Những danh thần trên đất An Giang

06/09/2022 - 04:27

 - Bên cạnh công lao to lớn của Thống chế khâm sai thượng đạo đại tướng quân Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu), vùng đất An Giang “thuở mang gươm đi mở cõi” còn có đóng góp của nhiều danh tướng đã được triều đình phong hầu. Sự phát triển của tỉnh hôm nay còn lưu dấu nhiều hiền nhân thuở ấy.

Tượng danh thần Thoại Ngọc Hầu tại Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu (TP. Long Xuyên)

Chinh phục vùng đất hoang vu

Việc thành lập tỉnh An Giang được xác định vào năm 1832, khi trấn Vĩnh Thanh được vua Minh Mạng chia thành tỉnh An Giang và Vĩnh Long. Tuy nhiên, vùng đất An Giang đã được khai phá từ trước, mà người có công khai mở đầu tiên là Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700), sinh tại vùng đất thuộc tỉnh Quảng Bình ngày nay.

Theo nghiên cứu của ThS Đỗ Thanh Nhàn (Trường Chính trị Tôn Đức Thắng), nhờ sớm hiển lộ tài thao lược, lập được nhiều chiến công từ khi còn rất trẻ nên mới khoảng 20 tuổi, Nguyễn Hữu Cảnh đã được chúa Nguyễn Phúc Tần phong giữ chức võ quan cấp cao là Cai cơ. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh được phong làm Thống suất, cử vào kinh lược xứ Đồng Nai (tên gọi chung cho toàn bộ vùng đất Nam Bộ hiện nay).

Dù đối diện với rất nhiều khó khăn ở vùng đất mới, nhưng ông thể hiện bản lĩnh thao lược: Vừa khẩn hoang, vừa mộ dân, mở đất, lập làng, bình định, thiết lập bộ máy quản lý, tổ chức hành chính, xác định biên cương, lãnh thổ, quy định các thứ thuế đinh điền và chỉ đạo phát triển kinh tế vùng đất mới. Nguyễn Hữu Cảnh còn có công lớn đánh dẹp giặc Chân Lạp do Nặc Thu cầm đầu, góp phần giữ gìn đất đai, bờ cõi và bảo vệ nhân dân.

ThS Đỗ Thanh Nhàn cho rằng, sinh thời của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, tỉnh An Giang chưa thành lập. Tuy nhiên, công trạng của ông đối với Nam Bộ nói chung và tỉnh An Giang nói riêng rất to lớn. Nhiều làng mạc trên địa bàn An Giang ngày nay được hình thành dưới thời Nguyễn Hữu Cảnh.

Khoảng năm 1820-1828, Thoại Ngọc Hầu cho xây đình Châu Phú thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Ông là một trong những nhân vật lịch sử được tôn kính và thờ cúng nhiều nhất trong các đình thần ở An Giang. Tên ông được đặt cho tên đất (cù lao Ông Chưởng), tên trường học, tên đường… ở An Giang.

Xây dựng vùng đất mới

Ngay trước khi tỉnh An Giang được thành lập, vùng đất này đã ghi dấu công lao của Thư Ngọc hầu Nguyễn Văn Thư (hiện chưa rõ năm sinh), người sinh ra và lớn lên ở cù lao Giêng (huyện Chợ Mới ngày nay). Ông theo Tiền quân Tôn Thất Hội đi đánh giặc, từng chức Phó tướng Tiền quân Khâm sai Tổng nhung cai cơ.

Tháng 5/1794, ông và các em tử chiến trong trận đánh ở cửa biển Thị Nại. Sau khi lên ngôi vua, Gia Long ghi nhận công lao to lớn của ông và các em, truy phong cho Nguyễn Văn Thư là Đặc Tiến Phụ Quốc, Thượng Tướng Quân, Thượng Trụ Quốc, Khâm sai Chưởng dinh Thư Ngọc hầu, được liệt thờ ở miếu Trung Hưng.

Thư Ngọc hầu Nguyễn Văn Thư là người được triều Nguyễn phong tước hầu sớm nhất trong các vị được phong hầu ở Tây Nam Bộ. Công lao chính của ông là tham gia chiến trận, đánh tan tàn quân Xiêm để bảo vệ nhân dân, phò Nguyễn Ánh, góp công lớn vào dựng lập nhà Nguyễn. Gia đình ông cũng có công khẩn hoang, mở đất, tiêu trừ thú dữ, bảo vệ thôn dân.

Lăng của ông và 2 người em hiện ở cù lao Giêng, trong khu vườn của dòng tộc, được nhân dân trong vùng tôn gọi là Lăng Ba Quan Thượng Đẳng; phủ thờ các ông cũng được lập gần lăng, gọi là Dinh Ba quan thượng đẳng. Nhân dân quanh năm hương khói phụng thờ.

Trước khi tỉnh An Giang được thành lập, vùng đất này đặc biệt ghi dấu ấn công lao của Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại (1761-1829), người có công chỉ huy đào kênh Thoại Hà, Vĩnh Tế và để lại nhiều công trình có giá trị đến ngày nay.

Cùng thời với Thoại Ngọc Hầu, còn có Tuyên Trung hầu Nguyễn Văn Tuyên (1763-1831). Ông tên thật là Phan Văn Tuyên, vì có công nên được vua Nguyễn ban cho quốc tính. Năm 1788, khi 25 tuổi, ông đầu quân theo phò chúa Nguyễn Phúc Ánh. Với võ công giỏi, tài điều binh, ông lập nhiều công trạng, lần lượt được phong giữ các chức: Thần sách quân hổ oai vệ úy, Chấn võ quân nhất bảo vệ úy, Khâm sai Chưởng cơ (1802), Thống chế (1816).

Năm 1822, ông được giao trấn thủ Biên Hòa rồi trấn thủ Định Tường kiêm Khâm sai thuộc nội chưởng cơ. Sau đó, được bổ nhiệm làm trấn thủ Vĩnh Thanh. Khi Tả quân Lê Văn Duyệt có việc về kinh đô Huế, ông được cử quyền nhiếp chính Tổng trấn Gia Định thành.

Năm 1829, sau khi Thoại Ngọc Hầu lâm trọng bệnh và mất, Nguyễn Văn Tuyên được cử thay thế, sắc phong nguyên chức là “Thống chế cai quản biền binh, Bảo Hộ Cao Miên quốc ấn, kiêm án thủ Châu Đốc đồn kiêm quản Hà Tiên trấn biên vụ”, nên còn có tên là Bảo Hộ Tuyên.

Trong vai trò Phó Đổng lý trực tiếp, Trấn thủ Định Tường, Trấn thủ Vĩnh Thanh, Tuyên Trung hầu Nguyễn Văn Tuyên là người cùng với Thoại Ngọc Hầu huy động dân binh và chỉ huy đào kênh Vĩnh Tế. Sau khi Thoại Ngọc Hầu mất, ông là người kế tiếp công việc, làm trấn thủ Vĩnh Thanh, Án thủ Châu Đốc, bảo hộ Cao Miên. Công trạng của ông đối với Nam Bộ nói chung, tỉnh An Giang nói riêng là doanh điền khẩn hoang, mở đất lập làng, trấn thủ bảo vệ bờ cõi, khẳng định chủ quyền lãnh thổ, phát triển giao thông, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp - thương nghiệp…

“Trong quá trình mở mang, xây dựng và phát triển vùng đất Nam Bộ nói chung, An Giang nói riêng, có công lao đóng góp rất lớn của những danh thần lương tướng thời phong kiến - giai đoạn đầu của công cuộc mở mang bờ cõi. Các vị hầu này đã góp phần khai mở đất đai, chiêu mộ an dân, phát triển sản xuất, bảo vệ bờ cõi, trở thành danh nhân tiêu biểu trong lịch sử. Các vị hầu không chỉ được triều đình tôn vinh, mà quan trọng hơn, đã sống mãi trong niềm tôn kính, tri ân của nhân dân An Giang” - ThS Đỗ Thanh Nhàn đúc kết.

NGÔ CHUẨN