Nhớ tiếng giã bàng Ba Chúc

18/10/2022 - 07:21

 - Từng một thời là “thủ phủ” của nghề đương đệm bàng, thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) được biết đến là nơi cung cấp các sản phẩm tỉ mỉ, chất lượng từ loài cây hoang dại này. Theo thời gian, nghề đương đệm bàng dần mai một bởi nhu cầu sử dụng của xã hội không còn nhiều như trước.

Ký ức tiếng giã bàng

Cỏ bàng là loài cây hoang dại, hay nép mình ở miệt “nước mặn đồng chua”. Đã có một thời, chúng mọc thành rừng, xanh ngút mắt, trải dài từ miệt Hà Tiên, Kiên Lương, Giang Thành (tỉnh Kiên Giang) đến những cánh đồng bát ngát của huyện Tri Tôn. Đó là vùng nguyên liệu bạt ngàn để nghề đương đệm bàng phát triển mạnh tại thị trấn Ba Chúc trong quá khứ và lưu giữ đến hôm nay.

Cây cỏ bàng từng nuôi sống người dân Ba Chúc vài chục năm về trước

Bà Lê Thị Luận (có hơn 55 năm gắn bó với chiếc đệm bàng) nhớ lại: “Hồi trước, người dân Ba Chúc không có nhiều tiện nghi như bây giờ. Vì vậy, phụ nữ xưa phải tự tay làm nhiều vật dụng phục vụ đời sống. Cây cỏ bàng được các mẹ, chị khéo léo đương thành nhiều món, chứ không chỉ là đệm bàng, manh bàng như ngày nay. Có thể kể tới cái cà ròn xay, cà ròn nhím, cà ròn thúc, cái cà xóp để đựng cơm, cái nốp để ngủ ngoài đồng, cái nón bàng theo người nông dân ra ruộng, cái giỏ xách bàng theo tay người đi chợ... Bởi thế, cây cỏ bàng cứ chan hòa, gần gũi với đời sống con người trong quá khứ”.

Nhắc đến thời “hoàng kim” của nghề đương đệm bàng, bà Luận cho biết, người phụ nữ Ba Chúc ngày xưa rất vất vả, thu xếp việc nhà xong là ngồi đương đệm. Để sợi bàng mềm phải giã thật kỹ. Mọi thứ chỉ làm bằng thủ công chứ không có máy móc như bây giờ. Trong trí nhớ của bà, cứ mỗi buổi chiều, chị em trong xóm mang bàng ra giã, tiếng chày nện xuống nền đá nghe vang vọng khắp vùng.

Tiếng chày giã bàng trở thành dĩ vãng ở vùng đất Ba Chúc hôm nay

 Mặc dù vất vả, nhưng nghề đương đệm bàng cũng từng mang đến nguồn thu khá cho người dân Ba Chúc vài chục năm về trước. Bởi, nhu cầu của người dân về các vật dụng từ cỏ bàng khá nhiều, nên vùng đất quanh chân núi Tượng thời điểm đó có rất nhiều gia đình gắn bó với nghề đương đệm. Già, trẻ, trai, gái, mỗi người một việc để cùng tạo ra sản phẩm phục vụ nhu cầu người dân trong, ngoài tỉnh. Bởi thế, Ba Chúc ngày trước từng tồn tại làng nghề nhộn nhịp gắn với các sản phẩm từ cây cỏ bàng.

“Thời đó, chúng tôi dù luôn tay luôn chân với cây cỏ bàng nhưng đời sống ổn định, vì người ta cần nhiều. Bây giờ, cỏ bàng vẫn còn mọc, người ta còn đi nhổ mang về bán cho dân đương đệm, nhưng số lượng ít đi. Nếu ngày trước trong xóm hầu hết đều sống với nghề đương đệm, thì nay chỉ còn 2-3 gia đình gắn bó, mỗi nhà cũng chỉ còn 1-2 người đụng tới manh đệm bàng thôi” - bà Luận thật tình.

Trầm lắng làng nghề

Trở lại Ba Chúc những ngày này, hiếm khi bắt gặp hình ảnh những neo cỏ bàng tươi được phơi thành hàng tít tắp trong ánh nắng. Thi thoảng, mới có vài cụ già phơ phơ tóc bạc ngồi tỉ mỉ bên chiếc đệm bàng. Giờ đây, tiếng giã bàng cũng trở thành dĩ vãng. Người ta chủ yếu dùng máy ép cho đỡ vất vả. Nguồn cung cỏ bàng khan hiếm dần, chủ yếu là bàng cọng kim từ miệt Giang Thành. Ngoài ra, vẫn còn cỏ bàng cọng lớn hơn ở những cánh đồng Ba Chúc nhưng số lượng ít hơn.

Nghề đương đệm bàng chỉ còn gắn bó với phụ nữ cao niên

Gia đình bà Trần Thị Thu Cúc (ngụ khóm Thanh Lương) được xem là vựa thu mua đệm bàng hiếm hoi còn nối nghiệp cho đến bây giờ. Bà Cúc cho biết, thị trấn Ba Chúc ngày trước có đến 5-7 vựa, nhưng cũng dần chuyển sang ngành nghề khác. Do đây là công việc “mẹ truyền, con nối” nên bà cố gắng giữ gìn. Với lại, vẫn còn có người chấp nhận ngồi đương đệm thì bà còn tiếp tục gắn bó với cây cỏ bàng.

“Tôi may mắn kết nối được nguồn thu mua ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh khác nên mình còn sống được với nghề. Cứ vài tháng một lần, họ đưa xe đến thu mua manh bàng của tôi với giá 35.000 đồng/miếng, mỗi chuyến chừng 4.000-5.000 miếng. Tính ra, dù nguồn thu không lớn nhưng sống được với nghề. Bây giờ, dân Ba Chúc chủ yếu đương những tấm manh theo kiểu sản phẩm thô, tôi là vựa thu mua rồi bán lại cho nơi khác để họ làm đồ mỹ nghệ” - bà Thu Cúc cho hay.

Hiện nay, số lượng người đương đệm cho bà Cúc dần thưa vắng theo thời gian. Vài năm trước, có khoảng 40-50 người đương đệm bán cho bà. Giờ đây, chỉ còn hơn 20 người, bởi phần lớn họ đã già yếu, không còn đủ sức khỏe để theo đuổi cái nghề đòi hỏi sự khéo léo này. Với người trẻ, họ đi tìm công việc có nguồn thu nhập ổn định hơn, hoặc làm công nhân ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh, chứ chẳng mấy ai mặn mà với cây cỏ bàng xưa cũ nữa. Hình ảnh những cụ già còm lưng bên chiếc đệm bàng mang đến cảm giác chạnh lòng, bởi nó phản ánh sự “già nua” của ngành nghề thủ công từng vang bóng một thời trên mảnh đất Ba Chúc này.

Với truyền thống sẵn có, nghề đương đệm bàng ở Ba Chúc cần có sự quan tâm, hỗ trợ của ngành chuyên môn và địa phương theo hướng tạo ra sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng, phục vụ du lịch nhằm nâng cao giá trị cây cỏ bàng. Tiếng chày giã nhịp ngày ấy dù đã lùi vào dĩ vãng nhưng ngành nghề truyền thống của địa phương sẽ được duy trì, giúp người dân Ba Chúc nâng cao đời sống, góp bàn tay xây dựng quê hương.

THANH TIẾN

 

Liên kết hữu ích