Những phương pháp phòng chống ngộ độc, giải rượu dịp Tết

21/01/2023 - 16:43

Theo các chuyên gia, uống rượu bia ngày Tết hoặc bất kỳ thời điểm nào có thể gây tổn thương viêm loét dạ dày, xơ gan… Ngoài ra uống rượu bia còn ảnh hưởng đến rối loạn hành vi và nhận thức...


Uống rượu bia ngày Tết hoặc bất kỳ thời điểm nào có thể gây tổn thương viêm loét dạ dày, xơ gan. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Rượu bia chính là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương. Nhiều người quan niệm ngày Tết, gặp nhau mời uống một chút rượu để chúc sức khỏe là điều vui mừng. Tuy nhiên uống nhiều rượu bia, đặc biệt ép nhau uống rượu bia thì không phải là nét “văn hóa” và hoàn toàn không tốt cho sức khỏe.

Uống bao nhiêu rượu, bia thì đủ?

Tại các Trung tâm chống độc và cấp cứu của các bệnh viện vào thời điểm dịp Tết và mùa lễ hội ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc rượu, ngộ độc cồn công nghiệp methanol. Đáng lưu ý, có nhiều trường hợp đã tử vong do uống rượu không rõ nguồn gốc.

Tiến sỹ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay đơn vị này đã tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc methanol tới điều trị, đa phần các ca bệnh đều trong tình trạng nặng và nhiều trường hợp đã tử vong.

Theo các chuyên gia, uống rượu bia ngày Tết hoặc bất kỳ thời điểm nào có thể gây tổn thương viêm loét dạ dày, xơ gan… Ngoài ra uống rượu bia còn ảnh hưởng đến rối loạn hành vi và nhận thức gây ra các hành vi gây rối hoặc tai nạn giao thông. Do đó, uống rượu bia nói chung nên được hạn chế, không nên quá vui vẻ mà uống liên tục trong nhiều ngày.

Tiến sỹ Trương Hồng Sơn - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho hay trong trường hợp phải uống rượu bia thì tốt nhất không sử dụng quá 2 đơn vị cồn mỗi ngày với nam giới, 1 đơn vị cồn với nữ giới và không uống quá 5 ngày mỗi tuần.

Theo đó, 1 đơn vị cồn tương đương với khoảng 3⁄4 chai hay lon bia có dung tích 330ml (5%), 1 cốc bia hơi 330ml (Bia tùy loại có chứa 1-12% cồn, thường ở vào khoảng 5%. Các loại bia ít cồn (hay bia không cồn) thường độ cồn cũng ở mức 0.05 - 1.2%), 1 ly rượu vang 100ml (13,5%) hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml (40%).

Ngày Tết, nhiều người thường biếu nhau rượu ngâm. Theo thống kê của Bộ Y tế, nguyên nhân các vụ ngộ độc từ rượu trắng không rõ nguồn gốc, xuất xứ chiếm khoảng 42%; rượu ngâm cây “thuốc” chiếm khoảng 36%; rượu ngâm động vật và phủ tạng, như: Ong đất, tắc kè, mật động vật các loại khoảng 10%… Đây là một lời cảnh báo cho những người có sở thích uống rượu ngâm không rõ nguồn gốc.

Theo Tiến sỹ Sơn, trong y học cổ truyền, nhiều loại rễ, củ cây rừng có tác dụng chữa bệnh rất tốt khi được sử dụng bởi người có kiến thức chuyên môn và sử dụng đúng liều lượng, đúng cách. Tuy nhiên, nếu không biết thật rõ tác dụng của từng loại rễ cây, củ cây rừng hoặc thâm chí động vật người dân tuyệt đối không được dùng để ngâm rượu uống, hoặc chế biến làm thực phẩm. Vì nếu sử dụng không cách hoặc đúng liều lượng, có thể gây độc đối với thần kinh, tim mạch, hô hấp thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.

Trên thực tế, nhiều gia đình ngâm rượu bìm bịp còn nguyên con, nguyên lông, điều này rất nguy hiểm. Với các loại động vật ăn thịt sống như rắn chuột, nhái, ếch, thì trong lông và bụng con vật này đều chứa nhiều ký sinh trùng. Dùng những động vật này để ngâm rượu nguyên lông nguyên cánh sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm các vi khuẩn và kí sinh trùng vào cơ thể. Khi ngâm rượu, các nguyên liệu cần được chế biến kỹ càng, hợp vệ sinh, loại bỏ các bộ phận như nội tạng, lông với các con vật như bìm bịp, tắc kè cần nướng chin trước khi ngâm rượu. Làm sạch không chỉ giúp an toàn vệ sinh mà còn giúp rượu ngâm có mùi thơm dễ chịu, không bị tanh, rút ngắn thời gian ngâm để dược liệu có thể sử dụng nhanh hơn.

Cách nào giải rượu?

Tiến sỹ Nguyễn Trung Nguyên tư vấn, khi thấy người có biểu hiện nặng, nguy hiểm sau uống rượu cần được đưa đến bệnh viện cấp cứu khi có các dấu hiệu: Bất tỉnh, gọi hỏi không biết, co giật; tê, yếu chân tay một bên chân tay hoặc một bên mặt, nói ngọng trong khi đã tỉnh táo; thở khò khè, ứ đọng đờm rãi ở miệng họng, ho yếu; thở yếu, nhịp thở không đều, thở chậm hoặc ngừng thở; có thể hít sâu và nhịp thở nhanh; da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh; nhìn mờ, nhìn một vật thành hai; nôn nhiều, đau bụng, bụng chướng, mệt…

Theo các chuyên gia, trong các ngày Tết, lượng rượu, bia hấp thụ nhiều hơn bình thường khiến gan không kịp sản xuất đủ men để chuyển hóa cồn. Lúc này các độc chất được tạo ra từ rượu, bia sẽ bị ứ lại trong cơ thể, trực tiếp phá hủy tế bào gan và gây độc cho nhiều cơ quan nội tạng khiến cơ thể bị mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn… thậm chí có thể nhập viện do men gan cao, viêm gan cấp, suy gan…

Không chỉ dịp Tết, uống rượu, bia thời gian dài sẽ có thể dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, rối loại tiêu hóa do tổn thương gan và ruột đặc biệt gây thoái hóa gan, xơ gan dẫn tới ung thư gan.

Những phương pháp giúp giải rượu tại nhà bao gồm:

Uống nước lọc: Nước lọc giúp bù đắp lượng nước đã mất đồng thời phã loãng nồng độ cồn trong máu giúp đỡ say hơn. Không nên sử dụng những đồ uống có ga hoặc nước soda vì những đồ uống này sẽ làm hàm lượng carbon dioxide trong dạ dày và ruột non, làm tang nguy cơ ngộ độc cho cơ thể.

Nước gừng: Gừng có vị nóng làm cho các mạch máu lưu thông tốt hơn, từ đó hóa giải nhanh chất cồn trong cơ thể. Có thể cho thêm vào nước gừng nóng một thìa nhỏ mật ong để có thể hấp thụ nhanh và giúp giải say rượu.

Nước chanh, nước cam: Chanh và cam có chứa hàm lượng vitamin C cao giúp giảm cơn say và làm cơ thể tỉnh táo trở lại. Ngoài ra, khi say rượu thường kéo theo khát nước nên uống nước chanh, nước cam giúp giải cơn khát hiệu quả.

Bánh mì, ngũ cốc: Bánh mì chứa một lượng lớn carbon có tác dụng như một bộ lọc trong cơ thể giúp hấp thụ hết chất cồn, ngăn ngừa hiệu quả tình trạng say rượu. Thêm vào đó, bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt chứa rất nhiều vitamin B1 - giúp hạn chế triệu chứng nôn nao.

Cháo trắng: Cháo là một món ăn dễ chế biến, dễ ăn và dễ hấp thụ rất phù hợp với người bị say rượu. Thêm nữa, trong gạo cũng chứa carbon, có khả năng hấp thu cồn trong rượu./.

Để bảo đảm sức khỏe trong dịp Tết cổ truyền và các ngày lễ hội Xuân, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến nghị đối với người có uống rượu, bia:

    Cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống.

    Nên uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống, uống xen kẽ với nước lọc.

    Phải uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.

    Sau khi uống, không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương…

    Tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia.

Theo THÙY GIANG (Vietnam+)