiệm.
HOÀI ANH