Lớn lên trong những ngày cuộc sống còn nhiều khó khăn, tuổi thơ của tôi và đám bạn cùng trang lứa chỉ có những ngày lang thang đồng xa bắt dế, thả diều, tắm sông hay hái trái quê lót dạ. Ấy vậy, tôi nghĩ mình là người may mắn, bởi đã có tuổi thơ trọn vẹn bên mâm cơm quê mẹ nấu, với những món ăn dân dã, chân chất của xứ phù sa. Đó còn là những ngày đi chơi về ghé bếp, lục cơm nguội ăn với miếng khô cá đồng đã trở thành ký ức.
Ngày ấy, mùa nước lên trắng xóa cánh đồng, người ta chỉ cần tấm lưới, cái chài là có thể đi qua mấy tháng mặt đất ngập linh binh. Lúc ấy, nỗi lo lớn nhất của người miền Tây chỉ là hũ gạo. Có gạo, người ta cứ xuống mảnh đất thấp hay con mương gần nhà giăng tấm lưới, kiểu gì cũng có chảo cá kho tiêu nồng nồng, cay cay cho qua bữa cơm nghèo.
Siêng chút nữa, cánh đàn ông ra đồng xa giăng lưới, quăng chài là dư cá để làm mắm, làm khô. Hồi ấy, dễ thấy nhất là khô cá lóc, cá chốt, cá chạch… Những tháng nước bêu đồng, cứ vài hôm cậu tôi lại tấp xuồng vô quăng cho mớ cá lóc. Cậu đặt lọp dính nhiều, cậu đem bán một mớ, mớ còn lại biếu người thân làm khô.
Những xâu khô cá đồng phơi trước hiên nhà đón nắng
Có cá, mẹ tôi lựa những con lớn đem kho tiêu, nấu canh chua, còn cá lóc “cửng” to hơn 2 ngón tay thì xẻ thịt, làm khô. Những xâu khô treo lủng lẳng, bốc mùi khó ngửi nhưng độ vài nắng thì trông rất ngon mắt. Khô cá đồng là cứu cánh cho gia đình tôi những ngày mưa tầm tã, ba không thể ra ngoài kiếm cá tươi về ăn.
Anh em tôi mỗi sáng lục cơm nguội ăn với khô cá đồng rồi đi học. Những miếng khô nướng trên lửa than củi đỏ rực, bốc mùi thơm dân dã, đánh thức những cái dạ dày đói meo. Thời còn nhỏ, cứ có món mặn ăn với cơm vào buổi sáng sớm đã là ngon lắm, chứ không có nhiều lựa chọn như bây giờ. Anh em chúng tôi cứ thế lớn lên qua từng mùa nước nổi, mà cũng là bấy nhiêu mùa khô cá đồng. Càng lớn, càng thấy khô cá đồng hiếm đi.
Bây giờ, khô cá đồng đã thành đặc sản. Chẳng có mấy người mua được cá đồng làm khô, rồi xỏ xâu đem phơi nắng trước hiên nhà như nhiều năm trước. Có chăng là ở xứ đầu nguồn như huyện An Phú, TX. Tân Châu hay những cánh đồng giáp biên ở vùng TX. Tịnh Biên, TP. Châu Đốc.
Hôm ghé thăm anh bạn là dân câu lưới ở xã Vĩnh Tế (TP. Châu Đốc), được đãi mấy con khô cá lăng, có chạch mà tôi còn nhớ mãi. Với anh bạn này, chẳng khó để có được khô cá đồng. Mùa nước năm nào, anh cũng mần vài xâu để dành ăn hay đãi bạn phương xa.
Lửa than nhóm rực hồng, phả hơi nóng lên gương mặt cần lao, đen đen màu nắng gió. Mấy con khô đặt lên bếp, uốn cong mình dưới sức nóng của lửa. Cái mùi khen khét, thơm thơm của ký ức ùa về trong tâm trí tôi. Người ta chỉ thực sự nhớ về tuổi thơ, khi được sống lại một phần của nó. Tôi cũng vậy.
Biết miếng khô muối lạt, anh bạn rót thêm chén nước mắm đồng, rồi đon đả: “Khô muối lạt để nhiều người ăn được. Nếu anh thích ăn mặn thì chấm thêm nước mắm”. Tôi xé miếng khô cho vào miệng, một chút dư vị của thời niên thiếu vẫn còn đây. Theo cuộc mưu sinh, mải mê với chốn đông người, cái nhìn thì cạn, cái cười thì nông, gặp lại miếng khô cá đồng sao mà ngon đến lạ!
Bây giờ, khô cá đồng đã vươn mình trở thành đặc sản. Người ta chế biến để phục vụ nhu cầu thực khách phương xa. Ở xứ khô Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú), con cá đồng theo mùa lũ tràn về, được ngư dân khai thác với số lượng nhiều đủ chế biến thành những mẻ khô trứ danh. Người ta vẫn dùng cách chế biến truyền thống, chỉ thêm phần ép chân không để bảo quản tốt hơn và thích hợp làm quà tặng.
Tại Vĩnh Hội Đông có đủ mặt khô, từ cá kết, cá chèn, cá chạch, cá lăng, cá chốt cho đến khô rắn, khô trăn và nhiều loại khác. Dân sành ăn hẳn sẽ phải tìm về vùng biên giới này để tận hưởng thứ đặc sản đậm chất miền Tây. Từ khi nước lũ “trái tính, trái nết”, các loại cá đồng khan hiếm dần, nên việc lấy cá làm khô càng trở nên “xa xỉ”.
Tuy nhiên, các hộ làm khô ở Vĩnh Hội Đông vẫn có nguồn khô cung cấp ra thị trường, dù nguyên liệu của họ đều lấy từ thiên nhiên. Mùa lũ đến cũng là lúc các hộ làm khô ở đây bắt đầu vụ khô đón Tết. Bởi sau những ngày thịt mỡ ê hề, người ta muốn tìm về với vị mặn dân dã, vị ngọt của phù sa thấm đều trong từng thớ thịt của con khô cá đồng.
Theo dòng thời gian, con khô cá đồng dù không còn phổ biến như trước, nhưng sự tồn tại của chúng là một phần trong văn hóa ẩm thực miền Tây. Nó nhắc những người con xa quê về những ký ức chân chất, mặn mòi của vùng đất mình lớn lên, để càng quý yêu sản vật hiền hòa được sản sinh ra từ dòng Cửu Long tình nghĩa.
THANH TIẾN