Vào giờ giải lao, các em học sinh luôn “uể oải” với bài tập thể dục giữa giờ đơn điệu và phải lặp đi lặp lại hàng ngày, giờ đây các em lại rất háo hức với giờ thể dục vui nhộn. Bởi, nhà trường đã mạnh dạn thay đổi, hướng dẫn các em học sinh tập các bài khiêu vũ. Đó là các điệu nhảy cơ bản và phổ biến như: cha cha cha, bebop, slow, rumba... Hiệu trưởng nhà trường Phan Thanh Liêm cho biết: “Đối với ngôi trường vùng biên, đời sống văn hóa tinh thần của học sinh còn nhiều thiếu thốn. Do vậy, làm sao để vừa nâng cao thể chất, vừa tạo điều kiện cho các em vui chơi giải trí là điều chúng tôi luôn nghĩ đến. Việc mang âm nhạc và những điệu nhảy vui nhộn vào các giờ thể dục càng làm không khí học đường vui hơn, giáo viên, học sinh đều phấn khởi. Dĩ nhiên, công tác triển khai ban đầu gặp nhiều khó khăn, giáo viên Tổng phụ trách Đội phải là người tiên phong tìm hiểu, tập luyện các điệu nhảy, sau đó triển khai đến cán bộ lớp và chia thời gian để hướng dẫn và tập luyện cho các em. Hiện tại, đa số các em đều đã thuộc các điệu nhảy cơ bản và đều đặn có 3 phút mỗi buổi nghỉ giữa giờ để khiêu vũ”.
Đó còn là việc tăng cường các buổi học ngoại khóa thông qua các chuyến tham quan, về nguồn tìm hiểu các di tích lịch sử trong và ngoài tỉnh. Hàng năm, nhà trường đều liên kết với các công ty du lịch tổ chức tham quan các địa danh lịch sử như: Khu di tích đồi Tức Dụp, địa đạo Củ Chi, rạch Gầm - Xoài Mút, Khu du lịch Suối Tiên, Đền thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định, Khu du lịch Lang Vương (Bến Tre), Dinh Độc Lập (TP. Hồ Chí Minh)… Các hoạt động chỉ mang tính khuyến khích, các em có điều kiện đăng ký tham gia cùng các thầy, cô. Qua mỗi chuyến đi, các em được hòa mình vào thiên nhiên nhiều hơn, hiểu thêm về lịch sử các địa phương, lịch sử dân tộc, được bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước. Từ đó, góp phần xây dựng lý tưởng sống, tạo động lực để các em học tập và phấn đấu nhiều hơn cho tương lai.
Buổi tập khiêu vũ của các em học sinh
Cùng với đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong còn tích cực tổ chức thêm các hoạt động ngoại khóa bổ sung cho các môn học như: sưu tầm tranh, ảnh về môi trường, lịch sử địa phương để bổ sung cho các môn Lịch sử, Địa lý. Nhà trường còn ứng dụng mạng xã hội để chia sẻ những clip hay về một số nội dung môn học được chính các em học sinh dàn dựng, điển hình là thi làm clip “Tự hào là học sinh Lê Hồng Phong”. Hoạt động đã xây dựng thói quen sử dụng mạng xã hội vào hoạt động học tập, ứng xử văn hóa hơn trong môi trường cộng đồng mạng ngày càng lan tỏa. Bên cạnh đó, nhà trường còn thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ kỹ năng sống, hướng dẫn các em những thói quen, phẩm chất cơ bản. Với thói quen “4 biết” (biết xin lỗi, biết chào hỏi, biết cảm ơn, biết chia sẻ) đã giúp các em hoàn thiện hình ảnh “con ngoan, trò giỏi”, được phụ huynh đánh giá tốt, xã hội đồng thuận cao.
Những hoạt động ngoại khóa là điều kiện thuận lợi để giáo viên quan tâm, tìm hiểu tâm tư, hoàn cảnh của học sinh ngày càng nhiều hơn, từ đó có những cách khích lệ, hỗ trợ các em học tập. Năm qua, nhà trường đã kịp thời nắm bắt thông tin và vận động giúp đỡ hơn 100 triệu đồng cho 1 học sinh bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não, giúp đỡ lâu dài em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang mắc căn bệnh ung thư xương và máu, vận động mua bảo hiểm y tế cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vào đầu năm học mới… Cùng với đó là sự tìm hiểu hoàn cảnh của những học sinh cá biệt, quậy phá để giúp các em tháo gỡ tâm lý, cải thiện thành tích học tập.
Bài, ảnh: NGỌC GIANG