Ở An Giang, người mê sưu tầm tem nhất là ông Trần Hữu Huệ (thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn). Ông đã dành gần cả cuộc đời cho việc sưu tầm tem. Nhà ông là điểm hẹn của những người quan tâm đến tem, bì thư cũ. Trên căn gác nhỏ đầy các bao thư đã ám màu thời gian vàng ố, 2 tấm bản đồ được dán từ hàng ngàn con tem gồm: bản đồ thế giới và bản đồ Đông Dương luôn tạo sự thú vị cho người quan tâm.
Bản đồ thế giới ông dùng các con tem cùng màu để diễn tả châu lục, vùng núi, vùng biển...; còn bản đồ Việt Nam ông thể hiện sinh động từng vùng, miền bằng những con tem riêng như: thủ đô Hà Nội là con tem cờ đỏ sao vàng, quần đảo Trường Sa có tem Trường Sa...
Đặc biệt, mới đây ông còn hoàn thành bộ sưu tập bì thư sử dụng tem Hoàng Sa - Trường Sa gửi đi hơn 60 quốc gia trên thế giới và góp mặt tại buổi triển lãm tem bưu chính học sinh - sinh viên (HS-SV) An Giang năm 2018, nhằm giới thiệu cho người dân, bạn bè quốc tế biết Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam.
“Các quốc gia khi phát hành tem đều biểu hiện những gì tốt đẹp, độc đáo của đất nước, qua đó đã giới thiệu về bản sắc đất nước họ. Như nước Ý thì con tem có hình tháp nghiêng, nước Úc có hình con kangaroo hay ẩn chứa một quá trình biến động lịch sử, niềm tự hào của quốc gia về lãnh thổ. Do vậy, mỗi con tem đều mang đến những hình ảnh sống động, thông tin đặc biệt khó có thể tìm kiếm ở nơi đâu”- ông Huệ chia sẻ và đó cũng chính là lý do khiến ông Huệ đam mê với thú sưu tầm tem.
Cùng niềm đam mê với ông Huệ là gần 800 hội viên Hội tem tỉnh An Giang. Được thành lập từ năm 1998, sau 20 năm hoạt động, Hội tem tỉnh đã thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia, đặc biệt là các em HS-SV.
Đến nay, Hội tem tỉnh đã thành lập được 3 chi hội và 12 câu lạc bộ sưu tập tem, tổ chức được một số điểm bán tem chơi tại Bưu điện tỉnh, Nhà Thiếu nhi nhằm tạo điều kiện cho người mê tem sưu tập, giao lưu.
Đặc biệt, hàng năm nhân kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Hội tem tỉnh đều phát động cuộc thi sưu tập tem theo chủ đề và triển lãm tem bưu chính HS-SV tại Bảo tàng tỉnh và Khu lưu niệm Bác Tôn.
Tổng số bộ tem tham dự triển lãm trung bình từ 60-70 bộ, tổng số khung tham dự từ 170-210 khung tem, với nhiều giải thưởng hấp dẫn dành cho HS-SV. Ngoài ra, các tác phẩm đạt giải còn được Hội tem giới thiệu tham gia triển lãm tem bưu chính khu vực, quốc gia và quốc tế.
Bạn Đoàn Hồng Tường Vi (SV năm 4 ngành sư phạm Anh, Trường Đại học An Giang), người vừa đạt giải khuyến khích tại cuộc thi vừa qua với các bộ sưu tập về địa danh Việt Nam, các phương tiện giao thông, động vật sống ở đâu, chia sẻ: “Tôi đam mê sưu tầm tem từ những năm THCS vì từng cánh tem đã mang đến những chân trời mới lạ, dù chỉ là những hình ảnh tuy nhỏ bé nhưng chứa nhiều thông điệp về văn hóa, tri thức nhân loại. Năm qua tháng lại, từng cánh tem được góp nhặt từ những lá thư kỷ niệm và sự trao đổi tem với bạn bè, đến nay tôi có trong tay rất nhiều bộ sưu tập, đó chính là niềm vui mà không có sự tiến bộ công nghệ nào có thể thay thế được”.
Chủ tịch Hội tem tỉnh Mai Văn Tồn cho biết: “Hội tem tỉnh từng bước khẳng định vai trò của mình trong việc đóng góp vào các hoạt động văn hóa của tỉnh, là sân chơi bổ ích cho những người mê tem.
Sắp tới, Hội tem tiếp tục phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn, Bưu điện, các trường học phát triển thêm các chi hội câu lạc bộ sưu tập tem; phát động phong trào chơi tem, tìm hiểu các sự kiện lịch sử văn hóa qua tem bưu chính; đề xuất phát hành các bộ tem về lịch sử cách mạng, văn hóa, phong cảnh, giá trị đặc biệt của địa phương để tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch của vùng sông nước An Giang với bạn bè du khách gần xa”.
Bài, ảnh: NGỌC GIANG