Những người “Ăn cơm nhà lo chuyện xã hội”

18/01/2023 - 03:35

 - Lặng thầm làm công việc không được trả lương, một số người không hiểu chuyện còn nói rằng lo chuyện “bao đồng”. Tuy vậy, vẫn có những con người thầm lặng gắn bó với công việc thiện nguyện, lấy đó làm niềm vui, cống hiến sức mình cho cộng đồng.

Giúp người dân lưu thông an toàn

Có tinh thần thiện nguyện, ông Nguyễn Thanh Sang (ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) bắt đầu công việc chạy xe hút đinh, các vật sắc nhọn, làm sạch đường phố từ năm 2019. Những ngày thường, ông Sang chạy xen kẽ 2 tuần trong tháng, chạy xe khắp các phường, xã ở TP. Long Xuyên để hút đinh, giúp người dân lưu thông được an toàn.

Nghề nghiệp chính của ông Sang là thợ điện, nước, thu nhập vừa đủ trang trải kinh tế gia đình, nhưng vẫn cố gắng dành thời gian làm công việc giúp ích cho cộng đồng, không mưu cầu sự đền đáp. Ông Sang cho biết, một lần tình cờ thấy chiếc xe máy chở theo người phụ nữ có thai, bị thủng bánh xe do cán đinh nhọn, không có chỗ vá, phải dẫn bộ cả đoạn đường, nguy hiểm và vất vả. Sau lần đó, ông Sang ắp ủ ý tưởng tự thiết kế một chiếc xe có khung sắt gắn nam châm, có thể hút hết đinh, vật sắc nhọn trên đường.

Ông Sang chạy xe hút đinh trên đường

 Trình bày suy nghĩ của mình, ông Sang được người chủ chỗ làm hỗ trợ kinh phí thực hiện. Từ đó, ngoài lo kinh tế gia đình, ông Sang còn có thêm công việc mới là giúp sức cho xã hội. “Tôi không xin tiền, hay vận động bất kỳ ai, nhưng đôi khi được người dân dọc đường kêu lại hỏi thăm, hỗ trợ vài chục ngàn đồng tiền xăng, nói là muốn góp sức làm công việc ý nghĩa. Nói vậy nên tôi nhận, dùng số tiền đó để đổ xăng chạy thêm nhiều đoạn đường hơn” - ông Sang chia sẻ.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ông Sang tạm gác công việc mưu sinh, dành thời gian chạy xe hút đinh nhiều hơn, từ sáng đến chiều để người dân lưu thông trong dịp Tết được an toàn. “Bà con đi làm xa nhà, đến Tết mới về quê. Mà vào tới TP. Long Xuyên là phải an toàn, không bị đinh đâm thủng bánh, chạy thẳng về nhà và ăn Tết vui vẻ, đoàn tụ cùng gia đình” - ông Sang mong muốn.

Niềm vui được cống hiến

Hơn 1 năm nay, bà Hương (62 tuổi, quê ở tỉnh Đồng Tháp) đã gắn bó với quán ăn miễn phí Phước Thiện (phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên). Công việc của bà là nấu ăn, phục vụ hàng trăm suất cơm chay miễn phí cho người nuôi bệnh, bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang. Nấu ăn ngon, bà Hương muốn đóng góp sức mình, hỗ trợ những bếp cơm thiện nguyện, phục vụ miễn phí cho bà con khó khăn, bệnh nhân nghèo các nơi.

Trước đây, bà Hương cùng vài người quen nấu ăn cho các bếp cơm chay miễn phí ở tỉnh Bình Dương, TP. Cần Thơ… Để có được những suất cơm sớm nhất cho người bệnh và thân nhân, các thành viên của bếp ăn phải dậy từ khuya để nấu cơm, chế biến đồ ăn. Vì nấu với số lượng nhiều, công việc luôn tất bật, dù các công đoạn sơ chế rau củ đã có tổ khác phụ làm từ chiều hôm trước.

Các thành viên trong quán ăn chay miễn phí Phước Thiện hết lòng vì công tác thiện nguyện, chẳng nề hà công việc nặng, nhẹ, chỉ muốn làm nhanh, nhiều để bà con có được suất ăn sớm và ngon.

"Giờ tôi làm xuyên suốt ở quán ăn chay miễn phí Phước Thiện, chỉ trừ những khi ở quê nhà có đám tiệc, cúng ông bà, xong việc quay trở lại liền. Làm riết rồi quen, thấy mọi người nhận cơm và ăn ngon, dù có mệt cũng vui” - bà Hương chia sẻ.

Sưu tầm thuốc nam miễn phí đã giúp nhiều người bệnh có hoàn cảnh khó khăn được chữa trị

Ông Võ Thành Hoàng đảm nhận công việc trồng và sưu tầm dược liệu ở Hội Đông y xã Ô Long Vĩ (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang). Làm cùng ông Hoàng là các cô, chú ở địa phương, sắp xếp công việc gia đình để hỗ trợ việc trồng cây dược liệu và sưu tầm thuốc nam. Các nhà thuốc gần xa khi cần đều được hỗ trợ miễn phí.

“Nhiều người dân ở địa phương không có thời gian nên họ cho mượn đất theo vụ, một số góp sức trồng thuốc nam hoặc sưu tầm ở các nơi. Bà con ai cũng muốn góp sức với công việc thiện nguyện, mang lại sức khỏe cho người dân, nhất là người bệnh khó khăn” - ông Hoàng chia sẻ.

Còn niềm vui của bà Hồ Thị Hà (ngụ thị trấn Vĩnh Bình, huyện Châu Thành) là mỗi ngày chăm sóc vườn thuốc nam rộng 3.000m2. Tất cả thuốc nam trồng được, bà Hà dành tặng miễn phí cho các nhà thuốc trong và ngoài tỉnh. Công việc thiện nguyện đã gắn bó với bà Hà 20 năm, trồng thuốc, phơi thuốc và gửi tặng cho người cần. “Con cái đã lớn, có gia đình riêng, bản thân yêu thích công việc từ thiện, giúp người, giúp đời nên cống hiến được bao nhiêu mừng bấy nhiêu” - bà Hà chia sẻ.

Ông Sang, bà Hương, ông Hoàng, bà Hà… là những điển hình của tinh thần “Tương thân tương ái”, lấy sự tận tâm phục vụ cộng đồng là niềm vui sống của bản thân.

ÁNH NGUYÊN