Những “ông mụ” của lân

11/12/2022 - 07:59

 - Đó là những chàng trai chưa quá 25 tuổi, gắn bó với nghề múa lân sư rồng từ rất lâu. Ngoài thổi hồn cho điệu múa rộn rã của lân, các bạn trẻ còn khéo léo tạo hình đầu lân, đưa chúng vào cuộc sống của mình.

Trong căn nhà không rộng rãi lắm, nhóm bạn trẻ của đoàn lân sư rồng Quốc Đạt (phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) ngồi chen chúc nhau, chia sẻ niềm đam mê tạo hình đầu lân. Niềm đam mê ấy giúp cuộc sống họ trở nên đầy màu sắc, tươi vui.

Nhóm quy tụ 20-30 bạn trẻ, vừa là bà con với nhau hoặc chỉ là bạn bè cùng xóm, chơi thân nhiều năm. Bình thường, mỗi người đều bận học, đi làm, chỉ khi rảnh rỗi mới tụ họp về làm đầu lân.

Mỗi đầu lân hình thành sau 4 công đoạn: Bẻ sườn, dán vải - giấy, vẽ, dán lông. Nguyên liệu được mua từ TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, khâu bẻ sườn phụ thuộc lớn vào độ dẻo dai của sợi mây, kết nối các điểm giao nhau có đúng khoảng cách hay không…

Có khung rồi thì chuyển sang công đoạn dán. Vải mùng như “lớp nền” để các khâu trang trí sau đó được thuận tiện hơn. Phải kéo căng lớp vải ra trước khi dán keo, bo góc thật mềm mại rồi cắt phần vải dư.

Đinh Thiện Chí là thành viên kỳ cựu của nhóm, khi tham gia từ thời đoàn lân mới thành lập. Thấy Đạt cặm cụi làm lân, Chí tập tành làm theo, rồi dần quen tay quen việc. Mỗi ngày, nếu tranh thủ hết sức, Chí có thể dán vải mùng cho 2-3 đầu lân.

Đầu lân được đem ra phơi nắng để keo mau khô, chuẩn bị cho công đoạn dán giấy.

Còn đây là công đoạn vẽ lưỡi, do Phùng Tấn Phước đảm nhận. Chưa từng qua trường lớp mỹ thuật, Phước chỉ học lóm từ Đạt, nhưng bạn rất thuần thục trong từng nét cọ.

Màu sắc của lưỡi lân rất nổi bật, tạo cảm giác mạnh ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Không mẫu nào giống mẫu nào, nên càng vẽ Phước lại càng tích lũy kinh nghiệm.

Công đoạn cắt lông cừu cần sự tỉ mỉ không kém. Nguyên liệu này dùng để dán vào đầu lân. Tùy theo ý đồ của người tạo hình mà lân được trang trí màu sắc khác nhau, như đỏ, cam, vàng… Càng nổi bật thì khi múa lân càng vui mắt.

Lông cừu được may vào mảnh vải đầy kim tuyến lấp lánh. Đây sẽ là phần thân lân hoặc chân lân (quần dành cho người múa).

Nông Quốc Đạt bắt đầu múa lân phục vụ bà con trong xóm từ năm 2017. Đến năm 2019, Đoàn lân sư rồng Quốc Đạt được thành lập. Cơ duyên giúp bạn lấn sang nghề làm đầu lân.

Lúc đầu, Đạt tìm tòi trên mạng internet, sau này tìm được “sư phụ” hướng dẫn bài bản hơn. Gia đình chỉ ngừng phản đối thú vui này của Đạt khi nhìn thấy thành quả của bạn.

Là “linh hồn” của nhóm, Đạt phụ trách khâu trang trí đầu lân. Cũng như các công đoạn vẽ khác, mẫu mã trang trí lân rất đa dạng, đòi hỏi người thực hiện phải tìm tòi, học hỏi thường xuyên.

Riêng đôi mắt lân, chỉ có Đạt mới đủ kinh nghiệm vẽ. Phải vẽ thật khéo mới thể hiện được thần thái của lân. Vẽ non tay thì đôi mắt thiếu sức sống, thiếu linh khí, khi múa không đủ oai nghiêm. Phía bên trong còn có nhiều “mánh lới” để đôi mắt có thể đảo tới đảo lui, sáng rực đủ màu.

Khó hơn nữa là làm đầu rồng, với những góc cạnh sắc sảo, khác hẳn nét tròn trịa đơn giản của đầu lân. Dường như tới thời điểm này, chỉ có Đạt mới đủ khả năng thực hiện tất cả công đoạn. Các bạn còn lại tạm thời quan sát, học hỏi dần.

Bên cạnh những đầu lân được làm chỉn chu, đúng quy cách, các bạn trẻ còn sáng tạo thêm chiếc đầu lân mini, được vẽ hình ngộ nghĩnh, vui tươi, dành cho trẻ nhỏ.

Mỗi chiếc đầu lân thế này phải mất từ 4-5 ngày mới hoàn thiện. Lân càng sặc sỡ, thì càng được tin rằng sẽ mang đến an khang thịnh vượng, may mắn cho con người, cho sự kiện khai trương, khánh thành…

Nụ cười của thành viên đoàn lân càng thể hiện rõ tình yêu của các bạn với nghề tay trái này. Thiếu đam mê, kiên nhẫn thì các bạn sẽ chẳng thể nào làm ra được sản phẩm chỉn chu, đáp ứng yêu cầu khách hàng. Đó không phải là cuộc dạo chơi tức thời, mà họ đã có định hướng lâu dài cho đam mê riêng có của mình.

GIA KHÁNH