Những đạo lý tốt đẹp của dân tộc

25/01/2023 - 05:08

 - Với người Việt, Tết là thời điểm khởi nguồn của những ước vọng tốt đẹp đang đón chờ phía trước, là khoảng thời gian đoàn viên với gia đình trong những ngày đầu năm.Và sâu sắc hơn, Tết cũng là lúc người Việt thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân tổ tiên và đền đáp công ơn sinh dưỡng, giáo dục của cha mẹ, thầy cô.

Đạo lý truyền thống

Chẳng biết tự bao giờ, người Việt hay nói với nhau “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” trong mỗi dịp xuân về. Có thể, câu nói dân gian ấy bắt nguồn từ truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc. Bởi lẽ, nền Nho học tồn tại hàng ngàn năm trên mảnh đất này, đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt, với triết lý nhân sinh: Quân - sư - phụ. Đối với vua phải trung thành, đối với thầy phải kính trọng, đối với cha mẹ là đạo hiếu. Có thể nói, 3 phẩm hạnh ấy quy định phẩm chất của người quân tử trong xã hội xưa.

Nhà văn Trịnh Bửu Hoài (nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh) phân tích: “Tư tưởng đó dù bắt nguồn từ nền học thuật Nho giáo nhưng giá trị văn hóa, đạo đức vẫn còn rất đúng cho đến hôm nay, vì nó phù hợp với đạo lý và đời sống tinh thần của người Việt. Về mặt ý nghĩa, có thể hiểu câu nói trên là mùng 1 Tết đi viếng nhà nội, mùng 2 viếng nhà ngoại và mùng 3 viếng nhà thầy. Thời phong kiến, người thầy bên cạnh việc dạy chữ còn dạy cả đạo làm người, nên người Việt luôn đặt thầy ngang hàng với cha mẹ”.

Ông Trịnh Bửu Hoài cho biết thêm, học trò ngày xưa luôn dành ngày mùng 3 để đi “Tết thầy” như một nghi lễ không thể thiếu. “Tết thầy” được coi trọng không thua kém “Tết cha”, “Tết mẹ” bởi đạo lý thầy - trò ngày xưa rất trọng. Tùy điều kiện kinh tế, học trò có thể mang theo lễ vật, như: Tiền, gà vịt, trà bánh hay lúa gạo. Nếu không, chỉ mang đến một tấm lòng cũng thể hiện được đạo lý thầy - trò. Riêng ngày mùng 1 và mùng 2 Tết, người ta sẽ chú tâm đi viếng nhà nội, nhà ngoại nhằm tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên.

Ngoài “Tết thầy”, học sinh còn nhớ đến thầy cô trong ngày Tết Nhà giáo hàng năm

“Thời tôi còn nhỏ, vẫn hay theo cha đi viếng nhà nội, nhà ngoại vào những ngày đầu năm. Còn nhớ, sáng mùng 1 Tết, cha chở tôi trên chiếc xe đòn dông qua những nẻo đường quê lỗ chỗ “ổ gà”, “ổ voi”. Đến nhà nội, sau khi lạy tổ tiên xong, tôi chúc thọ người lớn và hân hoan nhận tiền lì xì mừng năm mới. Mùng 2, tôi sang nhà ngoại lạy tổ tiên và chúc thọ ông bà. Khi đó, trong tâm thức của cậu nhóc chưa đầy 10 tuổi đã thấm nhuần tư tưởng ghi nhớ công ơn tổ tiên, ông bà” - nhà văn Trịnh Bửu Hoài chia sẻ.

Truyền thống đến cúng viếng ông bà, tổ tiên 2 bên nội, ngoại vào ngày đầu năm vốn rất phổ biến trong gia đình người Việt từ xưa đến nay.  “Thói quen” tưởng chừng giản đơn ấy là cả đạo lý làm người, bởi lẽ “Con người có tổ, có tông/như cây có cội, như sông có nguồn”. Truyền thống ấy rất cần được duy trì, phát huy ngay trong thời hiện đại, khi con người phải đối mặt với áp lực cuộc sống mà đôi lúc quên đi những giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông.

Giữ gìn nét đẹp

Thực tế, không riêng nhà văn Trịnh Bửu Hoài mà khá nhiều gia đình người Việt vẫn giữ được nét đẹp “Tết cha, Tết mẹ”. Bởi lẽ, Tết trong tâm thức của họ chính là sự quay về với nguồn cội, tổ tiên. Tết cũng lúc cháu con quây quần bên ông bà, cha mẹ để sống trong không khí đoàn viên và củng cố thêm mối dây gắn kết với họ hàng, thân tộc nội, ngoại.

Gia đình ông Trịnh Quốc Kiệt (xã Lê Chánh, TX. Tân Châu) đã duy trì thói quen về cúng tổ tiên mấy chục năm nay. Cứ đến sáng mùng 1, gia đình ông chuẩn bị về nhà tổ tại xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú). Ở đó, ông Kiệt thắp hương khấn vái tổ tiên phù hộ cháu con và gặp gỡ những người anh em, con cháu trong dòng họ. Vì đây là thói quen đã thành lệ, nên hầu hết các chị em của ông đều có mặt tại nhà tổ vào sáng mùng 1 Tết. Trong gian nhà ấm áp hương trầm, 4 thế hệ trong đại gia đình ngồi quây quần cùng nhau bên mâm cỗ đầu năm, họ mừng tuổi và chúc nhau những điều tốt lành trong năm mới.

Với truyền thống “Tết thầy”, người Việt vẫn duy trì nhưng đã có sự chuyển biến về hình thức lẫn thời gian, ngoại trừ một số trường hợp có thể sắp xếp đến thăm thầy theo nếp cũ. Theo nghề giáo đã 36 năm, thầy Nguyễn Văn Thông (Trường THPT Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên) vẫn nhớ như in hình ảnh các thế hệ học trò đến thăm mình những ngày đầu năm mới. Các em chẳng mang theo quà cáp, chỉ giản đơn là gửi lời chúc thầy một năm mới nhiều sức khỏe, để có thể tiếp tục chặng đường với “nghiệp đưa đò”. Chỉ bấy nhiêu đó, thầy Thông thấy vui vẻ và có thêm động lực để gắn bó sự nghiệp “trồng người”, đã đi cùng mình từ tuổi đôi mươi cho đến khi mái tóc ngã màu thời gian.

“Bây giờ, xã hội phát triển, đời sống hối hả hơn nhưng vẫn còn những học sinh nhớ tới “Tết thầy” là điều rất quý. Tuy nhiên, các em không còn giữ phong tục đến nhà thầy cô chúc Tết như ngày trước, mà chủ yếu chỉ nhắn tin hoặc gọi điện thoại chúc mừng năm mới. Ngoài ra, các em đến thăm tôi không nhất định phải là ngày mùng 3 Tết, mà có thể là trước, trong hay thậm chí là sau Tết. Bây giờ, đa số học sinh thể hiện tình cảm với thầy cô chủ yếu vào dịp Tết Nhà giáo hàng năm. Sau tất cả, tôi thấy hạnh phúc mỗi khi được các em học sinh nhớ đến mình trong dịp Tết. Điều đó cho thấy, tình cảm thầy trò vẫn còn tốt đẹp như ngày nào”.

Theo guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, một bộ phận bạn trẻ đôi lúc quên đi đạo lý “Tết cha, Tết mẹ, Tết thầy”. Tuy nhiên, phong tục ấy vẫn tồn tại trong đa số gia đình người Việt. Bởi, Tết không chỉ là dịp vui chơi, mà còn là thời khắc người ta trở về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đã trường tồn cùng dân tộc suốt mấy ngàn năm qua.

THANH TIẾN