Những ngày Lạp miếu

03/01/2023 - 06:51

 - Cuối tháng Chạp, cùng với hoạt động tổng kết năm cũ, đón năm mới của người dân, mái đình làng cũng bước vào lễ cúng Lạp miếu, như hình thức “tất niên”. Lễ cúng này phảng phất không khí linh thiêng, trầm mặc và ấm cúng, thể hiện tấm lòng tưởng nhớ công đức tiền nhân của người Việt.

Lễ cúng Lạp miếu diễn ra với nghi thức trang trọng

Nghi thức thiêng liêng

Nép mình bên xép Năng Gù quanh năm yên ả, mái đình Bình Thủy (xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) những ngày cuối năm trở nên ấm cúng, khi chuẩn bị lễ cúng Lạp miếu của Ban Quý tế và người dân vào ngày 19, 20 tháng Chạp. Theo người dân xứ cù lao, những lệ cúng liên quan đến mái đình làng luôn mang ý nghĩa tâm linh và truyền thống văn hóa đặc sắc. Truyền thống ấy được hun đúc mấy trăm năm, khi lớp người đầu tiên đến đây khai mở Bình Lâm thôn, một trong những đơn vị hành chính đầu tiên của huyện Châu Phú. 

Trưởng ban Quý tế Đình thần Bình Thủy Trần Văn Trừ cho biết: “19 tháng Chạp, Ban Quý tế đình tề tựu dọn dẹp, trang trí ngôi thờ trong đình. Tiếp theo đó là lễ thỉnh sanh, túc yết, rồi đến lượt người dân tự do lễ bái. Chiều cùng ngày, Ban Quý tế cùng với bà con trong xã dự mâm cơm tất niên, như một hình thức kết nối cộng đồng, ôn lại chuyện trong năm cũ, hướng tới năm mới nhiều hy vọng”.

Theo ông Trần Văn Trừ, lễ cúng Lạp miếu mang ý nghĩa “trọn năm đã thành công, người dân đáp tạ thần ân”. Lễ thường có các nghi thức rất thiêng liêng, như cúng Thần nông, chánh tế và lễ tất an thần. Trong đó, nghi thức cúng Thần nông khá đặc biệt. Theo tín ngưỡng dân gian, Thần nông là vị thần trông coi lúa gạo, dạy dân cày cấy, giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Do đó, kết thúc năm cũ, người dân thực hiện nghi thức cúng bái rất trang trọng, nhằm tỏ lòng biết ơn vị thần này.

Tại đình thần Bình Thủy, lễ cúng Thần nông bắt đầu lúc 4 giờ sáng. Vật phẩm được bày biện khá trang trọng, gồm: 3 mâm xôi, thực phẩm chín, trà rượu. Đến giờ cúng, trống nhạc truyền thống vang lên, Ban Quý tế mặc đồ chỉnh tề, thực hiện nghi thức cúng tế long trọng, làm cho không khí phảng phất nét xa xưa của thời mở đất.

“Trong lúc diễn ra lễ cúng, dân làng sẽ cùng đến xem và chực sẵn để giật mâm xôi Thần nông. Bà con quan niệm rằng, giật được mâm xôi đem về cho con cháu hưởng lộc sẽ được phù hộ mạnh khỏe, học hành thông thạo. Vì vậy, ai cũng cố gắng có được “lộc của thần”. Cùng với lễ Kỳ yên (cầu an), lễ Lạp miếu là nghi thức rất quan trọng, thu hút khá đông người dân đến cầu nguyện trong năm mới” - ông Trừ cho hay.

Ý nghĩa nhân văn

Bên cạnh nghi thức thiêng liêng, lễ cúng Lạp miếu còn hàm chứa ý nghĩa nhân văn, khi giáo dục con người biết ơn bậc tiền nhân đã có công khai hoang, mở đất. Tại đình thần Thới Sơn (xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên), không khí những ngày Lạp miếu diễn ra rất ấm cúng.

Ông Bùi Văn Băng (Trưởng ban Quản lý Khu di tích lịch sử cách mạng đình Thới Sơn) cho biết: “Lễ cúng Lạp miếu là dịp để chúng tôi “báo cáo” với tiền nhân về những điều diễn ra trong năm cũ, cầu nguyện điều tốt lành trong năm mới. Tại đình thần Thới Sơn, Lạp miếu diễn ra vào ngày 25 tháng Chạp, với lễ cúng cơm đơn sơ nhưng ấm cúng. Thời điểm đó, anh em trong Ban Quản lý, Ban Quý tế đình và người dân địa phương ngồi lại cùng nhau, cầu mong quốc thới dân an trong năm mới”.

Với truyền thống yêu quý quê hương, người dân Thới Sơn dù có bôn ba xứ người vẫn tranh thủ trở về nguyên quán để cúng bái tiền nhân, cầu mong may mắn trên bước đường mưu sinh. Lạp miếu cũng có thể hiểu là “cột mốc” để chuyện không vui của làng qua đi, hướng đến chặng đường mới tốt đẹp hơn. Sau lễ cúng Lạp miếu, toàn bộ chuông trong đình được phủ khăn kín lại, hàm ý tạm ngưng hoạt động. Đến mùng 7 Tết, sau khi cúng hạ nêu, người ta mới giở khăn ra để nối lại hoạt động.

“Đình làng là mái nhà chung của cộng đồng làng xã, nên chúng tôi rất quan tâm đến lễ cúng Lạp miếu hàng năm. Nói nôm na, lễ cúng này khá giống với tục đón ông bà về ăn Tết trong mỗi gia đình người Việt. Tại đình Thới Sơn, ngày 30 tháng Chạp, chúng tôi nấu mâm cơm canh để cúng Thành hoàng, Tiền hiền, Hậu hiền. Cuối năm, khá đông người dân Thới Sơn đến đình làng để hòa vào không khí thiêng liêng, ấm cúng, cùng cầu nguyện tiền nhân phù hộ cho cháu con. Những năm dịch bệnh phức tạp, lễ cúng Lạp miếu diễn ra đơn sơ. Năm nay, chắc chắn bà con đến tham dự đông đảo hơn!” - ông Bùi Văn Băng chia sẻ.

Dù cuộc sống ngày càng hối hả, nhiều người vẫn luôn nhớ tới lệ cúng Lạp miếu như dấu ấn thiêng liêng. Bởi lẽ, đây là dịp họ trở về cố hương, gặp gỡ những bậc cao niên, thăm hỏi người quen cũ và sống trong không khí thân tình dưới mái ngói rêu phong, ấm cúng của đình làng.

THANH TIẾN