Những dòng kênh mở cõi

12/05/2022 - 07:13

 - Từ khi mở mang vùng đất An Giang, cho đến tiến trình xây dựng và phát triển vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX), các bậc tiền nhân đều chú trọng đến vai trò của dòng kênh dẫn nước, nối sông Cửu Long ra biển Tây. Từ kênh Thoại Hà, kênh Vĩnh Tế cho đến kênh Võ Văn Kiệt, tất cả để lại dấu ấn đặc biệt cho hậu thế.

Nối gót hiền nhân

Gần UBND xã Lạc Quới (huyện Tri Tôn), công viên Võ Văn Kiệt nằm thanh bình bên dòng kênh đỏ quạch phù sa. Con kênh này trước đây mang tên là kênh Tuần Thống - T5, nhưng trong lòng nhân dân đã quen gọi “kinh ông Kiệt”.

Nằm ngay giữa công viên, phía dưới bức tượng của vị thủ tướng vì dân, có dòng chữ “Nhớ ơn Thủ tướng Võ Văn Kiệt” cùng nội dung được trang trọng tạc ghi bên dưới, khởi đầu bằng câu: “Người nhờ đất để sống, đất nhờ người có tên, người nhờ người dẫn lối, “uống nước nhớ nguồn” là đạo lý ngàn đời của ông cha ta”. Văn bia khẳng định: “Nơi đây, ngày 25/7/1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên đường đi khảo sát hướng thoát lũ ra biển Tây, đã lắng nghe ý kiến của cán bộ và nhân dân, trên dưới đồng lòng, hướng lớn tìm thấy. Ngay sau khi khai thông dòng kinh, nhân dân đã gọi là “kinh Ông Kiệt”. Tại kỳ họp lần thứ 14 năm 2009, HĐND tỉnh An Giang đã chính thức đặt tên “kinh Võ Văn Kiệt”.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt được cán bộ, nhân dân vùng Tứ giác Long Xuyên trân trọng, ghi ơn

Nội dung văn bia khái quát thông tin: “Con kinh này là trục chính trong hệ thống các công trình thoát lũ ra biển Tây, hạn chế ngập lụt đầu nguồn sông Cửu Long, đưa nước ngọt phù sa tưới tiêu, rửa phèn, khai mở vùng TGLX, đã đưa sản lượng lúa tăng gấp bội, góp phần làm khởi sắc bộ mặt nông thôn trong vùng. Ông đã ghi đậm dấu ấn trên đồng đất miền Tây những năm 80, nhân dân gọi đó là “dấu ấn Võ Văn Kiệt”. Đoạn văn bia kết thúc bằng câu: “Kinh Võ Văn Kiệt nối tiếp kinh Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế. Lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy, cuộn tràn sức sống trên vùng đất phương Nam. Thế hệ hôm nay nương dòng chảy ấy, hiên ngang ra biển lớn với tất cả đức tin, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc!”.

Chỉ bấy nhiêu thông tin ngắn gọn, thế hệ hôm nay đã có thể hình dung công lao to lớn của các bậc tiền nhân, được những nhà lãnh đạo có tầm nhìn rộng, hết lòng vì nước vì dân như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tiếp nối, khai mở vùng đất mới. Hệ thống kênh T4, T5, T6… với chiều dài hơn 100km, do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công năm 1997 giúp khai phóng “rốn phèn” TGLX, biến vùng đất “khỉ ho cò gáy” trở thành “vựa lúa” chính của ĐBSCL.

Ngày nay, vùng TGLX đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh An Giang, Kiên Giang quy hoạch xây dựng thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng cao cấp trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị, thu nhập người dân, xây dựng vùng đất đặc biệt này thành “nơi đáng sống” để tương xứng với công đóng góp của nông dân và các bậc hiền nhân xưa.

Tầm nhìn lớn

“Lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy, cuộn tràn sức sống trên vùng đất phương Nam” là cách diễn đạt ngắn gọn nhưng dễ hiểu nhất về công lao to lớn của Thống chế khâm sai Thượng đạo đại tướng quân Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu), người có công mở cõi phương Nam, đặc biệt là khai mở vùng đất An Giang.

Theo nhà văn, nhà nghiên cứu Trịnh Bửu Hoài, vùng đất An Giang được lưu dân người Việt đến khẩn hoang từ thế kỷ 17, chính thức được nhà Nguyễn thiết lập đơn vị hành chánh vào năm 1757 (khi Nguyễn Cư Trinh vào thành lập đạo Châu Đốc). Sau đó, một số vị quan được nhà Nguyễn cử đến vùng đất mới này trấn nhậm, ổn định đời sống cư dân, mở mang sản xuất và giao thương, đồng thời bảo vệ cương thổ, không để giặc biên cương khuấy nhiễu, hà hiếp dân lành.

Một góc kênh Vĩnh Tế

Hầu hết vị quan đến đây đều giúp dân khẩn hoang trồng trọt, phát triển kinh tế, hình thành xóm, ấp để dễ dàng quản lý và bảo vệ. Rất nhiều người có công trong thời kỳ an dân, lập làng và đánh đuổi bọn ngoại xâm, cướp bóc ở biên giới, như: Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Cư Trinh, Trương Minh Giảng, Nguyễn Tri Phương, Doãn Uẩn, Nguyễn Văn Thoại… Tuy nhiên, nếu nói về tầm nhìn chiến lược, tổ chức đào kênh dẫn thủy nhập điền, đắp đường để thuận lợi vận chuyển, đi lại và giữ yên cuộc sống cho người dân, thì Nguyễn Văn Thoại là người nổi bật nhất với hàng loạt công trình mang tầm vóc lớn.

Năm 1818, Thoại Ngọc Hầu chỉ huy đào kênh dài hơn 30km, huy động trên 1.500 lượt nhân công, kéo dài hơn 1 năm và được triều đình lấy tên ông đặt tên cho con kênh này. Kênh Thoại Hà giúp nối dòng nước ngọt từ sông Hậu (Long Xuyên) ra biển Rạch Giá, giúp sản xuất, giao thương thủy của vùng phát triển.

Năm 1819, Thoại Ngọc Hầu chỉ huy đào kênh Vĩnh Tế dọc theo biên giới Tây Nam, bắt nguồn từ sông Châu Đốc đến Hà Tiên, đổ ra biển. Công trình trên 90km, huy động hơn 80.000 lượt nhân công, phải đến năm 1824 mới đào xong, sau khi bị gián đoạn nhiều lần. Tên bà vợ chánh của ông được đặt tên cho con kênh này, kinh Vĩnh Tế được khắc vào Cao đỉnh trong bộ cửu đỉnh ở triều đình Huế.

Năm 1826, Thoại Ngọc Hầu lại chỉ huy đắp con lộ từ dinh Đồn Châu Đốc đến núi Sam, dài 5km với gần 4.500 nhân công và mất hơn 1 năm mới hoàn thành, tạo thuận tiện cho sinh hoạt của người dân, phát triển thương mại khu vực. Con đường được đặt tên là Tân Lộ Kiều Lương, ngày nay được mở rộng 6 làn xe, đủ sức phục vụ cho khách hành hương, du lịch đi lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào những ngày cao điểm. Đây cũng là cửa ngõ của vùng Thất Sơn thơ mộng với nhiều ngọn núi đẹp cùng những di tích, truyền thuyết, huyền thoại lý thú, hấp dẫn.

“Sau khi những con kênh do Thoại Ngọc Hầu chỉ huy đào hoàn thành, đất đai lắng phèn và trỗi dậy lớp phù sa màu mỡ, diện tích trồng trọt được mở rộng, đời sống lưu dân khá lên. Người tứ xứ quây quần về đây càng lúc càng đông theo quy luật “đất lành chim đậu”. Trong khi đó, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nối tiếp dòng chảy kênh Vĩnh Tế bằng công trình thoát lũ ra biển Tây, giúp bật dậy vùng TGLX. Đó đều là những hiền nhân có công lớn với vùng đất An Giang” - nhà văn Trịnh Bửu Hoài nhận định.

NGÔ CHUẨN