Những tấm lòng cao đẹp

08/09/2022 - 06:51

 - Hơn 20 năm qua, Tổ từ thiện ấp Mỹ An 2 (Chi hội Chữ thập đỏ ấp Mỹ An 2, xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang), do chú Nguyễn Phước Hoàng làm tổ trưởng, cùng với thành viên đã tích cực thực hiện công tác xã hội - từ thiện trong và ngoài địa phương. Từ việc cất nhà, đồ nội thất cho đến hỗ trợ đột xuất cho người bệnh, hỗ trợ gạo… mang lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc, xuất phát từ tấm lòng nhân ái của các thành viên trong tổ.

Nhiều hoạt động ý nghĩa

Ở xã Mỹ Hòa Hưng, hỏi chú Sáu Hoàng (tên thân mật người dân gọi chú Nguyễn Phước Hoàng), hầu như ai cũng biết. Bởi trong nhiều năm qua, chú Sáu Hoàng cùng các thành viên tổ từ thiện hoạt động rất tích cực, hỗ trợ nhiều người dân gặp khó khăn trong và ngoài địa phương.

Chú Sáu Hoàng cho biết, tổ từ thiện được thành lập từ rất lâu, đến năm 1999 tổ hoạt động bài bản hơn. Từ năm 2008 đến nay, tổ từ thiện đã xây dựng được cơ sở khang trang, đầy đủ máy móc, trang thiết bị. Một trong những hoạt động nổi bật của tổ từ thiện là hỗ trợ khung nhà cho người nghèo (10-12 khung nhà/tháng), mỗi căn có kích thức 4x8m. Dù sử dụng cây tạp, nhưng nếu bảo quản kỹ, căn nhà có thể sử dụng trên 10 năm.

Nghĩa cử cao đẹp của tổ từ thiện đáng được biểu dương

Ngoài hỗ trợ khung nhà, gia đình có hoàn cảnh quá khó khăn, tổ từ thiện sẽ kiêm luôn việc xây dựng; hỗ trợ vật dụng trong nhà, như: Bàn, ghế, tủ, giường… Ngoài ra, tổ từ thiện còn hỗ trợ đóng hòm từ thiện cho gia đình khó khăn gặp hữu sự, không đủ chi phí mai táng; xây dựng sẵn hộc mộ tại nghĩa địa nhân dân trong xã để trợ giúp người dân. Gia đình nào mong muốn người thân an nghỉ tại đây đều được chấp thuận, hỗ trợ an táng miễn phí…

Đặc biệt, chú Sáu Hoàng vẫn duy trì hoạt động “Bồ lúa tình thương”, do cha mình (ông Nguyễn Văn Thương) khởi xướng. Chú Sáu Hoàng chia sẻ: “Trước đây, sau mỗi mùa gặt, người dân địa phương góp lúa lại, đựng trong những chiếc bồ và bán lúa từ từ, số tiền bán lúa sẽ được dùng để làm từ thiện. Ngày nay, nông dân bán lúa tươi, không góp lúa mà góp gạo hoặc tiền mặt. Định kỳ mỗi tháng, bà con ủng hộ từ 100.000-500.000 đồng, có hộ ủng hộ tổ từ thiện cả triệu đồng. Nhờ vậy, chúng tôi có điều kiện giúp đỡ thường xuyên cho 50 hộ dân gặp khó khăn trong xã, mỗi hộ nhận được 10kg gạo/tháng”.

Nhờ uy tín từng cá nhân và những việc làm ý nghĩa của tổ từ thiện, mỗi khi vận động kinh phí, người dân địa phương tích cực ủng hộ. Không những giúp đỡ người dân trong xã, tổ từ thiện còn giúp đỡ mảnh đời khó khăn ở các địa phương khác, như: TP. Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An… Qua đó, góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp của người dân xã Mỹ Hòa Hưng nói riêng, tỉnh An Giang nói chung trong cộng đồng.

Ngôi nhà của những lão nông

Tổ từ thiện ấp Mỹ An 2 hiện nay có vài chục thành viên, trong đó hơn 10 thành viên tham gia các hoạt động thường xuyên. Họ đều đam mê công tác xã hội - từ thiện, sẵn sàng bỏ thời gian, công sức làm việc mà không đòi hỏi trả công. Mỗi người trong đội có nghề nghiệp, cuộc sống khác nhau nhưng ở họ có chung một tấm lòng đó là, làm việc thiện giúp đời, hết lòng vì người nghèo.

Một trong những thành viên khiến chúng tôi ấn tượng nhất là chú Ngô Hồng Khanh, tham gia tổ từ thiện được gần 10 năm. Dù bị liệt nửa người trong một cơn bạo bệnh, nhưng chú Khanh vẫn tham gia với tổ từ thiện. Chú Khanh chia sẻ: “Những lúc rảnh rỗi, tôi đến đây để giúp đỡ mọi người. Hạnh phúc của những người được giúp đỡ là động lực để chúng tôi tiếp tục phấn đấu thực hiện các công việc thiện nguyện”.

Giống như chú Khanh, chú Nguyễn Hồng Quang (77 tuổi) cũng rất vui khi được tham gia tổ từ thiện. “Chúng tôi đóng góp một phần nhỏ công sức trong xây dựng quê hương. Đây không chỉ là trách nhiệm, mà còn là bổn phận của mỗi người dân. Chúng tôi cố gắng làm trong khả năng của mình, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống” - chú Quang chia sẻ.

Niềm vui của những mảnh đời khó khăn được hỗ trợ cũng là niềm vui của Tổ từ thiện ấp Mỹ An 2. Vui là vì họ làm được việc ý nghĩa, mang lại lợi ích thiết thực, giúp cho người nghèo có được mái ấm, cuộc sống ổn định, yên tâm lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

ĐỨC TOÀN