Những công trình nổi bật ở huyện Thoại Sơn

12/05/2023 - 05:51

 - Thoại Sơn (tỉnh An Giang) hôm nay không ngừng đổi thay, mang dáng vẻ, diện mạo của huyện nông thôn mới văn minh. Công tác phát triển hạ tầng nông thôn luôn được quan tâm, nhiều công trình trở thành điểm nhấn của địa phương.

Khánh thành tuyến đường Nam Ba Dầu và cầu Thoại Hà 2

Cuối tháng 4/2023, UBND huyện Thoại Sơn khánh thành tuyến đường Nam Ba Dầu và cầu Thoại Hà 2. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Thoại Sơn, tuyến đường Nam Ba Dầu có tổng chiều dài 11.687m; chiều rộng nền đường 7,5m; tải trọng 10 tấn; tổng mức đầu tư hơn 33 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% chi phí xây dựng, phần còn lại từ nguồn ngân sách huyện; thời gian thi công 240 ngày. Cầu Thoại Hà 2 dài 80m, rộng 5m, tải trọng 10 tấn, kết cấu thép mạ kẽm; tổng kinh phí 9,2 tỷ đồng (ngân sách huyện đầu tư 100%); thời gian thi công 180 ngày.

“Đây là những công trình trọng điểm, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện; tạo hệ thống giao thông đồng bộ, thông suốt giữa các tuyến đường huyết mạch, đường liên xã, liên huyện. Thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện dành nhiều nguồn lực đầu tư, vận động xã hội hóa xây dựng giao thông nông thôn, tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng, thuận lợi giao thương, vận chuyển hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Từ đó, thu hút doanh nghiệp về đầu tư phát triển kinh tế địa phương” - Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Phạm Thành Được khẳng định.

Yếu tố giúp công trình nâng cấp, mở rộng đường Nam Ba Dầu và cầu Thoại Hà 2 sớm hoàn thành là sự đồng thuận, tham gia đóng góp của người dân trong di dời vật kiến trúc, sẵn sàng hiến đất mở rộng đường. Ông Trần Hữu Thế (sinh năm 1952, ngụ ấp Trung Phú 2, xã Vĩnh Phú) cho biết, gia đình ông hiến khoảng 400m2 đất ở cho việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường. Mặc dù, sau khi phá dỡ hàng rào, công trình kiến trúc kiên cố trước nhà, ông còn phải bỏ ra số tiền không nhỏ để xây lại hàng rào dài hơn 30m, nhưng ông vẫn sẵn lòng ủng hộ.

“Hiến đất, mở rộng đường là tốt, giúp việc giao thương của bà con, chuyện học hành của con cháu thuận tiện hơn. Vì vậy, gia đình tôi góp một phần nhỏ vào sự phát triển của quê hương. Ông bà ngày xưa có câu: “Đại lộ đại phú, trung lộ trung phú”. Tôi sẽ chung sức cùng chính quyền địa phương tôn tạo, bảo dưỡng tuyến đường Nam Ba Dầu luôn được bền lâu!” - ông Thế bộc bạch.

Những kết quả phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua là sự nỗ lực đáng ghi nhận của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Thoại Sơn. Trong đó, việc kế thừa truyền thống cách mạng, “Uống nước nhớ nguồn” luôn được địa phương phát huy. Cùng với tuyến đường Nam Ba Dầu và cầu Thoại Hà 2, UBND huyện Thoại Sơn khánh thành Nhà truyền thống huyện. Đây là tâm nguyện của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân.

“Có vị trí chiến lược quan trọng, Thoại Sơn từng là vùng căn cứ của tỉnh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Với truyền thống cách mạng hào hùng, quân và dân Thoại Sơn không ngại hy sinh, đấu tranh kiên cường, bất khuất cho đến ngày giải phóng quê hương. Thế nên, Ban Thường vụ Huyện ủy Thoại Sơn chỉ đạo xây dựng Nhà truyền thống huyện nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ biết trân trọng công lao của tiền nhân, biết phát huy truyền thống tốt đẹp của cha anh để lại, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương phát triển bền vững. Các ban, ngành huyện, UBND xã, thị trấn tích cực sưu tầm hình ảnh, tư liệu lịch sử quý báu, giúp Nhà truyền thống huyện Thoại Sơn sớm hoạt động” - Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Nguyễn Thị Kim Chi cho hay.

Theo đó, Nhà truyền thống huyện được đầu tư xây dựng trên 200m2, khung nhà chính bằng gỗ, nền lát gạch, mái lợp ngói; tổng vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách huyện. Đây là nơi trưng bày, lưu giữ hiện vật, tư liệu lịch sử về sự hình thành và phát triển của huyện Thoại Sơn qua các thời kỳ, như: Hình ảnh về nền văn hóa Óc Eo; hình ảnh và tư liệu về danh thần Thoại Ngọc Hầu - vị danh tướng có công đào kênh, lập làng Thoại Sơn; những trận đánh tiêu biểu của quân và dân Thoại Sơn; hình ảnh, sự kiện, công trình tiêu biểu mà Đảng bộ huyện Thoại Sơn vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...

Huyện Thoại Sơn đang tự tin hướng về tương lai với nhiều kỳ vọng. Mặc dù, chặng đường phía trước còn không ít gian nan, thử thách, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương luôn quyết tâm đổi mới, sáng tạo, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, hoàn thành tiêu chí xây dựng “Huyện nông thôn mới nâng cao” trong năm 2023 để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận; phấn đấu trở thành thị xã vào năm 2029, nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày tái lập huyện (23/8/1979 - 23/8/2029).

PHƯƠNG LAN