Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Được xác định lần đầu tiên vào tháng 11-2021, biến thể Omicron nhanh chóng khiến số ca mắc trên toàn cầu tăng thêm 3 triệu ca/ngày, với khoảng 1/5 số ca ghi nhận ở Mỹ.
Tuần qua, các thành phố như New York, Boston, Washington ở Mỹ đều đã ghi nhận dịch bệnh có chiều hướng giảm, sau những diễn biến lắng dịu tại Anh và Nam Phi.
Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ tập hợp các dự báo cho thấy làn sóng dịch tại Mỹ sẽ lên đỉnh trong 2 tuần tới, với số ca mắc mới lên tới 800.000 ca/ngày trước khi giảm mạnh và số ca tử vong cũng lên mức 3.000 ca/ngày vào tháng 2, gần gấp đôi mức hiện nay.
Có thể nói, trong 3 tháng, Omicron đã định nghĩa lại đáng kể về một làn sóng dịch bệnh nguy hiểm kể cả khi đã có sẵn các loại vaccine.
Tình hình này càng làm dấy lên những hoài nghi về điều gì sẽ xảy ra sau Omicron.
Số ca mắc mới do nhiễm Omicron ở Anh và Nam Phi giảm mạnh giúp dấy lên hy vọng rằng dịch bệnh tại Mỹ sẽ dịu hơn vào mùa Xuân sau khi tăng mạnh trong mùa Đông.
Với tỷ lệ người có miễn dịch nhờ tiêm phòng cao hơn và làn sóng dịch bệnh sắp quét qua nước Mỹ, cùng với các loại thuốc điều trị được chính phủ đảm bảo cung cấp, có thể tình hình dịch bệnh sắp tới sẽ dịu hơn nhưng chỉ là tạm lắng mà không phải được đẩy lùi.
Chuyên gia vaccine Scott Hensley, tại Đại học Pennsylvania, hy vọng những yếu tố trên giúp làn sóng dịch do biến thể Omicron trở thành làn sóng cuối cùng trong đại dịch. Virus sẽ tiếp tục lây nhiễm nhưng gây ít ca tử vong và nhập viện hơn, các văn phòng mở cửa trở lại, các sự kiện cộng đồng được tổ chức và không cần đeo khẩu trang.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học khác tỏ ra thận trọng hơn, cho rằng không có gì đảm bảo số ca mắc mới ở Mỹ sẽ giảm tới mức trước khi làn sóng Omicron xảy ra.
Bác sỹ Lemieux, từ Bệnh viện đa khoa Massachussets cho rằng hiện chưa đến lúc khẳng định Mỹ đã vượt qua đại dịch.
Ở một số nơi, sau làn sóng do Omicron đến làn sóng do biến thể phụ BA.2 của Omicron hay biến thể Delta lại xuất hiện nhiều trở lại.
Dù nhận định tình hình sẽ có thể tốt lên nhưng bác sỹ này cho rằng cần tiếp tục theo dõi sát quá trình tiến hóa của virus này vì đây là yếu tố quan trọng định hình đại dịch cho tới nay.
Có khả năng Omicron sẽ chỉ là một biến thể mới giống như những biến thể khác gây ra các làn sóng dịch bệnh trong một đại dịch có thể còn kéo dài. Dù vậy, đến nay, hầu hết các nhà khoa học nhất trí rằng sự xuất hiện của Omicron là một bước ngoặt trong tiến trình đại dịch xảy ra.
Theo nhà miễn dịch học Shane Crotty, từ viện miễn dịch La Jolla, biến thể này có tới 50 đột biến, với khả năng lây lan rất nhanh và linh hoạt hơn rất nhiều so với những gì từng được biết. Đó là điều đáng lo ngại và khiến giới khoa học phải cảnh giác hơn trước khả năng biến đổi tiếp theo của virus này.
Omicron có tới 32 đột biến trên gai protein dùng để xâm nhập vào tế bào vật chủ, gấp 3 lần so với các biến thể trước đó. Thực tế rằng một virus có thể thay đổi tới mức này và tiếp tục có khả năng lây nhiễm vượt trội chính là điều khiến giới khoa học lo ngại và mở rộng nghiên cứu.
Theo chuyên gia Scotty, việc Omicron có nhiều đột biến một cách bất thường và đột biến dẫn tới khả năng hoạt động rất hiệu quả là điều khiến giới khoa học lo ngại rằng trong tương lai virus sẽ tiếp tục biến đổi khó lường.
Về mặt dữ liệu, Omicron gây tỷ lệ tử vong thấp hơn Delta. Tuy nhiên, nguy cơ vẫn còn và các nhà khoa học đang tìm cách đánh giá liệu Omicron có thực sự gây bệnh nhẹ hơn không hay chỉ vì số người tiêm phòng bị bệnh cao hơn nên ít nguy cơ tử vong hơn.
Chuyên gia Scott cho rằng nếu so với Delta thì Omicron gây ra ít ca tử vong hơn những nếu so với biến thể gốc thì Omicron không hề ít nguy hiểm hơn.
Bên cạnh đó, nguy cơ xuất hiện biến thể mới gây tử vong nhiều hơn và lây lan nhanh hơn không phải chỉ là lý thuyết.
Trên thực tế, một số đột biến nguy hiểm hơn có ở Delta đã không được Omicron “kế thừa” nhưng lại xuất hiện ở một số dòng biến thể khác, tìm thấy ở những nơi khác nhau.
Dù vậy, có một điều phải công nhận là các loại vaccine đã làm tốt công việc bảo vệ trước nguy cơ bệnh nặng và điều này rất đáng khích lệ.
Theo chuyên gia Scott, điều này có nghĩa rằng ít nhất vaccine vẫn đang hoạt động hiệu quả dù virus đột biến.
Bên cạnh đó, có khả năng con người có miễn dịch nhiều hơn trước virus sau làn sóng dịch do Omicron gây ra. Số lượng lớn người đã mắc bệnh trong làn sóng này cộng với khoảng 60% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một 1 mũi vaccine phòng bệnh thì khả năng miễn dịch với virus nhìn chung được nâng cao hơn.
Tuy nhiên, thế giới cẫn còn cần phải cảnh giác vì thực tế virus corona có thể lây lan cả ở động vật. Hàng tỷ người vẫn chưa được tiêm phòng là dư địa lớn cho virus tiếp tục biến đổi. Các biến thể mới xuất hiện gần đây vẫn là từ nhóm chưa tiêm phòng.
Chuyên gia Deepta Bhattacharya, từ Đại học Arizona, cho rằng Omicron có thể chỉ là một biến thể giúp thế giới có thêm thời gian để ứng phó với dịch bệnh đồng thời nhấn mạnh sau làn sóng dịch do Omicron vẫn cần chú trọng tiêm phòng cho người dân.
Về lâu dài, việc kết hợp chiến dịch tiêm chủng toàn cầu và các làn sóng dịch bệnh tạo miễn dịch trong cộng đồng đến một lúc nào đó sẽ dẫn tới làn sóng cuối cùng của đại dịch nhưng hiện chưa ai có thể dám chắc về khoảng thời gian này./.
Theo LÊ ÁNH (TTXVN/Vietnam+)