Thủ đoạn mới của tội phạm người nước ngoài
Thời gian gần đây, gia đình chị Hoàng Thị Thu Tr. (SN 1983, trú tại Hà Nội) như có đám. Nằm mơ chị Tr. cũng không bao giờ nghĩ rằng mình lại trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo “khủng”. Chị làm đơn từ gửi khắp nơi, song hy vọng đòi lại được tiền thì cứ như bóng chim tăm cá...
Theo trình báo của chị Tr., khoảng đầu năm 2018, thông qua mối quan hệ xã hội, chị quen người đàn ông mang quốc tịch Hàn Quốc, tên Park Hye So. Ban đầu, giữa hai bên chỉ là những lần trò chuyện bình thường, chia sẻ những sở thích như nhiếp ảnh, phượt... Dần dà mối quan hệ thân thiết hơn, Park có bày tỏ sự quý mến với người bạn Việt Nam và rủ chị Tr. tham gia một dự án “khủng” bên Campuchia.
Chị Tr. gửi cho đối tượng cả triệu đô để đầu tư sang Campuchia, song đã bị chiếm đoạt.
Để chứng minh dự án này là thật, ông ta đưa ra rất nhiều giấy tờ có chữ ký, đóng dấu của các “quan chức” nước bạn. Park đề nghị chị góp 50% vốn (khoảng 1 triệu đôla Mỹ), sau thương vụ sẽ được hoa hồng 20%.
Ban đầu Tr. cũng không tin lắm nhưng sau một thời gian được ông ta đưa sang Campuchia thăm thú, gặp gỡ các “quan chức” nước bạn thì nhà đầu tư này cảm thấy có vẻ như là dự án thật. Và để tham gia thương vụ, chị Tr. đã chuyển trước 2 lần, tổng cộng hơn 10 ngàn USD để “đặt cọc”. Khá tinh vi, Park liên hệ với chị Tr., nhắn rằng tiếp theo sẽ có luật sư của Park trực tiếp làm việc để triển khai dự án. Điều này khiến chị Tr. càng tin tưởng hơn.
Quá trình làm việc với luật sư, chị Tr. được cung cấp một tài khoản để truy cập website của một ngân hàng quốc tế. Khi đăng nhập để kiểm tra tài khoản thì thấy có số dư là 4 triệu USD. Chị Tr. thử lập lệnh chuyển tiền về Việt Nam thì không được, luật sư giải thích lý do là những giao dịch dạng này đang bị Ngân hàng Thế giới chặn.
Tuy chưa chuyển khoản được, song chị Tr. vẫn rất tin tưởng vào thương vụ và tiếp tục chuyển thêm khoảng 16 tỷ đồng vào tài khoản của vị luật sư kia. Tổng cộng, chị Tr. đã ném vào dự án này tới gần 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó không thấy Park liên lạc nữa, cả vị luật sư cũng biến mất không thấy “sủi tăm”. “Tham gia thương vụ này, tôi bị người thân, gia đình trách mắng rất nhiều. Nhiều lúc tôi chỉ muốn tự sát vì thấy bế tắc, không hy vọng gì lấy lại được tiền” - chị Tr. tâm sự.
Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội cũng nhận được đơn trình báo của chị Trần Hồng M. (SN 1988, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) về việc chị bị một đối tượng nước ngoài lừa mất hơn 2 tỉ đồng. Quá trình đối tượng làm quen, dẫn dụ bị đơn từ Hà Nội sang tận Campuchia để đưa tiền cho hắn nghe thật khó tin.
Giấy chứng nhận tài khoản mà đối tượng gửi cho các nhà đầu tư để làm tin.
Chị M. quê gốc ở tỉnh Vĩnh Phúc. Gia đình chuyển vào một thành phố ở Tây Nguyên đã khá lâu, chỉ mình chị M. ở Hà Nội. Sau nhiều năm lăn lộn trên mảnh đất cà phê, gia đình có của ăn của để. M. vì thế mà tiền tiêu “không phải nghĩ”. Đầu năm 2019, M. làm quen với một người nước ngoài tên Mohammad Nazim qua mạng Internet. Sau một thời gian trò chuyện, Nazim “bật mí” rằng anh ta vốn dòng dõi hoàng thân ở Ai Cập. Đặc biệt, anh ta đang nắm giữ thừa kế gia sản của dòng hoàng tộc trị giá hàng tỉ USD.
Qua bạn bè và báo chí, anh ta biết đến Việt Nam, đã nhiều lần đi du lịch đến TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành miền Trung. Nazim thực sự rất có cảm tình với đất nước, con người Việt Nam và có ý muốn đầu tư một dự án lớn ở TP Nha Trang (số tiền Nazim sẽ đóng góp khoảng 5 triệu USD). Sau một thời gian trao đổi về việc triển khai “quỹ” này, chị M. nhận được đề nghị chuyển trước cho anh ta 20 ngàn USD để làm các thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, Nazim sẽ chỉ nhận tiền mặt.
Chẳng biết M. bị ăn “bùa mê thuốc lú” của vị “hoàng tử” chưa biết mặt như thế nào mà chị ta đã phải đi một quãng đường rất vòng vèo để dâng tiền cho gã. Ban đầu, chị M. đến một đại lý chuyên đổi ngoại tệ trên phố Hà Trung (quận Hoàn Kiếm) “gửi” 20 ngàn USD vào đây. Sau đó, M. bay sang Campuchia “rút” qua một đầu mối là đại diện của đại lý ngoại tệ này. Tiếp đó, M. cầm tiền và đưa trực tiếp cho một đối tượng tên là Solomon, dưới sự ủy thác của Nazim. Tổng cộng, chị M. đã 3 lần chuyển tiền cho Nazim với số tiền 94 ngàn USD (khoảng hơn 2 tỉ đồng).
Và sau khi đã hoàn tất các lần chuyển tiền mà dự án trên trời của “hoàng tử” Ai Cập vẫn chẳng thấy đâu, nhiều lần liên hệ với Nazim đều không được, chị M. đành đến Cơ quan công an trình báo.
Theo một điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự, việc điều tra những vụ lừa dự án trên gặp rất nhiều khó khăn. Bởi đối tượng thường không cư trú ở Việt Nam. Ngoài ra, những tài liệu chứng cứ của bị hại đều rất yếu, gần như không có hợp đồng ký kết gì mà chỉ toàn những giao dịch qua... chat!
Hậu quả của sự thiếu cảnh giác
Còn nhớ ít năm trước đối tượng Lê Minh Tiến (SN 1973, cựu Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế và phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam) cùng đồng bọn đã vẽ ra một dự án “trong mơ” để lừa các doanh nghiệp.
Tài liệu điều tra từ Cơ quan công an cho thấy, với chức danh bên Hội, Tiến nghe được thông tin về gói vay vốn Dự án Phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới và Xây dựng mô hình cấp nước sạch giai đoạn 2015-2017 từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP).
Dù không biết tính chính xác, chưa kiểm chứng thông tin trên và không có khả năng vay được vốn, Tiến vẫn cùng đồng bọn (là Nguyễn Thanh Tùng) sử dụng thông tin này để hứa hẹn giúp nhiều cá nhân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn tiền trên. Nhiều văn bản giả được các nghi can đưa ra để phục vụ mục đích lừa đảo.
Đối tượng Lê Mỹ Huyên.
Nhóm siêu lừa dự án gồm Lê Minh Tiến, Nguyễn Thanh Tùng.
Một trong những con “gà béo” của Tiến là chị Th. (giám đốc doanh nghiệp tại Hà Nội). Qua mối quan hệ xã hội, chị quen Tiến và nghe hắn “nổ” về nguồn tiền giá ưu đãi nên chị Th. đặt vấn đề với Tùng để vay vốn đầu tư bệnh viện tại Thái Nguyên. Khi gặp chị Th., Tùng tự giới thiệu là trợ lý điều phối viên UNDP, có mối quan hệ tốt với Ngân hàng Thế giới và có thể lo lót được việc vay vốn, đồng thời đưa chị Th. tới gặp “cấp trên” là Tiến.
Sau những lần gặp gỡ, cặp đôi Tiến - Tùng hứa sẽ tạo điều kiện cho chị Th. vay 3.000 tỷ đồng với lãi suất vô cùng ưu đãi (chỉ khoảng 3%/năm) thời hạn 20 năm với “phí dịch vụ” ban đầu là 3 tỷ đồng. Tiến và Tùng còn ra điều kiện, khi được giải ngân, phía công ty của chồng chị Th. phải trích thưởng 6% trong tổng số tiền kia (180 tỷ đồng) cho mình. Tin tưởng, vợ chồng chị Th. đã chuyển trước cho các bị can 3 tỷ đồng.
Cũng với thủ đoạn trên, Tiến và Tùng còn chiếm đoạt của nhiều bị hại khác với tổng số tiền lên tới 3,5 tỷ đồng. Chưa hết, đối tượng còn lừa đảo một nữ giám đốc khi kêu gọi góp vốn đầu tư dự án xây dựng nhà cửa cho cán bộ, công nhân viên của Hội Khoa học kinh tế và phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam.
Để nữ giám đốc tin tưởng, Tiến dẫn tới một khu đất trống tại khu đô thị Tây Hồ Tây rồi đề nghị hỗ trợ trước 5 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng. Sau khi chuyển tiền cho đối tượng một thời gian mà thấy không có động tĩnh gì, nữ giám đốc này nghi ngờ và kiểm tra thì phát hiện đó là dự án “ma”. Nhiều lần yêu cầu hoàn tiền, Tiến mới trả lại chị gần 4 tỷ đồng. Hai đối tượng đã bị cơ quan chức năng đề nghị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và sẽ bị đưa ra xét xử trong thời gian tới đây.
Một vụ lừa dự án “khủng” khác là vụ do đối tượng Lê Mỹ Huyên (SN 1979, trú ở xã Thạch Châu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) gây ra cũng khiến bị hại điêu đứng. Thủ đoạn của Huyên là đăng thông tin tìm đối tác làm ăn trên Báo Mua & Bán. Trước đó, do làm ăn thua lỗ và thua cờ bạc, lô đề nên Huyên nảy sinh ý đồ lừa đảo chiếm đoạt tài sản để trả nợ, ăn tiêu. Tình cờ đọc được thông tin này, ông Lê Tất Thắng (SN 1955, trú ở quận Đống Đa, Hà Nội) - Giám đốc Công ty TNHH Linh Trang đã liên hệ để gặp Huyên.
Biết ông Thắng có số vốn lớn, Huyên vẽ ra một dự án về xuất nhập khẩu, chuyên nhập hàng gỗ ván ép từ Trung Quốc về Việt Nam bán, mỗi đơn hàng gồm 2 container với số tiền là hơn 1,7 tỷ đồng. Trong các cuộc nhậu, Huyên vẽ vời rằng mỗi đơn hàng như vậy bán tại Việt Nam sẽ thu lời được cả trăm triệu đồng. Kèm theo đó, đối tượng còn cho ông Thắng biết có một doanh nghiệp là “đầu ra” với lượng tiêu thụ trung bình 3 đơn hàng/tháng và luôn cần có 2 đơn hàng “gối đầu”.
Tin lời Huyên, ông Thắng chấp nhận đề nghị của Huyên là đối tượng lo nguồn hàng và “đầu ra”. Trong khi đó, ông Thắng chịu trách nhiệm về tiền vốn đầu tư. Tiền lãi kiếm được, hai bên “cưa” đôi. Sau đó, Giám đốc Công ty Linh Trang ra quyết định bổ nhiệm Huyên làm Trưởng Phòng kinh doanh.
Để tạo lòng tin với ông Thắng, thời gian đầu hợp tác làm ăn, Huyên tỏ ra là người đàng hoàng, nghiêm túc khi cố gắng tạo ra sự buôn bán suôn sẻ như thỏa thuận. Nhưng về sau, đối tượng làm giả một bộ hợp đồng kinh tế cùng 5 đơn hàng gỗ ván ép của một doanh nghiệp và đề nghị ông Thắng xuất vốn.
Sau khi nhận được hơn 11 tỷ đồng của ông Thắng, bộ mặt của kẻ lừa đảo đã hiện rõ. Gã lập tức dùng số tiền này để trả nợ tiền thua bạc và ăn tiêu cá nhân hết. Khi bị chủ doanh nghiệp truy hỏi về 5 đơn hàng gỗ ván ép, Huyên liền bỏ trốn cho đến ngày 18-9-2017 thì bị bắt giữ. Trong phiên tòa xét xử phúc thẩm vào tháng 7 vừa qua, Huyên bị tuyên án 21 năm tù giam về các hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức”.
Những vụ việc trên cho thấy, đối tượng lừa đảo đã dùng thủ đoạn tinh vi để qua mặt những người có nhu cầu góp vốn làm ăn. Cũng bởi sự mất cảnh giác, không kiểm chứng thông tin trước khi hợp tác nên nhiều người tự biến mình thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo một cách dễ dàng, cơ hội khắc phục hậu quả là rất khó khăn. Đây là bài học không hề mới nhưng vẫn phải đưa ra để tiếp tục làm lời cảnh tỉnh.
Theo MINH TIẾN (Công An Nhân Dân)