Trong ảnh (từ trái sang): Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif al-Zayani, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed Al-Nahyan tại lễ ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ở Nhà Trắng, Washington DC., Mỹ ngày 15-9-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong một năm cả khu vực cũng đang gồng mình chống chọi với đại dịch COVID-19 như bất kỳ nơi nào trên thế giới, những điểm sáng le lói từ quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel với một loạt quốc gia Arab trong khu vực, làm dấy lên hy vọng về cơ hội đối thoại và hợp tác ở mảnh đất lâu nay vẫn chìm trong đối đầu và xung đột. Tuy nhiên, không ít diễn biến gây căng thẳng, như vụ Mỹ không kích sân bay quốc tế Baghdad (Iraq) khiến tướng chỉ huy đơn vị đặc nhiệm thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran Qasem Soleimani thiệt mạng hồi đầu năm, hay vụ tấn công ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran Mohsen Fakhrizadeh ở Tehran cuối tháng trước, luôn đe dọa đẩy Trung Đông vào vòng xoáy bất ổn mới.
Có thể nói rằng cục diện địa-chính trị tại khu vực Trung Đông đã thay đổi đáng kể sau khi Israel trong vòng chưa đầy 4 tháng lần lượt bình thường hóa quan hệ với 4 nước Arab. Thỏa thuận về việc Israel thiết lập quan hệ ngoại giao với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain ký ngày 15-9 tại Nhà Trắng được ví như bước đột phá quan trọng, "phá vỡ" thời kỳ được đánh giá là băng giá giữa Israel với cộng đồng Arab kéo dài suốt 26 năm qua. Với những thỏa thuận này, UAE và Bahrain là các nước Arab tiếp theo thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, sau Ai Cập ký thỏa thuận năm 1979 và Jordan ký hiệp ước hòa bình năm 1994. Bước đột phá này cũng mở đường để Sudan và Maroc sau đó bình thường hóa quan hệ với Israel.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) trong cuộc họp báo ngày 30-8-2020 và Quốc vương Maroc Mohammed VI phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh ở Brazzaville (Congo) tháng 4-2018. Ảnh ghép: AFP/TTXVN
Giới chuyên gia khu vực nhận định rằng lợi ích chung là yếu tố khiến các nước Arab bình thường hóa quan hệ với Israel, bất chấp những thỏa thuận nêu trên cũng bị chỉ trích là đi ngược lại chính sách của Liên đoàn Arab lâu nay, luôn tuyên bố chỉ bình thường hóa quan hệ với Israel nếu tiến trình thành lập Nhà nước Palestine đạt tiến triển. Việc 4 quốc gia Arab thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel đánh dấu sự thay đổi lớn về lập trường chính thức của các nước Arab đối với vấn đề thành lập Nhà nước Palestine. Một số nhà phân tích cho rằng yếu tố lợi ích đã khiến quan điểm của thế giới Arab mang tính 2 mặt, vừa ủng hộ quyền của người Palestine và giải pháp 2 nhà nước, vừa tìm cách bình thường hóa quan hệ với Israel. Ngoài lợi ích kinh tế rõ rệt, khả năng nâng cấp hợp tác quốc phòng và an ninh với Mỹ cũng là một yếu tố được các nước Arab tính đến khi bình thường hóa quan hệ với Israel. Các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ như vậy cũng được cho sẽ tạo thành động lực dẫn đến khả năng thành lập một trục trong khu vực để đối đầu với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của những nước như Iran.
Ít nhiều thì những chuyến động này cũng phản ánh một xu thế tích cực và nhu cầu tất yếu của các nước, là tìm cách hợp tác và chung sống hòa bình trên cơ sở tạm gác những khác biệt để cùng đạt được lợi ích. Tiếp sau việc bình thường hóa, một loạt các thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau giữa Tel Aviv và các nước trên đang được xúc tiến một cách nhanh chóng và mạnh mẽ. Oman được cho là quốc gia tiếp theo bình thường hóa quan hệ với Israel, Mauritania rồi Djibouti cũng nhiều khả năng sẽ tiếp bước lộ trình này. Saudi Arabia đã chính thức mở không phận cho các chuyến bay của Israel và với những tác động từ Washington, khả năng Saudi Arabia bình thường hóa quan hệ với Israel cũng được đề cập. Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế ở Khartoum, ông Salah Al-Doma nhận định: "Rõ ràng, các nước Arab khác đang theo dõi chặt chẽ kết quả của các thỏa thuận này, chờ đợi việc gia nhập 'đoàn tàu' bình thường hóa quan hệ này nếu họ tin là việc bình thường hóa mang lại nhiều lợi ích".
Tuy nhiên, thực tế cho thấy những chuyến động này cũng đang gây chia rẽ ở Trung Đông, đặc biệt trong nội bộ thế giới Arab. Iran, Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ... cho rằng bước đi này sẽ không mang lại hòa bình cho khu vực Trung Đông. Trên thực tế, không có bất kỳ thỏa thuận bình thường hóa quan hệ nào gần đây có thể giải quyết triệt để những khúc mắc cơ bản vốn luôn tạo ra bạo lực và bất ổn cho khu vực, Việc Israel tiếp tục sáp nhập các vùng lãnh thổ, mở rộng các khu định cư có thể coi là dấu hiệu cho thấy tiến trình hòa bình Trung Đông nói chung và việc giải quyết xung đột Israel-Palestine nói riêng vẫn là thách thức.
Còn đối với Palestine, 2020 là một năm đầy chông gai khi những nỗ lực nhằm giải quyết cuộc xung đột với Israel gặp vô vàn trở ngại từ đầu năm, gắn với sự kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố bản Kế hoạch hòa bình Trung Đông, còn được gọi là “Thỏa thuận thế kỷ” gây tranh cãi, trong đó cho phép Israel sáp nhập các khu định cư tại Bờ Tây và Thung lũng Jordan. Bản kế hoạch của Mỹ bị đánh giá là quá thiên vị Israel khi chỉ ưu tiên những mục tiêu chiến lược của Tel Aviv, bỏ qua nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của người Palestine đối với các vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng, bao gồm vấn đề Đông Jerusalem.
Người Palestine cũng cho rằng việc các nước Arab thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel đã làm suy yếu quan điểm lâu nay của toàn thế giới Arab đối với vấn đề hòa bình Trung Đông. Theo ông Hani Al-Masry, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính sách của người Palestine có trụ sở tại Ramallah, việc các nước Arab bình thường hóa quan hệ với Israel đã làm xói mòn nỗ lực thành lập nhà nước của người Palestine, bởi "điều nguy hiểm nhất trong các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ của các nước Arab với Israel là nó đặt nền móng cho những bước công khai đầu tiên hướng đến việc thiết lập một liên minh giữa một số nước Arab, Mỹ và Israel". Bởi vậy, những biến chuyển mới ở Trung Đông vô hình trung khiến triển vọng về nền hòa bình công bằng và toàn diện giữa Israel và Palestine vẫn khá xa vời.
Nói đến Trung Đông cũng không thể không nhắc tới Iran, quốc gia năm 2020 đã trở thành "tâm điểm" của những vụ bạo lực nghiêm trọng, có những thời điểm căng thẳng thường trực giữa Mỹ và Iran cũng như tình trạng đối đầu giữa Iran và Israel đã đe dọa dẫn tới đối đầu quân sự trực tiếp giữa các bên.
Người dân Khuzestan dành một sự tôn kính đặc biệt cho Tướng Soleimani. Ảnh: AFP
Vụ quân đội Mỹ ngày 3-1 theo chỉ thị của Tổng thống Donald Trump không kích nhằm vào sân bay quốc tế Baghdad của Iraq, sát hại Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Tướng Qassem Soleimani, đã khiến cả khu vực Trung Đông khởi đầu năm 2020 với tình trạng hỗn loạn khi những căng thẳng địa-chính trị leo thang lên "mức nguy hiểm". Trung Đông thời điểm đó thực sự lâm vào cuộc khủng hoảng mới và cuộc đối đầu giữa Washington và Tehran đã ở vào tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”. Mặc dù tuyên bố của Iran trả đũa tương xứng vụ không kích của Mỹ không dẫn tới một cuộc chiến tranh, song hệ lụy của nó vẫn hết sức nặng nề. Các vụ phóng tên lửa đạn đạo của quân đội Iran nhằm vào các căn cứ và lợi ích của Mỹ ở Trung Đông để trả đũa đã vô tình dẫn tới "thảm kịch" khi lực lượng phòng không Iran ngày 8-1 bắn nhầm chiếc máy bay chở khách của Ukraine trên vùng trời Tehran do cho rằng đây là một tên lửa hành trình của đối thủ, khiến toàn bộ 176 người trên máy bay thiệt mạng
Đại dịch COVID-19 có thể phần nào làm giảm các hoạt động đối đầu trên thực địa, song chính sách “gây sức ép tối đa” của Mỹ nhằm vào Iran thì tiếp tục để lại hậu quả. Iran đã cắt giảm tối đa việc thực thi một số cam kết từng đưa ra trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử Tehran ký với Nhóm P5+1 năm 2015 mà ông Donald Trump đã rút khỏi từ năm 2018, trong đó có việc tuân thủ các giới hạn chính đối với chương trình làm giàu urani của nước này. Vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran, ông Mohsen Fakhrizadeh cuối tháng 11 vừa qua đã tô đậm thêm mảng màu tối ở Trung Đông, đồng thời khoét sâu "mối thâm thù" giữa hai cường quốc ở khu vực là Iran và Israel. Chỉ 72 giờ sau vụ nhà khoa học Fakhrizadeh bị ám sát, mà Tehran cáo buộc Mỹ và Israel đứng phía sau, Quốc hội Iran đã thông qua đạo luật tăng cường làm giàu urani lên mức 20% và khôi phục lò phản ứng nước nặng Arak như trước khi có thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn gọi là Kế hoạnh Hành động chung toàn diện (JCPOA)
Kỹ thuật viên Iran kiểm tra các thiết bị tại cơ sở làm giàu urani Isfahan, cách thủ đô Tehran 420 km về phía nam. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Iran đang vượt qua tất cả các giới hạn trong JCPOA, khi quyết định tăng tổng lượng dự trữ urani làm giàu cấp độ thấp từ 1.020,9kg lên 1.571,6kg, tức là gấp khoảng 8 lần mức mà nước Cộng hòa Hồi giáo được phép duy trì trong thỏa thuận hạt nhân. Theo các điều khoản của JCPOA, Iran chỉ được phép dự trữ 202,8kg urani được làm giàu tối đa 3,67%. Hiện Tehran làm giàu urani có độ tinh khiết 4,5% và sở hữu lượng nước nặng cao hơn nhiều so với mức cho phép trong thỏa thuận. Hồi tháng 9, Iran cũng thông báo kích hoạt 1.044 lò phản ứng tại cơ sở làm giàu urani Fordow, theo chính sách giảm cam kết trong khuôn khổ JCPOA.
Những biến chuyển ở Trung Đông năm 2020 mang đậm dấu ấn chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Từ kế hoạch "Hòa bình Trung Đông" gây tranh cãi, vai trò trung gian trong các thỏa thuận hòa giải giữa Israel với các nước Arab tới những bước đi siết chặt các biện pháp trừng phạt Iran. Những nước cờ của Tổng thống Trump ở Trung Đông một mặt nhằm củng cố vai trò và tầm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực chiến lược này, mặt khác nhằm thúc đẩy các lợi ích của Washington tại Trung Đông thông qua các mối quan hệ đồng minh bền chặt, từ đó tạo thành mặt trận thống nhất để đối phó và kiềm chế Iran.
Khép lại năm 2020 trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump sẽ rời Nhà Trắng đầu năm 2021, giới quan sát nhận định cục diện Trung Đông năm 2021 sẽ phụ thuộc vào chính sách của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden. Những “di sản” mà ông Trump đã tạo dựng và để lại ở khu vực có thể khiến chính quyền kế nhiệm gặp nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh hay thậm chí là đảo ngược chính sách đối với Trung Đông, nhất là việc đưa Mỹ quay trở lại JCPOA.
Tuy nhiên, nhiều người tin rằng ông Biden, vốn là một chính trị gia có bề dày kinh nghiệm đối ngoại trong nhiều thập niên và các mối quan hệ khắp Trung Đông, sẽ có cách thức phù hợp để tháo gỡ những “nút thắt” trong vấn đề hạt nhân Iran, cuộc xung đột Israel-Palestine, cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các nước Arab vùng Vịnh vốn đều là đồng minh của Mỹ hay kiềm chế sự trỗi dậy của Thổ Nhĩ Kỳ…
Trước đó, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden từng tuyên bố sẵn sàng đưa Mỹ quay lại thỏa thuận hạt nhân Iran, coi đây như là điểm khởi đầu để thực hiện các cuộc đàm phán hạt nhân tiếp theo nếu Tehran trở lại tuân thủ thỏa thuận. Ông Biden cũng được kỳ vọng sẽ đề xuất giải pháp hai nhà nước như một lựa chọn chiến lược để giải quyết xung đột Palestine-Israel, theo chính sách dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama mà ông Biden khi đó là Phó Tổng thống. Việc nối lại quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và chính quyền Palestine cũng như việc mở lại cơ quan đại diện của Palestine tại Washington cũng có thể được cân nhắc. Tuy nhiên, tiến trình này đòi hỏi cần có thời gian và chủ nhân mới của Nhà Trắng cũng phải ưu tiên giải quyết những vấn đề trong nước, như dập dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế, trước khi để mắt tới Trung Đông. Thực tế đó khiến bức tranh Trung Đông năm 2021 vẫn tiềm ẩn những biến số khó lường.
Theo TRƯƠNG ANH TUẤN (TTXVN )