Ngoài giờ làm việc, anh Nguyễn Ngọc Vinh (phường Bình Đức, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) giải trí, luyện tập thể thao bằng môn cầu lông. Qua thời gian rèn luyện, anh tiếp tục được những người đi trước chỉ dạy, hướng dẫn kinh nghiệm trở thành huấn luyện viên cầu lông. Ban đầu, anh nhận dạy cho con của người thân quen, đồng nghiệp.
Sau thời gian tạo được uy tín, nhận được sự tin tưởng của phụ huynh, đến nay lớp cầu lông của anh thu hút 40 học viên tham gia. Đa số các em còn rất nhỏ, có em chỉ mới 3 - 4 tuổi đã theo học. Hơn 10 năm làm "thầy" dạy cầu lông cơ bản, đào tạo hàng trăm học viên, anh Vinh giúp các em nắm kỹ thuật cơ bản, tạo nền tảng nâng cao kỹ thuật. Một số em tham gia giải phong trào đạt kết quả cao.
Niềm đam mê thôi thúc anh Vinh mỗi cuối tuần đến câu lạc bộ Cầu lông Phú Hòa (huyện Thoại Sơn) dạy cho các em. "Điều kiện sân tập, người hướng dẫn không nhiều, trong khi nhu cầu chơi cầu lông ngày càng tăng. Tôi muốn giúp các em ngoài hun đúc thêm niềm đam mê cầu lông, còn phải nắm bắt kỹ thuật cơ bản, đánh đúng kỹ thuật, hạn chế động tác sai gây ảnh hưởng đến sức khỏe hay chấn thương. Khó nhất là dạy các em nhỏ. Để các em tập đúng kỹ thuật, phải có tính kiên nhẫn, tận tình và niềm đam mê mới duy trì lâu dài" - anh chia sẻ.
Niềm vui của "người thầy" này còn nằm ở chỗ nhìn thấy Câu lạc bộ Cầu lông Phú Hòa đầu tư nâng cấp trải thảm chuyên dụng môn cầu lông, giúp các em có sân chơi tốt hơn, chuyên nghiệp hơn, bảo đảm an toàn, hạn chế chấn thương trong lúc tập luyện. Nhờ vậy, thu hút ngày càng nhiều học viên, vận động viên (VĐV) tham gia tập luyện, giúp môn cầu lông phát triển mạnh tại địa phương.
Anh Lê Quang Vũ (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) thích công việc tự do, vận động nhiều hơn công việc văn phòng hay kinh doanh. Thông qua mạng xã hội, anh chiêu sinh lớp dạy cầu lông cơ bản. Thật bất ngờ khi rất nhiều học sinh đăng ký học. Sau thời gian cân nhắc, anh quyết định không đi làm nữa, chuyển sang tập trung toàn bộ cho việc dạy.
Hiện tại, anh tổ chức 11 lớp, thu hút 60 học viên tham gia, chia ra nhiều khung giờ học trong tuần, nhất là học sinh tập luyện ngoài giờ đến trường. "Một mặt giúp các em nắm kỹ thuật cơ bản, sau thời gian nâng dần lên, tập động tác khó hơn. Mặt khác, việc dạy đánh cầu cũng giúp bản thân tôi thỏa đam mê với bộ môn, làm việc đúng sở thích, tạo nguồn thu nhập ổn định.
Vừa dạy vừa thi đấu, tôi tích lũy kinh nghiệm, tự rèn luyện, học hỏi phương pháp giảng dạy, truyền đạt cho các em dễ hiểu hơn. Tôi còn tham gia tập huấn các lớp ngắn hạn chuyên về cầu lông, mong muốn về lâu dài trở thành huấn luyện viên chuyên nghiệp, tạo được nguồn VĐV cầu lông dồi dào cho tỉnh" - anh Vũ bày tỏ.
Tại huyện Chợ Mới, ông Nguyễn Bá Dũng có hơn 30 năm dạy cầu lông cơ bản. Qua nhiều lớp học sinh, ông phát hiện rất nhiều em có năng khiếu, tố chất. Các em tiếp thu rất nhanh, thắng nhiều giải địa phương, thậm chí tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc. Thành tích của các em là niềm vui của người thầy dạy cầu lông. Với những em tiếp thu chậm hoặc không có năng khiếu, ông dạy vất vả hơn, khi phải hướng dẫn, chỉnh sửa động tác cho đúng kỹ thuật. Bù lại, các em có đam mê, cố gắng tập luyện, là động lực để ông gắn bó lâu dài với nghề.
Giờ đã nghỉ hưu, sức khỏe không còn như trước, ông Dũng phải thu gọn lại lịch dạy, chỉ giữ lớp, giữ nghề đã gắn bó với mình ngần ấy năm. Ông tâm niệm: "Lòng đam mê môn cầu lông vẫn còn, nên ngày nào còn cầm vợt, còn học sinh thì tôi vẫn truyền dạy. Đây cũng là cách tôi thỏa cơn “ghiền”, vận động giữ gìn sức khỏe khi tuổi ngày càng cao".
Để có được những VĐV cầu lông giỏi, ngoài nỗ lực của chính họ, còn nhờ những người thầy, người anh đi trước truyền đạt tận tình, tâm huyết. Nếu có tố chất, kỹ năng, thế hệ sau có thể đi theo con đường trở thành VĐV chuyên nghiệp. Đó cũng là mong mỏi, tự hào của người thầy, người anh đã cất công truyền dạy bấy lâu.
ĐĂNG LÂN