Những người “sống ở đáy sông”

15/02/2024 - 03:01

 - Trót gắn cuộc đời vào nghề thợ lặn, họ phải bôn ba với cuộc mưu sinh nơi đáy sông sâu. Dù vất vả, gian nan nhưng họ không dứt được với nghề. Phần vì gánh nặng cơm áo, phần vì chút nghĩa nhân văn trong cái nghiệp “hạ bạc” của mình.

Đời “trầm thủy”

Trong “bách nghệ”, nghề thợ lặn được xem là bước đường cùng của dân sông nước. Với họ, cuộc mưu sinh là những tháng ngày ngụp lặn chốn sông sâu tăm tối, đối diện với nguy hiểm khôn lường, mong ước sẽ có được sống thư thả trên bờ như người khác. Nhấp chén trà trưa, chậm rãi mở đầu câu chuyện về “cái nghiệp” của đời mình, ông Trần Văn Đời (Ba Đời, ngụ thị trấn Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang) không giấu được sự khắc khổ. Dù được biết đến với tài “lặn như rái cá” nhưng ông Ba Đời chưa bao giờ tự hào vì điều đó.

Ba Đời tâm sự: “Người ta nói, nghề của tụi tui là “làm bạn với hà bá”. Mà có thiệt! Xuống tới đáy sông sâu vài chục thước nước, cái gì cũng tối om, nên người yếu vía chắc không đeo được nghề này. Ngụp lặn hơn 30 năm, không biết bao nhiêu lần tui đối diện với gian nan, hiểm nguy của đời “trầm thủy”. Ngặt cái, vì cuộc sống gia đình nên mình cứ lay lắt với nghề, tới giờ tóc bạc, da nhăn mà cuộc sống cũng chỉ đỡ đỡ thôi”.

Sẽ có người trông máy trên bờ và hỗ trợ thợ lặn khi cần thiết

Nhớ thời còn “lặn bộ” (không có ống hơi), Ba Đời đã nhiều lần “tím mình tím mẩy” bởi áp lực nước khiến ông không thở được, phải ngoi lên bờ. Rồi bệnh lãng tai hay di chứng tâm lý trong những cuộc đụng độ “thủy quái” dưới đáy sông sâu, đến bây giờ vẫn còn ăm ắp trong đôi mắt già nua. Mỗi chuyến lặn thuê, tiền công 300.000 - 400.000 đồng, nước trên mình vừa ráo cũng vừa cạn túi. Lúc ấy, lại ngồi chờ người đến thuê đi lặn, hoặc Ba Đời sẽ tự đi lặn vớt sắt, thép, phế liệu bán kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Cũng là thợ lặn như Ba Đời, anh Trần Văn Hóa (ngụ xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú) với “ê-kíp” của mình cũng trải qua những nguy hiểm với nghề. Nhóm của anh Hóa có 6 người, anh là “nhóm trưởng” đứng ra nhận việc, thương lượng tiền công với chủ thuê. Thông thường, sẽ có 4 người lặn xuống nước và 2 người trực máy móc trên bờ, phòng khi sự cố.

“Thợ lặn hay gặp nhất là trường hợp tuột ống hơi, hoặc ống hơi kẹt vô gốc cây, thứ gì đó khiến mình không trồi lên được. Nhiều nơi nước chảy xiết, mình phải đeo thêm sợi xích cho nó đỡ bị trôi, nhưng khi “tới chuyện” thì chính nó “góp phần” hại mình. Trên bờ mình bị nạn thì có người này, người kia giúp. Dưới sông sâu tăm tối thì biết kêu ai. Nắm ống hơi giật giật mà người coi máy hơi trên bờ không để ý cũng xong” - anh Hóa thật tình.

 “Cuộc mưu sinh buộc tụi tui phải dấn thân vào những nơi mà nhiều người cả đời không nghĩ đến. Kể lại cho người khác nghe cũng chưa chắc ai tin, vì họ đâu ở dưới cùng với mình, nên chỉ anh em trong nghề hiểu nhau thôi. Mà đời mình cơ cực quá, nên tui quyết lòng cho mấy đứa nhỏ đi học, sau này có công việc trên bờ ổn định, bớt gian nan. Như cha tụi nó, ngụp lặn quá nửa đời người mà cứ quẩn quanh với hai chữ “đủ ăn”, không khá lên được” - anh Hóa trải lòng.

Nghĩa nhân văn

Được xem là những người “ăn cơm dương gian, nói chuyện thủy phủ”, nghề thợ lặn cũng có nỗi sợ của đời mình: Vớt người chết đuối. Lẽ thường, với người trên cạn, việc đụng chạm thi thể đã không mấy dễ dàng. Trong đôi mắt hằn dấu thời gian của ông, vẫn còn hiện hữu nỗi sợ đó mỗi khi nhắc lại. Tuy nhiên, ông cho biết mình làm nghề hạ bạc, không để lại được gì cho cháu con, nên phải tích “đức lành” mong đời sau được hưởng. Hơn nữa, sống phải thấy người, chết phải thấy xác, ông không thể để người thân nạn nhân ôm nỗi đau tột cùng đó cả đời được. Có lẽ, điều duy nhất giúp ông can đảm trầm mình xuống dòng nước kia chính là tình người!

“Ai cũng muốn có được cuộc sống tốt đẹp. Chẳng may họ rơi vào cảnh đó, mình giúp được thì ráng hết lòng để người nhắm mắt được yên nghỉ, thân nhân của họ bớt ray rứt. Nhờ “bà cậu” độ nên mấy lần tui đều đưa được nạn nhân lên bờ. Tiền công vẫn phải lấy vì đó là cuộc mưu sinh, nhưng mình cũng thấy yên lòng vì đã “trả nghĩa” với cái nghiệp cưu mang mình gần trọn đời người” - Ba Đời tâm sự.

Cũng là thợ lặn lâu năm, anh Lâm Văn Lý (ngụ xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) vừa coi công việc của mình là kế mưu sinh, vừa để giúp người bị nạn trên sông. “Nghề này nói ra lạ lắm! Không vướng thì thôi, chứ một khi đã biết lặn thì mình cứ phải lặn hoài. Kiếm sống là một chuyện, nhưng hình như có đủ thứ lý do khiến mình không bỏ nó được. Nhiều lần tôi nhất quyết lên bờ không lặn nữa, vậy mà gặp người ta bị chìm ghe thì cũng nhảy xuống trục tiếp họ lên. Biết nghề để làm gì mà không giúp người ta qua cơn hoạn nạn!” - anh Lý bộc bạch.

Vì cuộc sống lao khổ, thợ lặn thường có ngoại hình đen đúa, rắn chắc

Anh Lý còn cho hay, những người làm nghề thợ lặn sẵn sàng cứu người bị kẹt trong ghe, xuồng lật úp trên sông. Bằng kinh nghiệm của mình, họ đủ bình tĩnh để có cách tiếp cận, hướng dẫn người bị nạn thoát hiểm. Dù chuyện đó diễn ra không nhiều, nhưng cũng xem là một nét nhân văn trong cái nghề “trầm thủy” này.

“Có những chiếc ghe giá trị hàng tỷ đồng bị chìm xuống sông. Nếu không có thợ lặn, việc trục vớt sẽ mất thời gian và tốn kém. Anh em tụi tui sống bằng nghề này, nhưng cũng lấy nó để giúp người khác. Biết là không khấm khá với nó được, nhưng mình cứ bền lòng, lấy cái tâm ra mà đối đãi với cuộc sống thì tổ nghiệp sẽ phù hộ mình bình an” - anh Lý tiếp lời.

Vất vả cả năm, những ngày Tết đến, cánh thợ lặn cúng ghe, cúng “bà cậu” con vịt luộc, người nào khấm khá thì làm heo, đãi mâm cỗ thịnh soạn. Bởi cả năm ngụp lặn, đi qua bao vất vả, hiểm nguy, họ muốn trả ơn tổ nghề, mà cũng là để tận hưởng một chút thành quả cho bõ những ngày cơ cực. Để rồi Tết đi qua, họ lại tiếp tục mưu sinh ở một khúc sông nào đó.

“Đời mình ngụp lặn lâu nay chỉ đủ sống nên tui nhất quyết cho các con tương lai xán lạn hơn. Suy cho cùng, thợ lặn chỉ là cách mưu sinh, không thể là cái nghiệp truyền nối cho cháu con mãi được. Chỉ khi các con tui có việc làm ổn định thì gia đình mới có cơ hội vươn lên, để mỗi năm đến Tết, trong nhà sẽ vui vẻ, sung túc hơn, để tui quên đi những ngày làm bạn với sóng nước mênh mông và sông sâu tăm tối!” - anh Lý mong mỏi.

THANH TIẾN