Những điểm đáng chú ý về mạng xã hội Lotus trước ngày 'trình làng'

10/09/2019 - 19:54

Bản beta thử nghiệm của mạng xã hội “make in Vietnam” Lotus sẽ được Công ty Cổ phần VCCorp tung ra thị trường vào 16-9 tới với nhiều tính năng hứa hẹn cho người dùng và các nhà sản xuất nội dung.


Lễ ra mắt mạng xã hội Lotus sẽ diễn ra ngày 16-9 tại Hà Nội. Cũng trong ngày này, Lotus sẽ phát hành bản dùng thử (open beta) trong khoảng từ 3-6 tháng.(Ảnh chụp màn hình)

Phát triển mạng xã hội của người Việt, cho người Việt là định hướng đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khởi xướng và kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ Việt tham gia xây dựng.

Trong thời gian qua, các mạng xã hội do người Việt xây dựng như Hahalolo hay GAPO cũng được trình làng nhưng chưa tạo được hiệu ứng như kỳ vọng. Sắp tới, sẽ có một "tân binh" khác gia nhập cộng đồng mạng xã hội Việt Nam mang tên Lotus do Công ty Cổ phần VCCorp đầu tư và phát triển.

Do người Việt xây dựng

Dự án mạng xã hội Lotus được thành lập, đầu tư và phát triển bởi VCCorp với sự tham gia góp vốn của các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam với cam kết và định hướng trở thành mạng xã hội của người Việt, phục vụ người Việt Nam.

Nhóm sáng lập ra mạng xã hội Lotus gồm 200 kỹ sư công nghệ của VCCorp. Đây đều là những kỹ sư giỏi trong lĩnh vực như ứng dụng di động, AI, Big Data, Cloud Computing…

Tại buổi họp báo giới thiệu mạng xã hội Lotus vào ngày 9-9 tại Hà Nội, Tổng Giám đốc của VCCorp Nguyễn Thế Tân cho hay, mạng xã hội Lotus lấy nội dung và trải nghiệm của người dùng làm trọng tâm. Trong tương lai, Lotus sẽ cạnh tranh với cả các ứng dụng mạng xã hội đang thịnh hành hiện nay.

Từ ngày 16-9, các nhà phát triển của Lotus sẽ cho phép người dùng sử dụng công cụ đăng ký trên web để trở thành một trong những người đầu tiên nhận thông báo tải ứng dụng từ trang chính thức www.lotus.vn và trải nghiệm phiên bản dùng thử Open Beta của Lotus.

Sau đó từ 3-6 tháng, nhà sản xuất sẽ mở truy cập dần dần cho các thành viên mới cũng như chỉnh sửa và hoàn thiện ứng dụng.

Nội dung là 'vua'

Với tiêu chí “Nội dung là vua” (Content is King), trước ngày ra mắt bản thử nghiệm nửa tháng, mạng xã hội Lotus đã thu hút hơn 386 nhà sáng lập nội dung bao gồm các nhân vật hoạt động trong nhiều lĩnh vực, nhiều chủ đề khác nhau.

Ngoài hướng đến nội dung chất lượng, tính ưu việt trong quản trị bản quyền, mạng xã hội Lotus còn cho phép người dùng nhận token sử dụng, tiêu token vào những cách hữu ích.

Giao diện thử nghiệm của mạng xã hội Lotus. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đây được xem là hướng đi khác biệt, lấy nội dung làm trọng tâm của mạng xã hội mới toanh "made in Vietnam" này. Với tiêu chí đó, Lotus tự tin làm nên một nền tảng hỗ trợ cho các nhà sản xuất nội dung và các cá nhân thỏa sức sáng tạo để có được các nội dung chất lượng hơn phục vụ người sử dụng.

Theo ông Nguyễn Thế Tân, các mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay còn chưa chuyên nghiệp, ít cảm xúc, nặng về đọc, các nội dung kén khách chưa có đất sống.

Lotus sẽ khắc phục các nhược điểm này, với gần 50 format đa dạng (video giải trí, blog, hình ảnh, video nhanh, tạp chí, nhạc, sách) hướng tới các đối tượng khác nhau, từ chuyên gia, người làm báo, nhiếp ảnh gia, người dùng thông thường…

Đáng chú ý, mạng xã hội này đã hợp tác và chia sẻ nội dung với 30 nguồn thông tin chính thống từ các tờ báo...

Ông Tân khẳng định, mỗi nhà sáng tạo nội dung sẽ có cơ hội trở thành một "nghệ nhân," chuyên gia trong lĩnh vực nào đó, mang được giá trị nội dung của mình đến với nhóm đối tượng độc giả. Người dùng quan tâm ở lĩnh vực nào, sẽ có cơ hội tiệp cận các thông tin chuyên sâu được tạo ra bởi các “nghệ nhân” này.

“Chúng tôi xây dựng các công cụ để người sử dụng có thể tạo ra các nội dung đẹp hơn, mới mẻ và sinh động hơn một cách dễ dàng, đơn giản,” đại diện của Lotus khẳng định.

Lotus cũng cung cấp một công cụ CMS được dành riêng cho các nhà sản xuất nội dung chuyên nghiệp, giúp họ thiết kế và chỉnh sửa sản phẩm của mình theo cách riêng, độc đáo và mang chất riêng của bản thân rõ nhất có thể.

“Chiến lược của Lotus là dùng các nghệ nhân, nhà sáng tạo nội dung, người dùng để tạo ra nội dung hay hơn. Nội dung càng hay thì càng thu hút người dùng,” ông Tân cho hay.

Ông Tân khẳng định, mỗi nhà sáng tạo nội dung sẽ có cơ hội trở thành một 'nghệ nhân'. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Lotus sẽ sử dụng các thuật toán chú trọng vào việc cung cấp những nội dung phù hợp với từng cá nhân và các cá nhân liên quan. Người dùng kết nối với nhau xung quanh các nội dung, các chủ đề mà họ quan tâm thông qua 3 cơ chế để đưa thông tin tới người dùng: Dòng tin, bảng tin, thư mục/kênh.

Lotus cũng công bố kế hoạch bảo vệ các nhà sản xuất nội dung (Creators). Các Creators khi tham gia mạng xã hội này sẽ dược xác thực và bảo vệ danh tính, ngăn chặn thông tin tiêu cực có tính xác phạm, vu khống, fake news.

Đồng thời, Lotus cũng cam kết sẽ bảo vệ bản quyền tác giả về bài viết, video, hình ảnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm bản quyền, trộm cắp bản quyền.

Đại diện Lotus còn khẳng định sẽ chia doanh thu quảng cáo cho những nhà sáng tạo nội dung và sẽ bật quảng cáo ngay khi hệ thống đi vào hoạt động ổn định. Quảng cáo trên Lotus hiện do Admicro (đơn vị thành viên của VCCorp) phụ trách nên sẽ có ngay doanh thu cho các Creators.

Dùng Token làm phần thưởng

Lotus không chỉ đơn giản là nền tảng đăng nội dung lên để người khác đọc, mạng xã hội này còn cung cấp một công cụ tương tác thú vị, tăng tính liên kết giữa người sản xuất nội dung và người đánh giá cao những gì họ đang tiếp nhận đó là "token" (một dạng điểm thưởng).

Theo đó, người dùng Lotus sẽ được nhận token khi chia sẻ bài viết, bình luận, hay tham gia thử thách, nhiệm vụ và dùng token để có thể đổi được quà là những voucher, quà tặng, ưu đãi từ các thương hiệu

Token là một trong những điểm đáng chú ý của mạng xã hội Lotus. (Ảnh chụp màn hình)

Với việc nội dung càng thu hút, người dùng sẽ càng có cơ hội nhận về nhiều token hơn từ thái độ hưởng ứng của cộng đồng xung quanh. Từ đó, người dùng hay nhà sáng tạo nội dung sẽ thể hiện được khả năng, độ uy tín, khẳng định thương hiệu cá nhân trên Lotus.

Điều này được kỳ vọng sẽ giúp hạn chế vấn nạn giật title câu views và nội dung sai lệch, khẳng định tiêu chí lấy nội dung và trải nghiệm người dùng làm trọng tâm.

Nếu thu thập được nhiều token, người dùng nhiều khả năng sẽ có thêm các danh hiệu hoặc tặng thưởng tương ứng, kích thích tiềm năng sáng tạo ra những nội dung chất lượng, chuyên sâu hơn. Trong một tiết lộ mới nhất trên trang giới thiệu mời gọi các nhà sản xuất nội dung đăng ký, token sẽ giúp đưa nội dung tới nhiều độc giả, người hâm mộ hơn mà không cần bỏ tiền quảng cáo bài viết.

Đại diện của Lotus cũng khẳng định "token không phải là tiền ảo" vì token không thể mua bán được. Token sinh ra theo nội dung, người dùng có càng nhiều nội dung chất lượng thì càng sở hữu nhiều token.

Không cạnh tranh với Facebook

“Cách tiếp cận của chúng tôi không đi vào thị trường ngách mà đi vào giải quyết những vấn đề phổ quát, chưa được đáp ứng bởi các sản phẩm khác. Lotus không phải được sinh ra để đánh bại ai, mà chúng tôi tư duy là mình nhìn vào thị trường và nhận ra có những nhu cầu chưa được đáp ứng tốt để khắc phục tình trạng nội dung chưa chuyên nghiệp, ít cảm xúc, nặng về đọc, các nội dung kén khách chưa có đất sống," ông Nguyễn Thế Tân cho biết.

Ngoài chủ trương khơi nguồn sáng tạo của người dùng, đại diện của VCCorp khẳng định, Lotus vừa cạnh tranh vừa không cạnh tranh với gã khổng lồ Facebook.

Theo ông Tân, Lotus tập trung vào phát triển nội dung, xoay quanh nội dung, đây là điều hấp dẫn và thu hút người dùng và cũng là điều khác biệt so với các mạng xã hội khác. Mỗi ngày người dùng chỉ có một thời gian truy cập Internet nhất định.

Lotus vừa cạnh tranh vừa không cạnh tranh với gã khổng lồ Facebook. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Do đó, nếu mạng xã hội Lotus hấp dẫn, người dùng sẽ có thời gian truy cập nhiều, dẫn đến thời gian dành cho Facebook, YouTube... giảm đi và ngược lại. "Vì thế, chúng tôi chắc chắn phải cạnh tranh với Facebook, YouTube về thời gian người dùng sử dụng", ông Tân nói

Cũng theo ông Tân, Lotus chia ra 3 mốc người dùng (active user) cần chinh phục: 4 triệu người dùng, 20 triệu người dùng và 60 triệu người dùng.

Mốc 4 triệu người dùng đầu tiên sẽ chứng tỏ công nghệ Lotus đủ tốt để chịu được quy mô người dùng và sản phẩm đã đủ tốt, nội dung cũng đủ hấp dẫn ở mức độ nào đó.

"Sau đó, VCCorp sẽ phải đánh giá lại sản phẩm để xem nội dung, sản phẩm, công nghệ và có sự bổ sung kịp thời để vượt qua rào cản, hướng tới các cột mốc sau," ông Tân nhấn mạnh.

Lotus hiện đã huy động được hơn 700 tỷ đồng từ VCCorp và một số nhà đầu tư trong nước, phía công ty dự kiến tiếp tục kêu gọi thêm 500 tỷ đồng trong giai đoạn đầu để sẵn sàng lực lượng cho việc phát triển lâu dài.

Số tiền này dự kiến sẽ được đầu tư vào việc tạo ra sản phẩm, marketing truyền thông và nhất là để dành cho các nhà sản xuất nội dung. "Chi phí cho các nhà sản xuất nội dung rất cần thiết trong giai đoạn đầu khi số người dùng chưa đủ lớn, khoảng dưới 4 triệu người dùng sử dụng thường xuyên," ông Tân nói.

Lễ ra mắt mạng xã hội Lotus sẽ diễn ra ngày 16-9 tại Hà Nội. Cũng trong ngày này, Lotus sẽ phát hành bản dùng thử (open beta) trong khoảng từ 3-6 tháng.

Ngay sau khi phát hành bản open beta, Lotus mở truy cập với các thành viên mới; chỉnh sửa lỗi, hoàn chỉnh các chi tiết phần mềm; hoàn thiện và bổ sung chức năng có trong kế hoạch; điều chỉnh hướng phát triển nội dung; cập nhật các hướng dẫn, điều khoản người sử dụng dựa trên phản hồi của người sử dụng và xã hội.

Theo MINH SƠN (Vietnam+)