Gánh hàng rong dường như đã đọng lại trong tâm hồn mỗi con người một nét đẹp bình dị đến lôi cuốn. Một trong những gánh hàng rong đọng lại đến tận dư vị và sâu đậm bên trong ký ức ai đó, gánh tàu hủ nước đường là khó quên nhất. Theo năm tháng, có thể chúng ta đã vô tình lãng quên trong dòng chảy của những bữa tiệc thịnh soạn hào nhoáng, xa hoa, nhưng bất chợt nghe thấy tiếng rau “tàu hủ non nước đường” trên con hẻm nào đó của chốn thị thành náo nhiệt, lòng ai lại chẳng bồi hồi? Chén tàu hủ non nước đường, cốt dừa mộc mạc như chính tên gọi.
Nó được kết hợp từ sự mềm mịn thanh mát của tào hủ hòa với vị ngọt của nước đường và mùi thơm nồng nhẹ của mấy lát gừng mỏng, thêm chút vị beo béo của nước cốt dừa (tùy sở thích ăn thêm nước cốt dừa mà người ta chang vào chén tàu hủ hay không). Tất cả hòa quyện tạo nên chén tào hủ tròn vị, bổ rẻ trong cái nắng gay gắt của những buổi trưa hè.
“Lúc nhỏ, mỗi buổi trưa tầm 14 giờ đổ đi là bắt gặp bóng dáng cô gánh hàng tàu hủ non, nước đường nóng rảo vài bận quanh xóm. Đã qua giờ ăn trưa của mọi người, lại hay qua luôn giấc ngủ trưa ngắn của người bận rộn, chén tàu hủ non của cô hàng rong xuất hiện như “giải tỏa” cơn buồn miệng giữa trưa hè oi ả của nhiều người trong xóm tôi. Mà món ăn gì ngộ lắm, hễ một người ăn là như có sức hút kỳ lạ, kéo theo hai rồi đến năm, bảy, cả chục người ăn cùng vậy! Nói đâu xa, mỗi lần bà tôi kêu 1 chén tàu hủ non không quên hỏi mấy đứa con, cháu “ăn luôn hông, để người ta múc”.
Ngày nay, nhiều người bán thay gánh tàu hủ bằng xe đẩy tự chế cho đỡ vất vả
Nói thật, ai mà kiềm lòng được trước mùi vị thanh mát, hơi nóng phả ra ngọt lịm của chén tàu hủ non khi ấy. Một chén khi ấy đâu chừng 1.000 đồng hay 2.000 đồng thôi. Ba tôi ngày đó mỗi lần ăn là phải 2 chén tàu hủ nước đường mới đủ “đô”. Có khi cô bán hàng ngồi đợi lấy chén nhưng cũng có lúc gửi lại đấy, rồi đi rảo 1 vòng ở xóm xong mới quay lại lấy chén. Món ăn dân dã coi vậy mà trưa nào không nghe tiếng rau bán là có người buồn lắm!” - chị Ngọc Ngân (ngụ phường Bình Đức, TP. Long Xuyên) nhớ lại.
Tàu hủ non nước đường xuất hiện như một hồi ức đẹp khiến người ta dù cho có nếm qua bao nhiêu món ngon, của lạ hay đã từng thử qua bao nhiêu sơn hào hải vị cũng không quên được vị của món ăn “chơi” dân dã ấy. Tàu hủ được làm từ đậu nành, trải qua quy trình chắt lọc tương đối phức tạp để tạo ra được chén tàu hũ thơm bùi đến tay người dùng. Tàu hủ ngon là khi múc lên, miến tàu hủ không rệu rã, không quá cứng mà phải trông thật mịn. Mỗi người bán hàng có "bí quyết" của riêng mình về cách làm sao để miếng tàu hủ non sánh mịn, tan ngay sau khi cho vào miệng.
Thế mới thấy, món ăn tuy mộc mạc và ít nguyên liệu chế biến nhưng cũng rất khó tính. Quá trình chế biến, món tàu hủ không đạt chất lượng sẽ không làm bật được sự độc đáo của món ăn quê này. Vì thế, để giữ được độ nóng, mùi thơm đặc trưng của chén tàu hủ, gánh hàng của người bán thường lót lớp trấu dày để ủ nổi tàu hủ.
Nước đường thì được để trên bếp củi mi-ni với ngọn lửa liu riu. Khi ai đó gọi là có ngay chén tàu hủ nóng thơm lừng. Tàu hủ ăn kèm với nước đường, nước cốt dừa, thêm một chút gừng. Tuy nhiên, mỗi địa phương có những cách ăn tàu hủ khác nhau và còn kết hợp nó với những nguyên liệu đặc trưng khác nhau của vùng, miền mình.
Chén tàu hủ nước đường nóng hổi làm người ăn mê mẩn
Song, món ăn này được bày bán nhiều ở hè phố. Những cô hàng sẽ gánh 2 cái giỏ lớn trên vai. Và tiếng rao lanh lảnh vang lên lúc họ đi qua những con hẻm nhỏ hẹp. “Tàu hủ nóng đây! Ai ăn hông?” là cả vùng trời ký ức của nhiều người. Món tàu hủ nước đường truyền thống được dùng nóng. Như đã nói, tàu hủ phải có bề mặt mềm mịn với màu trắng sữa mới “thuyết phục” những người sành ăn. Tàu hủ nước đường tuy chẳng phải món mới nhưng không phải ai cũng biết nấu. Vị non mềm của đậu hũ và vị ngọt cay của nước gừng làm ấm lòng ngày đông lạnh giá và thanh mát cả những ngày hè oi ả.
PHƯƠNG LAN