Nhớ tiếng ru hời...

25/11/2023 - 19:26

Nhà bên dòng sông thơ mộng, mùa hè thả mình trong những cơn gió nồm lồng lộng, thỏa thuê bơi lội giữa dòng nước xanh trong. Thời khắc chuyển mùa là đì đoàng những cơn mưa nguồn chớp bể, tôi háo hức nhìn dòng nước đục ngầu chở đầy phù sa đổ về từ thượng nguồn.

Bọn trẻ chúng tôi hỉ hả rủ nhau đi bẫy chim trên những gò đồi nước đang xâm xấp vây quanh, hoặc lội bì bõm dưới cơn mưa đầu mùa đón bắt những chú cá rô đồng đang quáng quàng chạy lụt... Tuổi thơ hồn nhiên ở quê xưa ắp đầy kỷ niệm và trong tâm khảm tôi không thể nào quên những buổi trưa hè đứng gió văng vẳng lời ru tha thiết của mẹ, của chị và của những phụ nữ trong làng...

“Ầu ơ... Chiều chiều lại nhớ chiều chiều/ Nhớ om cơm nguội nhớ niêu nước chè/ Nhớ hồi lên ngựa xuống xe/ Nhớ bát nước chè nhớ tộ đường ngon/ Nhớ hồi cá trích y con/ Thịt heo y khổ lòng còn ước mong...”. Thời gian cứ mãi trôi nhưng trong tôi cứ nhớ hoài những buổi trưa mùa hè đứng gió ở cố hương, không khí oi nồng, tiếng gà cục ta cục tác và tiếng ầu ơ ví dầu nghe buồn man mác: “Ầu ơ... đêm năm canh nước mắt láng lai/ Tay ba bồng con dại miệng ba nhai hột ngọc Trời/ Phần ba không sữa con ơi/ Ba nhai cơm sún nước con ăn chơi cho ba nhờ/ Con còn nhỏ dại bé thơ/ Tay ba ru miệng ba hát ớ ầu ơ đêm năm canh chầy...”. Một số phận nghiệt ngã của đời người! Cảnh đứa con thơ mất mẹ còn lại người cha phải tần tảo nuôi nấng đứa con thơ đã được đưa vào lời ru với thanh âm đều đều nghe sao mà buồn đến xót xa...

Tiếng ru ầu ơ xưa nghe chan chứa tình người, tỏ bày những số phận, những cuộc đời... Giấc ngủ của tuổi thơ tôi ngày xưa được tắm táp trong êm đềm tiếng ru hời và thời gian cứ mãi trôi nhưng vẫn văng vẳng mãi tiếng ầu ơ ví dầu của một thời thơ ấu. Bây giờ về lại quê xưa vào những trưa hè đứng gió hay những buổi chiều gió nồm mát rượi mà lòng tôi chạnh buồn. Đâu rồi tiếng ru hời ngày trước? Tôi thả bộ dọc bờ sông trên con đường bê tông thẳng tắp bỗng nghe tiếng karaoke chát chúa ở nhà bên cạnh vang lên: “Tình là tình nhiều khi không mà có, tình là tình nhiều lúc có như không...”. Tiếng hát nhòe nhoẹt bởi hơi men vọng ra làm tôi chưng hửng.

Không còn hứng thú đi dạo, tôi quay gót trở về ngôi nhà cũ kỹ của cha mẹ. Tôi lơ đãng nhìn lên trần nhà và bỗng nhiên trong tôi trào dâng nỗi nhớ da diết một tiếng ru hời...

Theo VĂN PHIN (Báo Phú Thọ)