Nhớ ngày đưa ông Công ông Táo về trời!

28/01/2019 - 08:24

 - Tục cúng, tiễn đưa ông Công ông Táo về chầu trời là phong tục đẹp của người Việt, không chỉ thể hiện sự tôn trọng, tiếp nối những gì tốt đẹp từ ngàn xưa của cha ông mà còn ngụ ý cầu mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với các gia đình trong năm mới.

23 tháng chạp năm nay không khác gì mọi năm, trước đó 1 ngày, nhiều người đã tất bật chuẩn bị, sắm sửa chu đáo những lễ vật đưa tiễn 3 vị “thần Táo” của nhà mình. Tất nhiên, việc chuẩn bị nhà cửa, bếp núc sao cho thật sạch sẽ, tinh tươm không bao giờ bị lãng quên. Người Việt rất coi trọng ngày này, nên tâm lý chung ai cũng muốn gia đình mình sẽ có một nghi lễ tiễn các vị Táo về trời trọn vẹn. “Năm nào cũng vậy, gia đình tôi dọn dẹp nhà cửa trước ngày đưa ông Táo. Trước nhất là bàn thờ gia tiên, kế đến và quan trọng không kém là gian bếp của gia đình. Ngày ông Táo về trời rất quan trọng với các gia đình. Bởi, ông bà tin rằng, khi lên chầu trời, các vị Táo sẽ báo công trạng sau 1 năm của mỗi gia đình. Vì thế, ai cũng mong muốn gian bếp nhà mình phải thật tinh tươm, gọn gàng để “lấy lòng” ông bà Táo. Ngoài quét lau khu vực bếp, lò nấu, tôi còn mang chén dĩa ra chùi rửa, bởi “nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm” mà” - bà Nguyễn Thị Gái (43 tuổi, ngụ xã Bình Thạnh, Châu Thành) chia sẻ.

Bộ đồ cúng ông Công ông Táo

Để hiểu rõ về phong tục và ý nghĩa của ngày đưa ông Táo về trời, chúng tôi đã trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nam Bộ Nguyễn Hữu Hiệp. Theo ông Hiệp, nếu nói về nguồn gốc của ông Táo có lẽ phải bắt đầu từ lúc loài người phát minh ra lửa, biết sử dụng lửa để làm chín thức ăn. Lửa không chỉ thể hiện sức mạnh mà còn mang đến cuộc sống sung túc, ấm áp. Về nguồn gốc, ý nghĩa của ngày 23 tháng chạp đưa ông bà Táo về trời, theo truyền miệng dân gian, có rất nhiều “dị bản”. “Chuyện kể về 2 ông 1 bà bắt nguồn từ thời xa xưa. Có đôi vợ chồng trẻ rất yêu thương nhau, nhưng sau một biến cố nào đó, họ phải chịu cảnh loạn lạc, chia lìa. Sau nhiều năm, người vợ nghĩ rằng chồng mình đã qua đời nên “đi thêm bước nữa”. Đang có cuộc sống hạnh phúc với người chồng sau, bỗng một ngày người chồng cũ, lúc nào cũng nhớ thương và bôn ba tìm kiếm vợ mình đến mệt lã, gục ngã ngay nhà người vợ mình mà không biết. Hai vợ chồng nhận ra nhau, vui mừng khôn xiết. Bất ngờ lúc ấy, anh chồng đi săn về, để giữ gìn sự trong sạch cho vợ, người chồng cũ bèn trốn vào đống rơm. Khoe con mồi vừa săn được, anh chồng mới bèn đốt lửa để vợ chồng thưởng thức. Ngọn lửa anh đốt chính là đống rơm nơi người chồng cũ núp. Đau xót khi chồng cũ chết, người vợ không do dự, nhảy vào ngọn lửa đang cháy hừng hực. Thấy vợ như vậy, không hiểu sự tình nhưng người chồng mới cũng lao vào lửa cùng vợ cho trọn tình nghĩa. Thượng đế thấy 3 người sống có nghĩa, có tình nên phong cho làm vua bếp hay còn gọi là Định phúc Táo Quân, giao cho người chồng mới là Thổ Công trông coi việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, còn người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa. Không những định đoạt may rủi, phúc họa của gia chủ, các vị Táo còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho mọi người trong nhà” - nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp cho biết.

Lễ vật đưa các vị Táo về trời

Từ “công” trong ông Công ông Táo cũng có nghĩa là báo công trạng. Một năm trông quản các gia đình, ngày ông bà Táo về chầu trời là lúc họ báo lên tất cả việc làm của gia chủ để xin sự thưởng, phạt công minh từ Ngọc Hoàng. Phương tiện tiễn đưa các vị Táo về trời, dân gian cho rằng chính là cá chép, bởi nó có thể vượt “vũ môn” hóa rồng. Thế nên, ngày nay, nhiều người mua cá chép về thả. Điều này vừa nói lên lòng “từ bi hỷ xả”, vừa muốn ông bà Táo có “phương tiện” về chầu trời cho kịp lúc. Nghi lễ cúng ông Táo, tùy điều kiện mỗi nhà nhưng sự thành kính thì nhất định phải có. Những người điều kiện khá giả có thể bày mâm cỗ thịnh soạn, không thì chỉ cần bánh mứt, trái cây. Ngày xưa, lễ vật cúng chẳng có gì cầu kỳ, có gì cúng nấy. Quan trọng, bộ đồ lễ phải có áo, mão mới để các vị Táo mặc chầu trời. Sau khi cúng, các lễ vật áo, mão, giấy tiền, vàng bạc sẽ được đốt theo các ngài về thiên đình.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN