Nhớ trái bình bát

17/12/2022 - 07:47

 - Thế hệ 8X trở về trước, trái bình bát trở thành trái cây quen thuộc, ăn cho… đỡ buồn miệng. Có ngờ đâu, mấy mươi năm sau, bình bát dần trở thành hoài niệm: “Xa quê vẫn nhớ quê nhà/ Nhớ trái bình bát đậm đà ngọt ngon”.

Người dân quê hầu như chẳng ai rảnh rỗi mà trồng bình bát cả, bởi không tìm thấy giá trị kinh tế. Vậy mà, ở chỗ nào kênh rạch, đầm lầy nhiều, chúng lại xuất hiện, mọc dày đặc giữ lấy bờ kênh.

Bình bát cứ mọc hoang, mà hễ cây gì mọc hoang đều có sức sống rất mãnh liệt. Chúng âm thầm trổ bông, kết trái theo mùa của riêng mình. Lá xanh ngắt, trái cũng xanh ngắt ẩn mình dưới lá. Nhiều khi nhìn thoáng qua, chẳng phân biệt nổi đâu là lá, đâu là trái.

Trái xanh tự chín, rồi ngả màu vàng trên cây, biến mình thành một trái tim màu vàng đẹp mắt. Chẳng có ai tha thiết bẻ, chúng lại tự rời cành, chìm xuống lòng kênh, tiếp tục dòng đời sinh sôi.

Cây vươn cành ra dòng nước, nên muốn bẻ trái, phải mất chút công sức leo trèo. Hồi xưa, trái bình bát ê hề, ăn không xuể, mà bán thì ai mua? Giờ, bình bát hiếm dần, nhưng ở quê hay phố thị đều đủ loại trái cây, muốn ăn gì cũng có. Thành thử, chẳng có mấy người nhớ tới bình bát…

Với tôi, bình bát không chỉ là một loại trái cây dân dã, mà còn chất chứa ký ức tuổi thơ. Ăn bình bát vì hương vị của chúng, sẵn nhắc nhở gốc gác miền Tây quê mình.

Loại trái này chỉ có 2 cách ăn. Một là chấm muối mằn mặn, cho đằm vị chua nhẹ của bình bát. Hai là dằm ra, thêm đường, chút xíu muối, bỏ nước đá vào, ăn bao thơm ngọt, không lẫn vào đâu được.

Thi thoảng, ở chợ vẫn bày bán ít trái bình bát. Giá cả vô chừng, tùy người bán, người mua. Có khi 20.000 đồng/kg, có khi 5.000 đồng/trái lọt thỏm bàn tay. Mắc hay rẻ, chẳng còn quan trọng nữa. Người bán sẵn lòng bán cho nhanh, vì trái rất dễ hư, dập. Còn người thật sự muốn mua, nhìn thấy đã mừng húm, đâu để ý giá cả làm gì. Chỉ sợ sau này, kênh rạch hóa đường phố, bình bát sẽ chỉ còn trong ký ức mà thôi…

KHÁNH ĐĂNG