Nhọc nhằn tìm bối cảnh phim truyền hình

14/10/2019 - 09:07

Kinh phí sản xuất không tăng nhưng yêu cầu chất lượng luôn phải cải thiện; một trong số những trăn trở của làm phim, có câu chuyện lựa chọn bối cảnh.

Phim Đảo khát được quay trong bối cảnh khó khăn, gian khổ

Đừng để nhàm chán

Khảo sát hơn 100 ngôi nhà cổ khắp các tỉnh: Tiền Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp, An Giang…, cuối cùng đạo diễn Nguyễn Phương Điền mới chọn được bối cảnh chính cho Tiếng sét trong mưa. Lý do được anh đưa ra là: “Khi nhận kịch bản, tôi nghĩ mình tự làm khó mình. Có những phim cùng thể loại chỉ cần làm theo cách truyền thống là vào những nhà cổ đã cho quay, với từng đó tiền, khu vực dễ di chuyển, thuận tiện cho cả diễn viên. Tuy nhiên, tôi không muốn hình ảnh trùng lặp và thế là quyết tâm đi tìm những ngôi nhà cổ mới”.

Cái giá để khung hình không lặp lại là sự nhọc nhằn và tốn kém. Nếu thuê những ngôi nhà cổ quen thuộc chỉ 2 - 3 triệu đồng/ngày quay, nhưng trong phim này, ban đầu chủ nhà đòi đến 18 triệu đồng/ngày và cuối cùng, nhờ thuyết phục đã giảm một nửa còn 9 triệu đồng/ngày quay.

Cũng liên quan đến bối cảnh xưa, khi thực hiện Mộng phù hoa, bộ đôi biên kịch - đạo diễn Nam Yên - Quế Ngọc cũng gặp khó khăn tương tự. Do không thể kiếm được một khu phố người Hoa như ý muốn, đoàn phim buộc phải dựng lên khu phố này trên phim. Ngoài ra, bộ phim còn nhiều bối cảnh tại Tiền Giang, Đồng Nai, Đà Lạt…

Các phim cổ trang, phim xưa, khó về bối cảnh là điều đương nhiên. Nói như đạo diễn Quách Khoa Nam, người thực hiện các series phim về cổ tích: “Hình ảnh lên phim lúc nào cũng phải thật đẹp để thu hút khán giả. Tuy nhiên, khi tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, ít còn những bối cảnh hoang sơ. Muốn có, phải đi thật xa và đều tốn công dàn dựng”.

Trong khi đó, với các phim truyền hình hiện đại, bối cảnh cũng đặt ra nhiều thách thức. Đạo diễn Nhâm Minh Hiền chia sẻ, khi thực hiện Hoa cúc vàng trong bão với bối cảnh chính tại Đà Lạt, anh trăn trở khá nhiều. Đà Lạt xưa nay vốn là “thiên đường” cho các nhà làm phim, nhưng dường như từng ngõ ngách của thành phố ngàn hoa này đều đã bị khai thác...

Tương tự, khi thực hiện Mùa cúc susi, đạo diễn Phạm Lộc và ê kíp cũng đau đầu với bài toán tìm cho ra nhà nhân vật chính phải có mọi thứ từ: chuồng bò, chuồng gà, vườn lan… Trần Minh, diễn viên kiêm điều phối sản xuất phim Ruby máu, chia sẻ khó khăn, bối cảnh phim gần như toàn bộ ở trong rừng và trên núi, lại thực hiện trong thời điểm thời tiết không thuận lợi, thường xuyên mưa gió.

Khó mới chất

Kết quả của những ngày tháng nhọc nhằn, Tiếng sét trong mưa được đông đảo khán giả đón nhận, rating có tập vượt ngưỡng 20.0. Nhưng, đạo diễn Phương Điền cũng rất ngậm ngùi khi một bối cảnh chính buộc phải thay đổi. Đó là bối cảnh mỏ than, nếu muốn phải ra Bắc, kinh phí đội lên, vì vậy phải chuyển thành bối cảnh rừng cao su.

Có một thực tế, nếu trên phim khán giả chỉ thấy duy nhất một bối cảnh, nhưng ngoài đời, đoàn phim đã phải lăn lộn ở nhiều địa phương cách xa nhau, thậm chí hàng trăm cây số. Khi thực hiện Sóng ngầm, có phân cảnh 2 chiếc ghe của nhân vật chèo đi bán rau muống khi trời chiều chạng vạng. Thực tế, những khung hình đầu tiên quay ở đảo Dừa Lửa (TPHCM), cảnh hoàng hôn giữa phân cảnh này được quay tình cờ trên đường đoàn phim di chuyển và cảnh cuối cùng, khi trời chạng vạng sáng được quay ở tận Đồng Tháp.

Một phân cảnh khác về hồi ức của nhân vật chính, được quay từ Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) đến thị trấn Phan Rí Cửa (tỉnh Bình Thuận).

Tương tự, trong Thương nhớ ở ai, khán giả chỉ thấy hình ảnh một ngôi làng, nhưng thực tế, đó là hình ảnh của 18 ngôi làng khác nhau, trải dài từ Hà Tĩnh trở ra, sau đó nhờ kỹ thuật 3D, kỹ xảo cắt ghép. Trong phim, hơn 2.000 phân cảnh phải sử dụng kỹ xảo.

Khó khăn, tốn kém là chuyện đương nhiên, nhiều bối cảnh phim thậm chí còn nguy hiểm. Diễn viên Kiều Ngân chia sẻ, khi thực hiện Sóng ngầm, cảnh chèo xuồng trong đêm đến vùng nước xoáy khiến cô rất sợ. Đáng chú ý nhất phải kể đến phim Đảo khát, biên tập phim Minh Diệu đã bật khóc khi chia sẻ kỷ niệm quay phim. Kết thúc quá trình quay, đoàn phim ai cũng gầy, đen nhẻm.

Dự án phim đề tài biển đảo này có nhiều cảnh quay dưới biển, bối cảnh chính tại đảo Lý Sơn. Trước khi thực hiện, ngoài việc đầu tư mua thiết bị máy móc hiện đại, hãng phim TFS đã cho đội quay phim đi học một khóa về lặn biển.

“Chúng tôi phải tính toán kỹ lưỡng trên bờ và lựa theo thực tế cảnh quay dưới nước. Số lượng cảnh lặn biển nhiều, đòi hỏi cao nên mọi thứ phải dựa vào cảm giác của quay phim”, quay phim trong đoàn chia sẻ.

Nói về mức độ nguy hiểm, diễn viên Kiều Trinh tiết lộ, có những ngày quay phim ở Đảo Bé kết thúc, cô không dám lên thuyền về Đảo Lớn vì sóng lớn. Để hạn chế nguy hiểm cho ê kíp, đoàn phim chưa bao giờ dám quay bão thật, mà chỉ chọn vùng biển có sóng, sau đó dùng kỹ thuật hậu kỳ. 

Việt Nam chưa có phim trường chuyên nghiệp, dù muốn có bối cảnh đẹp, đúng ý đồ nghệ thuật cũng chỉ “liệu cơm gắp mắm”.

Theo VĂN TUẤN (Sài Gòn Giải Phóng)