Bức “The Jewish Bride” (Cô dâu Do Thái - thực hiện năm 1666) - Danh họa Rembrandt
Bức tranh của danh họa người Hà Lan - Rembrandt ấn tượng trong từng đường nét. Bức tranh khắc họa một cặp đôi trẻ tuổi, người xem tranh không biết gì về họ, những thông tin như họ là ai, có thật họ đang trong một lễ cưới hay không, có thật họ là người Do Thái hay không... Tất cả đều không thật rõ ràng và không thể nào khẳng định tuyệt đối.
Nhưng bức họa này vượt lên trên một khắc họa chân dung thông thường, nó đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật đẳng cấp. Khuôn mặt của hai nhân vật chính rạng ngời xúc cảm. Cử chỉ của họ âu yếm và thân mật. Bàn tay của người đàn ông đặt nhẹ lên ngực người phụ nữ và người phụ nữ lại nhẹ nhàng đặt tay mình lên tay người đàn ông.
Họ có nét riêng của mình trong bức tranh và cũng có nét chung giống như mọi cặp đôi khác trên thế giới này. Bức tranh cho thấy sự dịu dàng, âu yếm, những tình cảm chân thực của hai con người dành cho nhau.
Bức “The Honeysuckle Bower” (Lùm cây kim ngân - thực hiện năm 1609) - Danh họa Rubens
Trở về từ tuần trăng mật, danh họa Peter Paul Rubens ngồi bên cạnh người vợ trẻ của mình - nàng Isabella Brant, bên cạnh những lùm cây kim ngân đang nở hoa. Người vợ trẻ mỉm cười ngọt ngào, vị danh họa ngồi phía sau, chân vắt chéo, dáng điệu thoải mái.
Cây cối trong vườn đang đua nở. Hai con người này hoàn toàn thoải mái, dễ chịu khi ở cạnh nhau. Ở họ rạng ngời lên hạnh phúc của người đang yêu. Người ta vốn biết rằng cặp đôi này rất xứng đôi, danh họa Rubens là một người đàn ông tài hoa trong nghệ thuật, và chính ông lại đã từng đề cập trong nhiều bức thư về sự hài hước duyên dáng ở người vợ của mình.
Trong khi những bức tranh khắc họa chân dung một cặp vợ chồng thời bấy giờ thường được thực hiện theo phong cách khá... nghiêm trang, như thể một hôn ước nhiều ràng buộc được cụ thể hóa bằng hình ảnh, thì bức chân dung này lại rất giàu cảm xúc, tạo cảm giác dễ chịu và thoải mái với một phong cách rất đời thường.
Bức “The Surprise” (Sự bất ngờ - thực hiện năm 1718) - Danh họa Watteau
Trong tác phẩm của vị danh họa người Pháp - Jean-Antoine Watteau, ánh mặt trời đã nhạt, bóng tối đang ập đến, một nhạc công ngồi chơi đàn ngay bên cạnh một cặp đôi trẻ tuổi đang say đắm ghì siết lấy nhau.
Cặp đôi này quá mê đắm trong vòng ôm đến mức họ hầu như chẳng còn biết đến sự tồn tại của người nhạc công đang ở ngay đó quan sát mình. Cặp tình nhân không hề cảm thấy thiếu tự nhiên. Có lẽ âm nhạc là gia vị của tình yêu đối với cặp đôi này, hoặc có thể họ quá say đắm, mãnh liệt trong những xúc cảm dành cho nhau, tới mức không hề nhớ đến sự tồn tại của người nhạc công.
Trong khi đó, sự tồn tại của người nhạc công trong bức tranh lại nhắc cho người xem nhớ rằng anh ta (và có thể cả chính người xem tranh) đang thiếu đi điều gì trong cuộc sống. Người nhạc công này chính là một nhân vật “bán bi kịch” trong bức tranh của Watteau.
Bức “Dance in the Country” (Khiêu vũ ở miền quê - thực hiện năm 1883) - Danh họa Renoir
Đôi tình nhân trong bức tranh của danh họa người Pháp Pierre-Auguste Renoir đang bị cuốn đi theo âm nhạc, vũ điệu và không khí ngày hè, đương nhiên... họ cũng bị lôi cuốn vì nhau. Bữa ăn của họ đã bị bỏ quên, bát đĩa trên bàn khá lộn xộn, một chiếc mũ nằm rơi trên sàn, người phụ nữ nắm chiếc quạt trong tay, người đàn ông giữ lấy eo và cổ tay người phụ nữ.
Toàn bộ bức tranh dường như đang quay cuồng theo vũ điệu. Vẻ đẹp tươi sáng rạng rỡ của bức tranh mềm mại tươi tắn và đầy xúc cảm này có điểm nhấn chính, là nụ cười của người phụ nữ. Khuôn mặt hướng thẳng về phía người xem tranh cho thấy cô đang rất hạnh phúc.
Bức “The Kiss” (Nụ hôn - thực hiện năm 1908) - Danh họa Klimt
Cuồng say trong vòng tay, cặp tình nhân trong tranh chìm đắm trong nụ hôn vĩnh cửu. Tình yêu của họ có gì đó lạ lẫm với thế giới này, bối cảnh trong tranh là một đồng cỏ siêu thực, phục trang của nhân vật cũng thật xa lạ. Cơ thể họ không hiện ra rõ ràng ngoại trừ đôi tay, bờ vai, hay bàn chân xinh xắn của người phụ nữ.
Đôi chân trần, hoa cài trên mái tóc, nhân vật trong tranh của danh họa người Áo Gustav Klimt có vẻ gì đó phóng túng nhưng cũng thật trang nhã. Cho tới giờ, đây vẫn là bức tranh được yêu thích nhất khắc họa một nụ hôn.
Bức tranh hình vuông, khắc họa vừa vặn một cặp đôi ở vị trí trung tâm, như muốn nói lên tâm trạng của những người đang yêu, họ gắn với nhau bằng một nụ hôn và thế là cả thế giới như tan biến, chỉ còn lại hai người.
Bức “The Birthday” (Ngày sinh nhật - thực hiện năm 1915) - Danh họa Chagall
Tình yêu có thể khiến con người có cảm giác lâng lâng sung sướng đầy bay bổng, điều này đã được thể hiện theo đúng nghĩa đen trong bức họa của Marc Chagall. Người đàn ông trong tranh được khắc họa như một thiên thần, bay lượn và cúi xuống hôn người yêu của mình.
Chagall khi thực hiện bức tranh này cũng đang chuẩn bị kết hôn với người tình - nàng Bella, cũng là nàng thơ của ông. Bức họa này vượt lên trên mọi quy tắc vật lý về trọng lực, cho thấy sức mạnh tình cảm giữa họ như thế nào trong cảm nhận của họa sĩ. Đây là hình ảnh về một tình yêu mãnh liệt, cũng đồng thời thể hiện sự ngưỡng mộ mà hai bên dành cho nhau.
Khắp căn phòng đều được trải thảm, trải khăn khiến nó hiện lên như thể một chốn riêng thiêng liêng dành để tôn thờ tình yêu của cặp đôi. Chagall từng viết về người vợ tương lai của mình: “Tôi chỉ cần mở cửa sổ ra và bầu không khí mát lành dễ chịu, tình yêu và hương hoa đã ngập tràn căn phòng cùng với sự hiện diện của cô ấy”.
Bức “The Lovers” (Những người tình - thực hiện năm 1928) - Danh họa Magritte
Danh họa người Bỉ René Magritte khắc họa một cặp tình nhân bí ẩn đang cố gắng hôn nhau qua hai làn vải, hai đôi môi sẽ không bao giờ thực sự gặp nhau, họ thậm chí không nhìn thấy nhau, không cảm nhận được nhau, và sẽ không thể hôn thực sự.
Đây là một bức tranh đầy hấp dẫn khắc họa sự tuyệt vọng trong tình cảm lứa đôi. Mái nhà phía trên đầu hai nhân vật cho thấy sự tù túng ngột ngạt của hai con người, giữa thế giới vật chất xung quanh họ. Đây có thể là một cặp đôi đã được gắn kết với nhau bởi những ràng buộc vững chắc, nhưng cũng đồng thời đóng cửa tâm hồn mình với nhau. Có thể họ chẳng biết gì, hiểu gì về nhau.
Đó chính là cơn ác mộng của một mối quan hệ lứa đôi, khiến những người trong đó cảm thấy thực sự cô đơn. Màu xám của hai tấm vải trùm khiến người ta hình dung tới vải liệm dành cho một mối quan hệ u ám.
Bức chân dung tự họa thực hiện năm 1943 của danh họa Frida Kahlo
Bức chân dung này bắt đầu được thực hiện hồi cuối mùa hè năm 1940 sau khi cặp đôi họa sĩ người Mexico - Frida Kahlo và Diego Rivera - ly hôn. Nữ danh họa Frida Kahlo vốn thường thể hiện những lối nói ẩn dụ bằng hình ảnh diễn tả chân thực, trực diện trong tranh của mình.
Diego Rivera - người chồng cũ của bà - vẫn luôn ở trong tâm trí bà, in hằn trong khối óc bà, khóa chặt trong tâm hồn bà. Mặc cho tất cả những đau đớn mà bà đã phải chịu đựng vì những cuộc tình ngoài luồng của ông, bà không thể nào thôi nghĩ về ông.
Bà khắc họa mình trong bộ trang phục truyền thống của Mexico mà ông rất thích, Kahlo còn như thể đang ở giữa một chiếc mạng nhện. Có lẽ bà muốn diễn tả rằng mình đang bị mắc kẹt, trong chính những suy nghĩ đầy ám ảnh của mình. Điều an ủi là cuộc tình của hai người vẫn chưa dừng lại ở đó. Trước khi bức tranh này được hoàn tất hồi năm 1943, họ đã tái hôn.
Bức “The Resurrection: Reunion” (Sự hồi sinh: Tái hợp - thực hiện năm 1945) - Họa sĩ Stanley Spencer
Nếu mọi thứ trên thế giới này đều đi đến kết thúc, thì điều gì còn lại? Theo họa sĩ người Anh Stanley Spencer, chỉ có tình yêu là còn mãi.
Bức “Love” (Tình yêu - thực hiện năm 1965) - Họa sĩ Robert Indiana
Họa sĩ người Mỹ Robert Indiana khắc họa duy nhất một từ “Love”, nhưng bức tranh này lại không chỉ đơn giản khắc họa một từ. Hình ảnh biểu tượng này đã đi vào đời sống văn hóa đại chúng trên khắp thế giới. Chữ “Love” rất đáng yêu này cho thấy một cách khắc họa và thể hiện rất hiện đại về tình yêu. “Love”, sau cùng, còn điều gì quan trọng hơn tình yêu trong trái tim mỗi người?
Theo BÍCH NGỌC (Dân Trí)