Ảnh hưởng đầu tiên khi trẻ nghiện điện thoại là sức khỏe thể chất. Việc nhìn chăm chăm vào màn hình quá lâu sẽ gây mỏi mắt, suy giảm thị lực, cận thị... Hơn nữa, trẻ em nghiện điện thoại thường có xu hướng ngủ ít hơn bình thường, gây ra tình trạng thiếu tập trung, tinh thần suy kiệt, có tác động nghiêm trọng đến việc học tập.
Việc nghiện điện thoại còn khiến bé lười vận động hơn. Khi đắm chìm vào games, video, các bài đăng trên mạng, trẻ em sẽ không có hứng thú tham gia các hoạt động ngoại khóa hay đi chơi cùng bạn bè nữa. Đó là lý do vì sao trẻ nghiện điện thoại dễ mắc bệnh béo phì.
Các vấn đề tiêu cực về mặt thể chất thì dễ nhận thấy và cũng có thể khắc phục nếu can thiệp kịp thời. Tuy nhiên, khi ảnh hưởng đến tâm lý thì sẽ không đơn giản như vậy.
Khi trẻ đã mải mê chiếc điện thoại, thì trẻ sẽ không còn hào hứng trong việc giao tiếp. Đầu tiên là trả lời qua loa khi được hỏi, rồi dần lơ luôn nếu không muốn trả lời. Lâu dần trẻ sẽ tách biệt khỏi xã hội, không biết cách bày tỏ mong muốn khi có nhu cầu giao tiếp và cũng không thể truyền tải thông tin một cách chính xác.
Chưa dừng lại ở đó, việc nói chuyện bằng tin nhắn, voice chat sẽ gây suy giảm kỹ năng xã hội như giao tiếp bằng mắt, ngôn ngữ cơ thể và kỹ năng lắng nghe, thường được phát triển thông qua các tương tác trực tiếp. Điều này, sẽ khiến trẻ sẽ đánh mất cơ hội hòa nhập với môi trường mới, trở nên tự ti và khép mình hơn.
Các nội dung trên điện thoại thường mang tính thụ động và không đòi hỏi sự tham gia tích cực từ người xem. Khi trẻ dành quá nhiều thời gian trên điện thoại, thời gian chơi tự do giảm đi. Điều này đồng nghĩa với việc trẻ sẽ không có cơ hội sử dụng trí tưởng tượng, để xây dựng câu chuyện, giải quyết các tình huống giả tưởng hay tạo ra những điều mới mẻ. Một đứa trẻ không có sự sáng tạo sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi trưởng thành.
Điện thoại mang đến lượng thông tin trực tiếp và nhanh chóng, nếu đã quen với việc xem các bài đăng giật tít, xem video ngắn, thì trẻ sẽ không thể tập trung vào việc tiếp thu kiến thức một cách chậm rãi trên lớp. Không hiểu bài, không theo kịp bài giảng sẽ khiến não lười vận động, suy nghĩ và phản xạ chậm chạp. Hãy can thiệp ngay! Đừng để bé nhà bạn trở thành một người ì ạch chẳng khác nào robot.
Việc trẻ em tiếp xúc với nội dung không phù hợp và gặp rủi ro an toàn mạng là một vấn đề ngày càng nghiêm trọng trong thời đại kỹ thuật số. Trẻ có thể vô tình hoặc cố ý tiếp cận nội dung khiêu dâm, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm lý và nhận thức về tình dục. Hoặc nếu con tiếp xúc với ngôn từ tục tĩu, thù địch hoặc phân biệt đối xử có thể làm tổn thương tinh thần và hình thành các hành vi tiêu cực.
Nguy hiểm hơn nữa, trẻ em dễ bị lừa bởi thông tin sai lệch, giả mạo hoặc các trò lừa đảo trực tuyến dẫn đến lộ thông tin cá nhân, tiền mất tật mang. Vì khả năng ngôn ngữ chưa hoàn thiện, các bé rất dễ trở thành nạn nhân của hành vi bắt nạt trực tuyến, đã có rất nhiều trường hợp đau lòng xảy ra chỉ vì xích mích trên mạng xã hội nên ba mẹ cần hết sức cẩn thận.
Hãy chung tay tạo nên môi trường lành mạnh, an toàn, tránh xa điện thoại di động thông qua các hoạt động thiết thực dưới đây:
-
Thiết lập quỹ thời gian sử dụng điện thoại hợp lý từ 1 đến 2 tiếng.
-
Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời như đi xe đạp.
-
Cùng nhau chơi trò chơi sáng tạo, ví dụ như lắp ghép mô hình, đất nặn, đồ chơi DIY…
-
Không ép con bỏ điện thoại, hãy lắng nghe tâm sự và nhu cầu của con.
Việc kết nối và gắn kết gia đình không chỉ giúp tạo ra một môi trường sống tích cực mà còn hỗ trợ mỗi thành viên phát triển một cách toàn diện. Sự gắn kết gia đình là nền tảng vững chắc cho sự phát triển cá nhân của trẻ và hạnh phúc của các thành viên trong gia đình.
Bài, ảnh: PV