Theo Viện Văn hóa, tranh vẽ tường là một trong những loại hình hội họa lâu đời nhất. Trong các chùa Khmer, nghệ nhân vẽ theo sự chỉ dẫn của vị sư cả hoặc dựa theo cốt truyện tích Phật. Tôi tìm đến chùa Pô Thi Vong (xã Cô Tô, Tri Tôn), một trong những ngôi chùa có bộ tranh vẽ tường sắc sảo. Thượng tọa Chau Diên, sư cả chùa, dẫn chúng tôi đi tham quan chánh điện. Cả trăm bức bích họa được vẽ kín 4 vách tường, trên trần nhà, màu sắc tươi sáng nhưng không hề rối mắt. Cảnh Phật Thích Ca mới sinh ra, Phật dạo 4 cửa thành, Phật xuất gia đi tu, Phật ngồi dưới gốc cây Bồ đề có rắn Thần Naga che chở, Phật nhập niết bàn… “Chùa có lịch sử hơn 300 năm, trải qua chiến tranh bị tàn phá nặng nề. Ngôi chùa xuống cấp trầm trọng, sau này mới có điều kiện tu sửa. Khi ấy, nhiều phật tử đề xuất ý kiến: chánh điện nhìn khá đơn giản, có thể vẽ tranh Phật lên vừa trang trí, vừa để ghi nhớ lịch sử phật pháp. Vậy là họ cùng nhau quyên góp tiền. Nhà chùa mời một vị họa sĩ từ Campuchia rất giỏi tay nghề đến vẽ. Ròng rã 5-6 tháng, công việc mới hoàn thành. Chất liệu vẽ đặc biệt lắm, không hề bay màu theo thời gian. Đến nay đã 14 năm, nhưng tranh vẫn mới nguyên” - thượng tọa Chau Diên kể lại.
Thượng tọa Chau Diên ngắm những bức tranh bên trong chánh điện
Ngoài ra, trong các ngôi chùa Khmer còn cho vẽ câu chuyện trong sử thi Ấn Độ - Ramayana, thể hiện chính nghĩa chiến thắng gian tà, phản ánh những tiền kiếp của đức Phật đã từng trải qua. Có chùa vẽ những tích truyện dân gian, các loại linh vật như: rắn Naga, Tonsai Pôthisat, Reakchsây, voi… những hình ảnh triết lý về đời người. Tranh còn được vẽ trên trần của chính điện với nội dung thể hiện cảnh giao đấu giữa các tiên nữ và chằn tinh, cảnh tiên làm lễ, cảnh tiên dâng hoa... Về nội dung các đề tài, chủ đề được tạo tác trong tranh tất cả đều ca ngợi sự toàn năng, toàn giác của đức Phật, ca ngợi triết lý thâm sâu mầu nhiệm của Phật giáo. Những bức tranh ấy phản ánh triết lý nhân sinh, nguyên lý nhân quả của Phật giáo, tạo thành một nhà triển lãm, thư viện bách khoa toàn thư về thế giới Phật học được thiết lập gần như vĩnh cửu trên tường. Bức tranh nào cũng được trang trí màu sắc rực rỡ của cây cỏ, hoa lá, miêu tả sống động, rõ nét cuộc đời sự nghiệp của đức Phật cùng những nhân vật có liên quan. Cách xem tranh khá đơn giản: theo hàng ngang từ trái qua phải, từ đầu tường đến cuối vách, rồi “xuống dòng” xem tiếp dòng tranh thứ 2, thứ 3. Để xem được trọn vẹn “câu chuyện”, người xem phải chịu khó rảo chân đi qua, đi lại. Một số bức tranh riêng lẻ được vẽ ở vị trí còn trống, hoặc gần chân tường. Không gian đặc quánh màu sắc, hình ảnh, khơi gợi niềm tin tâm linh mãnh liệt trong mỗi con người, nhắc nhở họ để lại mọi sự trần thế, tạp niệm bên ngoài chánh điện.
“Thập nhị tứ hiếu” trong An Thạnh Tự (xã Phú An)
Không chỉ ở chùa Khmer, mà nhiều ngôi chùa khác thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Hòa Hảo cũng có những bức tranh làm điểm nhấn trong chùa. An Thạnh tự (xã Phú An, Phú Tân) là nơi lưu giữ hơn 30 bức tranh vẽ tường. Nổi bật nhất là “Thập nhị tứ hiếu” (24 tấm gương về lòng hiếu thảo). Nét vẽ tinh giản nhưng rất trau chuốt, có hồn, phác họa tấm gương của từng nhân vật hiếu thảo trong truyện xưa: Mạnh Tông khóc đến khi măng mọc; Trọng Do vác gạo nuôi cha mẹ; Đổng Vĩnh bán thân chôn cha; Lão Lai Tử đùa giỡn làm vui cha mẹ… Ông Nguyễn Phước Đức (68 tuổi) cho biết: “Những bức tranh này do một người ở xã Mỹ Hội Đông (Chợ Mới) vẽ cách đây cả chục năm. Lúc ấy, ông đến xin được vẽ những câu giảng trong Thi văn Giáo lý toàn bộ của Đức Huỳnh Giáo Chủ, mong được phục vụ tín đồ, đồng đạo đến thưởng lãm, hoàn toàn không lấy chi phí. Ông vẽ rất công phu, tỉ mỉ, theo một phương pháp riêng, tự mình làm toàn bộ công đoạn. Khi các bức tranh hoàn thành, ai cũng tấm tắc khen”.
Nhiều ngôi chùa còn cho vẽ bộ tranh “Thập điện Diêm vương” (10 vị vua) trên giấy, lồng kiếng trang trọng, hoặc vẽ trực tiếp lên tường. Theo tín ngưỡng của Phật giáo Á Đông (trong đó có Việt Nam), đây là các vị thần linh cai quản cõi chết và phán xét con người ở địa ngục, căn cứ vào công hay tội họ đã tạo ra khi còn sống. Những cảnh tượng khủng khiếp, ghê rợn, tác động trực tiếp đến cảm quan của người xem, nhằm cảnh báo họ hãy cố gắng làm điều thiện, tránh điều ác. Tại An Thạnh tự (xã Bình Thạnh Đông, Phú Tân), lại có đến 12 bức tranh, mỗi bức được vẽ riêng biệt, lồng khung kiếng, treo dọc theo vách ngoài chánh điện. Trên tranh là lời chú thích rất rõ ràng, súc tích: phạm tội gì sẽ bị trừng trị ra sao; kiếp luân hồi đầu thai của từng vong hồn...
Điều băn khoăn nhất của những người quản lý chùa mà tôi tiếp xúc chỉ xoay quanh việc giữ gìn thế nào để tranh trường tồn theo năm tháng; làm thế nào để nhắc nhở thế hệ sau về gốc tích, xuất xứ, ý nghĩa của tranh, soi rọi và đối chiếu với chính mình để sống tốt hơn về mặt đạo lẫn đời. Làm thế nào để đừng buông lời tiếc nuối như một nhân vật chia sẻ: “Chùa xuống cấp nên được tu sửa, xây cất lại. Cực chẳng đã, những bức tranh trên tường cũng bị xóa bỏ, lưu lại không bao nhiêu…”.
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG