Những bài học cho thể thao Việt Nam từ Olympic Tokyo 2020

30/07/2021 - 15:32

Sau kỳ tích của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở Olympic 2016, thể thao Việt Nam đã sớm chấp nhận cảnh “tay trắng” tại Olympic Tokyo 2020. Đây là một kết quả buồn, nhưng không hề bất ngờ bởi nó phản ánh đúng năng lực chuẩn bị và trình độ của các VĐV Việt Nam.

Điểm sáng của thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo

Cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt bắn trên cơ Ren Hayakawa, cung thủ Nhật Bản từng xếp hạng 3 thế giới trước khi dừng bước khá đáng tiếc.

Ánh Nguyệt bị loại khá đáng tiếc. Ảnh: TTXVN

Với tâm lý có phần nhẹ nhõm và không bị áp lực thành tích đè nặng, nữ tuyển thủ tuổi đôi mươi Ánh Nguyệt đã làm nức lòng người hâm mộ từ quê nhà bằng màn trình diễn ấn tượng của mình.

Đã có lúc tưởng cầm chắc tấm vé đi tiếp dù đối đầu với Ánh Nguyệt là VĐV chủ nhà dày dạn kinh nghiệm Ren Hayakawa. Ánh Nguyệt đã thi đấu đầy hứng khởi, dẫn trước Ren Hayakaea 5 - 3 sau 4 đợt bắn và chỉ cần hòa ở lượt bắn sau cùng, nữ tuyển thủ 20 tuổi này sẽ lọt tiếp vào vòng 1/16 Olympic Tokyo 2020.

Chỉ tiếc là ở đợt bắn thứ 5, Ánh Nguyệt sơ sẩy bắn một mũi tên vào vòng 5, tạo cơ hội cho Ren Hayakawa giành chiến thắng ở lượt bắn thứ 5 để san hòa điểm số 5 - 5. Phải phân định thắng - thua bằng thể thức "mũi tên vàng", Ánh Nguyệt chỉ đưa tên vào vòng 7 so với mũi tên vòng 8 của Ren Hayakaea, đành chấp nhận dừng bước.

Mới lần đầu tham dự đấu trường Olympic với thứ hạng 42 thế giới, nhưng Nguyễn Thùy Linh đã chơi rất ấn tượng.

Sau chiến thắng lịch sử ở trận ra quân, Thuỳ Linh phải đối đầu tay vợt số 1 thế giới Tai Tzu Ying (Đài Bắc - Trung Hoa). Trước trình độ vượt trội của đối thủ, Thùy Linh đành chấp nhận thua cuộc.

Thùy Linh đã trở lại mạnh mẽ khi giành chiến thắng thứ hai tại đại hội trước đối thủ người Thụy Sĩ Sabrina Jaquet.

Thùy Linh có được những kinh nghiệm quý báu từ đấu trường Olympic. Ảnh: TTXVN

Giành được 2 trận thắng hết sức thuyết phục trước các đối thủ có thứ hạng thế giới tốt hơn, Nguyễn Thùy Linh khiến người hâm mộ có đôi chút tiếc nuối bởi cô hoàn toàn có khả năng tiến sâu tại Olympic Tokyo nếu rơi vào một bảng đấu "dễ thở" hơn và quy định ngặt nghèo chỉ lấy người đứng đầu bảng vào vòng sau khiến cô phải dừng bước.

Sau những lần thành công với taekwondo, cử tạ hay bắn súng ở các kỳ Thế vận hội trước, phải chăng đã đến lúc TTVN phải đầu tư quyết liệt cho các môn mũi nhọn, đặc biệt là đội ngũ HLV thể lực cũng như các chuyên gia tâm lý để giúp các tuyển thủ thực sự tự tin trước khi bước ra tranh tài ở bất kỳ đấu trường nào.

Những trận đấu quý như "vàng" với thể thao Việt Nam

Bên cạnh trận đấu của tay vợt Nguyễn Thuỳ Linh với tay vợt số 1 thế giới Tai Tzu Ying, cung thủ Ánh Nguyệt với VĐV chủ nhà dày dạn kinh nghiệm Ren Hayakawa, thì trận đấu của võ sĩ boxing Phạm Văn Đương với tay đấm số 1 châu Á Erdenebat Tsendbaatar (Mông Cổ), hay màn đối đầu của nữ võ sĩ taekwondo Trương Thị Kim Tuyền với hạt giống số 1, đồng thời đang là ĐKVĐ thế giới Panipak Wongpattanakit (Thái Lan) đều là những màn cọ xát quý giá với các VĐV Việt Nam tại đấu trường quốc tế.

Những môn võ vẫn chưa được đầu tư xứng đáng. Ảnh: TTXVN

Dù thất bại nhưng HLV Ngô Trung Dũng rất hài lòng về học trò của mình khi đã rất tự tin, nỗ lực trong trận đấu gặp tay vợt số 1 thế giới: “Linh đã chơi rất tập trung, chắt chiu từng điểm một. Rất tiếc là ở hiệp 1 khi đã dẫn được 16 - 14 thì em lại mất kiểm soát. Và đó là cơ hội để Tai Tzu Ying vượt lên và giành chiến thắng 2 - 0. Tuy nhiên, việc được đến với đấu trường lớn nhất thế giới, được đánh với tay số số 1 thế giới, là cơ hội tốt để thầy trò tôi học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm để cố gắng hơn trong tương lai”.

Lần đầu tiên tham dự một kỳ tranh tài lớn ở Olympic nên nữ võ sĩ taekwondo 24 tuổi hạng cân -49kg Trương Thị Kim Tuyền không giấu được sự háo hức lẫn hồi hộp. Kim Tuyền chia sẻ, đây là một đấu trường rất lớn, quy tụ những võ sĩ ưu tú nhất của các quốc gia trên thế giới. Cô đã làm hết những gì có thể, cố gắng từng trận một để có thể giành thành tích và thu được những kinh nghiệm quý báu cho bản thân.

Trong lần đầu được tham dự đấu trường Olympic, Kim Tuyền khá "lãi" khi được thi đấu tới 3 trận với những võ sĩ hàng đầu thế giới là những kinh nghiệm thi đấu quý giá với nữ võ sinh năm 1997 của Việt Nam.

Thạch Kim Tuấn thi đấu không đúng khả năng của mình. Ảnh: TTXVN

Gần như không còn cơ hội tranh chấp huy chương sau tình huống bị "tạ đè" của cả 2 lực sĩ cử tạ Thạch Kim Tuấn và Hoàng Thị Duyên, đoàn TTVN chỉ còn hy vọng vào cuộc chiến vượt qua chính mình của 2 kình ngư Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Thị Ánh Viên và ngôi sao đường chạy rào nữ Quách Thị Lan trong những ngày sắp tới.

Theo MINH ĐĂNG (Báo Tin Tức)