Từ những ám ảnh thảm họa và xung đột
Khung cảnh đổ nát nơi xảy ra động đất tại tỉnh Adana - Ảnh: CNN
Trong năm 2023, khu vực Trung Đông đã phải hứng chịu nhiều thảm họa, từ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Maroc, bão ở Libya và xung đột ở Gaza, Sudan và Yemen...
Ngày 6/2, một trận động đất mạnh đã xảy ra ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới với Syria, khiến hơn 50.000 người thiệt mạng, hàng triệu người mất nhà cửa và gây thiệt hại ước tính lên tới 100 tỷ USD.
Tiếp đến, ngày 8/9, một trận động đất khác xảy ra ở Maroc khiến khoảng 2.900 người thiệt mạng và hơn 5.000 người bị thương.
Ngoài thiên tai, xung đột vũ trang đã làm tan vỡ hy vọng hòa bình vốn mong manh trong khu vực. Ngày 15/4, các cuộc đụng độ ác liệt đã nổ ra ở thủ đô Khartoum của Sudan giữa Lực lượng vũ trang Sudan và nhóm bán quân sự Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF). Xung đột kéo dài chưa có hồi kết đã đẩy người dân Sudan vào một cuộc khủng hoảng đa chiều tồi tệ chưa từng gặp phải. Triển vọng xa vời của một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột quân sự hiện nay đang đẩy Sudan đứng trước nguy cơ trở thành trung tâm và nguồn gốc của thảm họa trên thế giới và khu vực.
Ngày 7/10, một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn đã nổ ra giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza, khiến hơn 20.000 người Palestine và khoảng 1.200 người Israel thiệt mạng. Vấn đề Palestine-Israel một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế, làm gián đoạn tiến trình hòa giải giữa Israel và các nước Ả Rập.
Ông Serkan Demirtas, một nhà phân tích chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết cuộc xung đột giữa Palestine và Israel đang diễn ra đã làm gia tăng đáng kể căng thẳng địa chính trị trên khắp Trung Đông, với những tác động sâu rộng đến quan hệ quốc tế.
… Suy thoái kinh tế
Bất ổn nhiều mặt đã khiến một số nền kinh tế trong khu vực Trung Đông bước vào suy thoái trong năm 2023. Thổ Nhĩ Kỳ, Li-băng, Syria và Iran đối mặt với tình trạng đồng nội tệ bị mất giá, lạm phát cao hoặc tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Thậm chí đồng bảng của Li-băng, đồng bảng của Ai Cập và đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ liên tục chạm mức thấp mới so với đồng USD.
Đáng ngại hơn cả là cuộc xung đột đang diễn ra ở Gaza không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Israel và Palestine mà còn tác động đến các nước láng giềng như Ai Cập, Jordan và Li-băng. Tháng 10/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Trung Đông và Bắc Phi dự kiến sẽ giảm mạnh, từ 6% năm 2022 xuống còn khoảng 1,9% vào năm 2023.
Theo giáo sư Zhao Jun thuộc Viện Nghiên cứu Trung Đông, Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, suy thoái kinh tế ở nhiều nước ở Trung Đông khó có thể đảo ngược trong ngắn hạn do giá dầu thấp dẫn đến việc cắt giảm sản lượng dầu. Chưa tính đến các yếu tố khác như môi trường tài chính toàn cầu căng thẳng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tiếp tăng lãi suất cùng tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine đối với giá lương thực và nguyên liệu thô.
Cho đến những tín hiệu hòa giải mạnh mẽ…
Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị, cùng Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran Ali Shamkhani, và Bộ trưởng Nhà nước kiêm cố vấn an ninh quốc gia Ả-rập Xê-út Musaad bin Mohammed Al Aiban chụp ảnh chung trong cuộc họp tại Bắc Kinh ngày 10/3. (Ảnh: China Daily)
“Hòa giải” và “hợp tác” là cụm từ được nhiều người nhắc đến khi nói về tình hình Trung Đông trong năm 2023, với sự kiện mang tính bước ngoặt là việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Ả rập Xê út và Iran vào tháng 3/2023. Sự kiện Ả rập Xê út và Iran ký thỏa thuận về bình thường hóa quan hệ song phương tại Bắc Kinh được coi là khoảnh khắc “thay đổi cuộc chơi” ở Trung Đông sau những thập kỷ đối đầu, và cả tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở vùng đất nhiều dầu mỏ.
Dưới vai trò hòa giải Trung Quốc, vào tháng 3/2023, Ả rập Xê út và Iran đã đồng ý khôi phục quan hệ sau 7 năm gián đoạn và tái lập các đại sứ quán cùng lãnh sự quán tương ứng. Chuyến thăm của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tới Riyadh vào tháng 11 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh bất thường về Hồi giáo Ả Rập đã đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Iran tới Ả rập Xê út trong hơn một thập kỷ.
Trong những ngày cuối cùng của năm 2023, Trung Đông lại đón nhận một thông tin tích cực sau khi Hội đồng Lãnh đạo của Tổng thống Yemen và lực lượng dân quân Houthi cam kết thực hiện lệnh ngừng bắn trên toàn quốc, dỡ bỏ các hạn chế kinh tế và tham gia chuẩn bị nối lại các cuộc đàm phán chính trị toàn diện do Liên hợp quốc chủ trì.
Giáo sư Hadeer Said chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Viện Nghiên cứu Ả Rập có trụ sở tại Cairo, nhận định việc nối lại quan hệ giữa Riyadh và Teheran đã giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng giữa người Houthis ở Yemen và Ả rập Xê út. Điều này sẽ góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng ở Yemen.
Bên cạnh đó, Trung Đông cũng đón nhận một số thông tin mang tính hòa giải tích cực trong năm 2023. Trong đó phải nhắc tới các sự kiện như Syria khôi phục tư cách thành viên trong Liên đoàn Ả Rập sau hơn một thập kỷ bị đình chỉ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đã trao đổi các chuyến thăm cấp bộ trưởng lần đầu tiên sau nhiều năm, Qatar nối lại quan hệ ngoại giao với Bahrain và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)…
Những tia hy vọng về một tương lai hòa giải ở khu vực đã được Thái tử và Thủ tướng Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman Al Saud khẳng định rõ tại Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả rập lần thứ 32 diễn ra hồi tháng 5/2023, cùng với thông điệp: "Hòa bình, thống nhất, hợp tác và phát triển là vì lợi ích của người dân các nước Ả Rập… chúng tôi sẽ không để khu vực này trở thành khu vực xung đột”.
Cùng những tín hiệu khích lệ từ Trung Đông
Al Dhafra là nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới (Ảnh: SCMP).
Bên cạnh những thông tin quan ngại, Trung Đông cũng đón nhận những tín hiệu tích cực khi nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới Al Dhafra vừa được hoàn thành ở Abu Dhabi, được kỳ vọng sẽ tạo sản lượng điện cung cấp cho 200.000 ngôi nhà mỗi năm. Nhà máy sẽ giảm lượng khí thải carbon dioxide xuống 2,4 triệu tấn, một lần nữa thể hiện quyết tâm của quốc gia vùng Vịnh giàu dầu khí này trong việc đa dạng hóa nguồn năng lượng và phát triển xanh.
Trong khi đó, Tầm nhìn 2030 của Ả Rập Xê út, nhằm đa dạng hóa tăng trưởng, phát triển dần từ kế hoạch chi tiết đến hiện thực. Theo báo cáo gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ả Rập Xê út đang trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ với vị thế tài chính lành mạnh.
Bên cạnh đó, các nước Trung Đông ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong các tổ chức đa phương khu vực và quốc tế. Vào tháng 7/2023, Iran chính thức gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Tiếp đến, tháng 8/2023, Ai Cập, Ả Rập Xê út, UAE và Iran đã được mời tham gia khối hợp tác BRICS (gồm các nền kinh tế mới nổi lớn - Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
Với nhiều diễn biến đan xen, tình hình Trung Đông trong năm tiếp theo khó có thể trở lại trạng thái hòa bình trọn vẹn, dù xu hướng hòa giải sẽ tiếp tục được thúc đẩy. Trong năm 2024, Trung Đông về cơ bản vẫn là một điểm nóng của thế giới, cùng với những hy vọng về một sự chuyển biến tích cực sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 hay những thay đổi chính trị có thể diễn ra ở Israel trong thời gian tới./.
Theo T.LAN (Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam)