Ước tính trung bình khoảng từ 5 - 10% những người bị lao tiềm ẩn sẽ chuyển thành bệnh lao trong suốt cuộc đời của họ, thường là trong vòng 5 năm đầu tiên, sau lần bị nhiễm.
Lao tiềm ẩn là tình trạng một người bị nhiễm vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis nhưng người đó không có bằng chứng biểu hiện của bệnh lao và không có khả năng lây nhiễm cho người khác. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, người bị lao tiềm ẩn sẽ có nguy cơ chuyển thành mắc bệnh lao và trở thành nguồn lây nhiễm cho những người xung quanh. Những người có nguy cơ cao lao tiểm ẩn là:
1. Người tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân lao phổi.
2. Người lớn hoặc trẻ em sống chung gia đình với bệnh nhân lao phổi.
3. Nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế khám bệnh hoặc điều trị bệnh nhân lao.
4. Cán bộ quản giáo, nhân viên làm việc tại các cơ sở, người có nguy cơ bệnh lao cao như: Trại giáo dưỡng, nhà dưỡng lão, bệnh viện lao – HIV.
5. Dân di cư từ các quốc gia có tỷ lệ dịch tễ lao cao.
Để chủ động phát hiện sớm và điều trị kịp thời tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, không để lao tiềm ẩn phát triển thành bệnh. Mọi người dân hãy đến Trung tâm Y tế các huyện thị, thành phố để được tư vấn, xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm lao tiềm ẩn. Trung tâm Y tế là nơi truy vết về khám phát hiện sớm bệnh lao, lao tiềm ẩn.
Việc phát hiện và điều trị sớm cho người bị lao tiềm ẩn rất quan trọng. Người nhiễm lao tiềm ẩn cần được điều trị vì vi khuẩn lao trong cơ thể có thể nhân lên và gây bệnh khi cơ thể yếu đi (sức đề kháng giảm). Điều trị lao tiềm ẩn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh lao tới 90%. Và, điều trị lao tiềm ẩn chỉ dùng từ 1 đến 2 loại thuốc.
Những người thuộc diện sau cần phải uống thuốc dự phòng bệnh lao:
- Người tiêm Mantoux hoặc xét nghiệm IGRA dương tính và được xác định không mắc bệnh lao.
- Trẻ em dưới 5 tuổi sống cùng nhà hoặc tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi sau khi xác định không mắc bệnh lao.
- Đặc biệt là nhân viên y tế khi phát hiện mắc lao tiềm ẩn, nếu xác định không mắc bệnh lao thì cần phải uống thuốc dự phòng ngay.
Khi đã uống thuốc dự phòng, cần lưu ý:
1. Uống thuốc đủ thời gian quy định.
2. Uống thuốc đúng liều lượng, đều đặn cùng giờ hàng ngày.
3. Cần tái khám hàng tháng tại cơ sở y tế và thông báo ngay cho cán bộ y tế khi thấy có những biểu hiện bất thường như buồn nôn, ù tai, chóng mặt, vàng da và chán ăn./.
BS Nguyễn Phương Nam (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật An Giang)