Nhớ trái cà na… mùa nước nổi!

18/10/2023 - 17:50

 - “Mùa nước nổi tràn đồng/ Là mùa cà na chín/ Em lính qua lính quýnh/ - Đi hái cà na, anh!” – câu thơ như trả lời cho câu hỏi “Mùa ca na bắt đầu khi nào?” với nhiều người chưa biết đến miền Tây.

Cây cà na mùa nước nổi “độc nhất” trên cồn Phó Ba

Ông Tuấn chỉ cách phân biệt cà na Thái và cà na mùa nước nổi

“Cây cà na miền Tây hay còn gọi cà na mùa nước nổi ngày nay hiếm lắm” - ông Lê Anh Tuấn (sinh năm 1956, ngụ ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) tỏ vẻ tiếc nuối. Cả cồn Phó Ba (ấp Mỹ Thạnh) chỉ còn duy nhất một cây cà na giống miền Tây nhiều năm tuổi. Bà con nơi đây gọi vui là cây cà na “cổ thụ”. 

“Trái cà na mùa nước nổi quanh năm chỉ đợi đúng mùa để ra hoa kết trái nên từ xa xưa, ông bà đặt tên như vậy. Mấy mươi năm trước, đây là trái quê được đám trẻ con mê lắm. Sau mỗi buổi học, tụi con nít chèo xuồng hoặc kéo nhau đi dọc xứ cồn để bẻ cà na mùa nước nổi. Giờ đây, cây cà na Thái được ưa chuộng và trồng nhiều hơn, có trái quanh năm nên mấy đứa nhỏ bây giờ không mặn mà việc rủ nhau hái trái cà na” - ông Tuấn tư lự.

Mân mê mấy trái cà na vừa vớt lên, ông Tuấn hít lấy hít để cái vị “quê” từ loại trái dân dã này. “Ngày xưa, mùa nước nổi về, chỉ cần đi từ đầu cồn đến đuôi cồn đã hái đầy rổ cà na. Là loại cây dại nhưng sức sống mãnh liệt, con nước càng lên cao, cây cà na càng cho trái xum xuê. Giờ thì… tất cả chỉ còn là ký ức. Bởi, không có giá trị kinh tế nên người ta chặt bỏ cây cà na, trồng những loại cây ăn trái khác có giá trị kinh tế hơn. Bây giờ, trái cà na bán ở chợ đều là cà na Thái!” - ông Tuấn đưa mắt trầm mặc nhìn cây cà na giống miền Tây còn sót lại trên xứ cồn nơi mình sinh sống.

Anh Vũ (38 tuổi, ngụ cồn Phó Ba) cũng xuýt xoa: “Gốc cây cà na nước nổi to, không thấp bé như giống cây cà na Thái. Từ nhỏ, tôi đã leo trèo hái trái cà na trên cây. Còn giờ, cây phát triển cao lớn, tôi không trèo hái được nữa”. Có lẽ vì có công dụng che nắng gió cho mấy căn nhà xung quanh mà cây cà na còn được giữ lại, không bị đốn bỏ như những cây cà na khác. Hoặc có thể vì gắn bó và trưởng thành cùng lớp trẻ như anh Vũ mà người ta không nỡ chặt…

Nhờ vậy, mấy đứa nhỏ sau này còn biết có một loại cà na từ thời ông bà mình. Không nhiều mỹ vị nhưng là một phần ký ức của những người dân miền sông nước. Để rồi, mỗi lần mùa nước nổi về, ngoài nhớ con cá linh trắng bạc lấp lánh, nhánh bông điên điển quằn bờ sông, người ta nhớ da diết trái cà na.

Ông Huỳnh Minh Vạn (sinh năm 1957, ngụ ấp Mỹ Thạnh) chia sẻ, ngày trước, khi lũ về, nhiều cây trái không thể sống được nhưng chỉ riêng cây cà na có thể sống và cho ra những trái căng tròn. Giống cà na mùa nước nổi có 2 loại. Một loại trái nhỏ, hình bầu dục, vị chát.

Loại còn lại trái to tròn như trái cà na Thái, vị chua, không chát. Loại này được nhiều người ưa chuộng, dùng chế biến nhiều món ăn dân dã, như: Cà na đập, cà na ngào đường, hay đơn giản chỉ là chấm muối ớt.

Đối với những ai thích ăn chua, cà na chấm muối ớt là lựa chọn hàng đầu. Chỉ cần đập hơi dập rồi chấm cùng muối ớt, vị chua chát cùng vị cay the của ớt khó ai kiềm lòng. Theo lời lão nông chân chất ấy, cà na trổ bông vào khoảng tháng 6 - 7 (âm lịch) và kết trái vào khoảng tháng 9 - 10 (âm lịch). Khi còn non, cà na có màu xanh mướt và ngả màu vàng nhạt khi chín.

Chưa hết câu chuyện cây cà na mùa nước nổi, ông Tuấn đưa tôi về mảnh vườn nhà mình trên cồn Phó Ba. Dẫn khách ra sau vườn tham quan vườn cà na Thái, ông Tuấn nhiệt tình: “Ngày trước, tôi trồng giống cà na mùa nước nổi nhiều lắm nhưng chủ yếu để ăn và cho hàng xóm. Giờ trồng cà na Thái, loại cây có giá trị kinh tế hơn, dễ xử lý trái theo ý định của người trồng. Đợt cao điểm, trái cà na Thái có giá bán 50.000 đồng/kg. Mấy năm nay, cà na Thái đụng chợ nhiều quá nên có phần hạ nhiệt. Mùa này, giá bán thấp nên tôi không xử lý đậu trái để chờ mùa sau” - ông Tuấn bộc bạch.

Nói rồi, ông Tuấn còn chỉ tôi cách phân biệt cây cà na Thái và cây cà na mùa nước nổi. “Lá cây cà nà Thái to, tròn ở phần đuôi. Lá cây cà na mùa nước nổi thì nhỏ hơn, khoảng 2/3 lá cây cà na Thái, nhọn ở phần đuôi. Người miền Tây chỉ nhìn thôi cũng phân biệt được 2 giống cà na này.
 

Điểm đặc biệt ở cây cà na mùa nước nổi là không cần xử lý phân thuốc, tác động mà cây cho trái đều đặn mỗi mùa một lần, rất đúng hẹn. Loài cây lạ lùng ấy rất “yêu” nước, nên phải đợi nước nổi về mới ra trái. Bông cà na còn búp có màu xanh lợt, khi nở có màu trắng. Đến mùa nước nổi những chùm bông sẽ nở thành từng chùm trái căng tròn” - ông Tuấn hồ hởi chia sẻ.

Dù không hiện hữu nhiều như xưa, nhưng đâu đó những nẻo đường quê ở miền Tây, cây cà na mùa nước nổi vẫn còn lưu giữ những kỷ niệm gắn bó với tuổi thơ của bao người..

PHƯƠNG LAN