Những điểm du lịch tâm linh hấp dẫn

26/02/2019 - 07:51

 - Không chỉ có những thắng cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình và nhiều đặc sản, món ngon hấp dẫn, An Giang còn được biết đến với những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, như: miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, dãy Thất Sơn huyền bí… thu hút đông đảo du khách đến tham quan và chiêm bái trong những ngày tháng Giêng.

An Giang có hàng ngàn cơ sở thờ tự lớn nhỏ, trong đó có một số nơi nổi tiếng như: chùa Tây An, chùa Hang (TP. Châu Đốc), chùa Tam Bửu, chùa Phi Lai (Tri Tôn), chùa Giồng Thành (TX. Tân Châu), chùa Phật Bốn Tay (Thoại Sơn)… Đặc biệt, tập trung nhiều ở vùng Thất Sơn: núi Cấm, núi Kéc, núi Tượng, núi Dài Năm Giếng... Ngoài việc hành hương, du khách đến đây để chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc độc đáo, tìm hiểu văn hóa, truyền thuyết huyền bí, mà còn tham quan những cảnh sắc thiên nhiên độc đáo, mua sắm và thưởng thức đặc sản địa phương,...

Du khách hành hương về chùa Vạn Linh trên đỉnh núi Cấm

Nhắc đến những điểm du lịch nổi tiếng của An Giang không thể không nhắc đến Khu du lịch quốc gia núi Sam (TP. Châu Đốc) với quần thể di tích lịch sử văn hóa, như: miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang. Đến tham quan Khu du lịch quốc gia núi Sam, ngoài việc được chiêm ngắm một công trình được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, khách du lịch còn hành hương đến viếng, khấn vái ở miếu bà với nhiều mục đích khác nhau như: cầu bình an, sức khỏe, may mắn, tài lộc, con cái, tình duyên... Hàng năm, Khu du lịch quốc gia núi Sam diễn ra lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam từ 23 đến 27-4 (âm lịch). Được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Lễ hội cấp quốc gia vào năm 2001, lễ hội không chỉ mang tính chất tín ngưỡng tâm linh mà còn là hoạt động văn hóa đặc trưng của cư dân Nam Bộ nói chung và An Giang nói riêng. Chị Trần Ngọc Trân (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Năm nào tôi và gia đình cũng về đây cúng Bà Chúa Xứ để cầu mong năm mới sung túc, sức khỏe, hạnh phúc, mọi sự được hanh thông, thuận lợi”.

Cũng như Khu du lịch quốc gia núi Sam, núi Cấm hay còn gọi Thiên Cấm Sơn (Tịnh Biên) là nơi không thể quên khi du khách hành hương về An Giang. Là ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn (cao 716m), núi Cấm được nhiều người ví như Đà Lạt thu nhỏ của miền Tây Nam Bộ. Ngoài tham quan và chiêm bái các công trình kiến trúc đặc sắc, kỳ bí của chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, chùa Phật Nhỏ, tượng Phật Di Lặc… trên núi có nhiều đỉnh cao thấp khác nhau gọi là vồ, như: Bồ Hong, Thiên Tuế, vồ Đầu, vồ Bà, vồ Ong Bướm... Đứng trên các vồ cao nhìn xuống sẽ thấy đỉnh núi Cấm như một lòng chảo lớn, xung quanh là chùa chiền và núi non. Hành trình về Thiên Cấm Sơn không chỉ giúp du khách tận hưởng cảnh quan thiên nhiên đầy vẻ khoáng đạt với núi non xanh tươi đầy sức sống, mà còn có thể dành những khoảng lặng riêng, cảm thấy thanh thản, bao muộn phiền của cuộc sống dường như tan biến. “Năm qua, công việc làm ăn của công ty và gia đình suôn sẻ, chúng tôi muốn lễ chùa đầu năm để tạ ơn trời đất cũng như xin lộc, cầu an, cầu phúc sẽ đến với gia đình trong năm mới. Đây là dịp tôi và gia đình đi du lịch, khám phá Bảy Núi, nơi thường được mọi người nhắc mà chưa có dịp đến” - anh Nguyễn Văn Trường (du khách ở Bình Dương) chia sẻ.

Du khách hành hương chiêm bái tượng Phật Di Lặc  trên đỉnh núi Cấm

Cùng nằm trong dãy Thất Sơn, Phụng Hoàng Sơn thường gọi là núi Cô Tô (Tri Tôn) cao 614m, với phong cảnh đẹp như tranh vẽ thu hút du khách và người hành hương đến chiêm bái, thưởng ngoạn. Nằm giữa cánh đồng bao la, bát ngát, núi Cô Tô khoác trên mình vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ say đắm lòng người. Cô Tô được nhiều du khách chọn là nơi hành hương bởi trên núi có rất nhiều chùa và miếu thờ. Đến đây, du khách phải bước lên những bậc thang, băng qua những con đường mòn, vừa chinh phục độ cao, vừa tận hưởng không khí và khung cảnh thiên nhiên của núi rừng. Với quan niệm “Đi lễ quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng”, tạm gác bao công việc bề bộn, từ mấy năm nay cứ đến thời điểm sau Tết, trước ngày rằm tháng giêng là cô Nguyễn Thị Dung (50 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) đều dành thời gian cùng bạn bè đến An Giang hành hương, đặc biệt là vùng Bảy Núi. “Hàng năm, tôi và những người quen đi hành hương các địa điểm tâm linh nổi tiếng như: miếu Bà Chúa xứ ở Châu Đốc, núi Kéc, núi Cấm, núi Cô Tô… với tâm thế xuất hành du xuân đầu năm cũng như cầu mong mọi điều được may mắn, tốt lành. Nhờ có nhiều người quen cùng đi nên đỡ phần vất vả, ban ngày đi mệt đến tối ngủ lại chùa, sáng đi tiếp vì vậy dù đi nhiều nơi, cúng bái ở nhiều chùa nhưng chi phí chẳng bao nhiêu” - cô Dung chia sẻ.

TRỌNG TÍN