BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y dược - cơ sở 3 cho biết, theo y học cổ truyền, quả lê tính mát, hơi chua, tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, tiêu đờm, giảm ho. Việc ăn lê giúp nhuận phổi, giáng hỏa, sinh tân dịch, dưỡng huyết, chữa khản tiếng, nhuận tràng, chữa nhọt, giã rượu với hiệu quả khá cao.
Nghiên cứu hiện đại chỉ ra rằng, quả lê chứa protein, lipid, cenlulose, canxi, phốt pho, sắt, caroten, vitamin B1, B2, C, đường gluco, axít acetic.
Việc ăn lê thường xuyên tác dụng tốt trong điều trị bệnh cao huyết áp, tim mạch (dẫn tới váng đầu hoa mắt, tim đập loạn nhịp, ù tai), lao phổi, viêm phế quản cấp tính.
Hàm lượng vitamin, đường khá phong phú trong quả lê tác dụng bảo vệ gan, dưỡng gan và lợi tiêu hóa khá tốt.
Do lê tính hàn nên người bị bệnh đau lạnh bụng, đi lỏng không nên dùng, không ăn lê bị dập nát để tránh mắc bệnh đường ruột.
Các bài thuốc dùng quả lê
Ho khan do phế nhiệt: Lê vài quả bỏ hạt, giã nhỏ, cho đường phèn vào trong, hấp cách thủy đến khi tan đường thì ăn, thuốc tác dụng thanh nhiệt, giảm ho.
Ho nhiều đờm lẫn máu: Lấy 1,5kg lê bỏ hạt, ninh thành cao, cho mật ong với lượng vừa phải vào trộn đều. Mỗi lần lấy ra 23 thìa con hòa nước sôi uống. Thuốc có tác dụng nhuận phổi, sinh tân dịch, tan đờm.
Ợ hơi: Lê 1 quả, đinh hương 15 hạt, đem bỏ hạt lê, cho đinh hương vào trong, bọc 4-5 lần giấy ướt, om nhừ để ăn.
Viêm khí quản: Lê 2 quả, bột xuyên bối 10 gam, đường phèn 30 gam. Bỏ hạt lê, cho bột xuyên bối và đường phèn vào trong quả lê, hấp ăn ngày 2 lần vào sáng sớm và tối.
Tiêu đờm, thông đại tiện: Dùng nước lê, nước củ ấu, nước rễ cỏ tranh, nước hạt mạch, nước ngó sen khuấy đều, uống nguội hoặc đun nóng.
Chữa hôi miệng: Trước khi ngủ ăn 2 quả lê.
Trẻ em bị phong nhiệt, chán ăn: Lê 3 quả rửa sạch, thái miếng, đổ 3 lít nước, đun đến khi cạn còn 1 lít, bỏ bã, đổ gạo vào nấu cháo cho trẻ ăn.
Lưu ý:Tất cả bài thuốc chỉ mang tính tham khảo, khi bệnh bạn nên tới gặp bác sĩ để được thăm khám và hướng dẫn sử dụng lê đúng cách đảm bảo sức khoẻ.