Những tấm lòng thiện nguyện

29/04/2020 - 04:46

 - Trong những ngày khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, tinh thần tương thân tương ái, nhường cơm sẻ áo đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Những phần quà, cách giúp đỡ dù lớn hay nhỏ đều xuất phát từ tấm lòng đồng cảm và yêu thương, hy vọng tất cả mọi người cùng vượt qua giai đoạn này.

Nhiều nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ người nghèo trong mùa dịch bệnh

Tại TP. Long Xuyên (An Giang), không gian yên ắng của các dãy nhà trọ khiến chúng tôi liên tưởng đến giai đoạn khó khăn từng xảy ra với ngành chế biến thủy sản trước đây, quá nửa số người chỉ nằm ở phòng chờ việc.

Buổi tối, để “giết” thời gian, mọi người quây quần bên bàn trà hàn huyên chuyện thời sự xen lẫn việc làm, tình hình cuộc sống ở quê. Số phòng ở khiêm tốn nên chủ trọ nắm hết hoàn cảnh từng người, giá thuê cũng rất bình dân, từ 300.000-500.000 đồng/phòng/tháng.

Ấy vậy nhưng trong tình cảnh việc làm bấp bênh, chi phí này cộng với những sinh hoạt khác cũng là nỗi lo của công nhân lao động. Thấu hiểu nỗi niềm của người thuê trọ, nhiều chủ nhà đã san sẻ gánh lo với họ bằng việc giảm giá thuê. Theo thống kê, đã có 10 nhà trọ giảm từ 20-50% tiền phòng.

Anh Nguyễn Văn Toàn (công nhân ngành thủy sản) cho biết, mùa dịch bệnh, tiền kiếm được ít hơn nhưng vẫn phải lo các chi phí, chưa kể còn gửi về gia đình… Khi hay tin chủ trọ giảm giá thuê đến 50%, anh rất xúc động. Con số được giảm bớt đối với nhiều người sẽ chẳng đáng là bao, nhưng với anh Toàn có giá trị tương đương 1 tuần đi chợ. Ở huyện Châu Phú, có 4 nhà trọ đồng lòng giảm 50% giá thuê phòng (300.000-600.000 đồng) cho 90 công nhân.

Tại huyện Châu Thành (An Giang), nhà trọ của bà Nguyễn Thị Nga có 50 công nhân được giảm 100.000 đồng/tháng, còn nhà trọ Tú Nga chi tiền mua 500kg gạo, 30 thùng mì để giúp đỡ cho 80 công nhân.

Chủ nhà trọ Võ Văn Hiệp giãi bày: “Thực tế, nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ còn lớn hơn, cưu mang cả trăm người nghèo. Mang tiếng kinh doanh nhà trọ, chứ nhiều hộ có vài phòng thuê thôi, lấy tiền thuê làm thu nhập chính, lúc này bớt một phần “chén cơm” cho anh em đỡ khổ thì cũng nên làm”.

Rất nhiều doanh nghiệp đã và đang gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, nhưng so với người dân bị mất việc, giảm thu nhập do dịch bệnh phải lo ăn từng bữa vẫn cần lắm sự giúp đỡ.

Nghĩ vậy, ông Trần Thế Mẫn (Giám đốc TNHH MTV Thế Mẫn, xã Phú Thọ, Phú Tân) đã trích 10 triệu đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của huyện. Ông còn chỉ đạo công ty sắp xếp các biện pháp phòng, chống dịch bệnh an toàn, ngày nào công nhân không làm việc thì tập hợp họ lại để may khẩu trang tặng các đại lý thuốc bảo vệ thực vật ở vùng sâu. Gia đình ông quyết định hỗ trợ 3 tấn gạo, trong đó 2 tấn tặng cho hộ nghèo xã Phú Thọ và Phú An, 1 tấn gạo giúp đỡ chính những công nhân làm việc của công ty.

Đóng xưởng tại cụm công nghiệp Tân Trung, Công ty TNHH MTV JIC Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) muốn góp một phần với chính quyền địa phương. Ông HideYuki Oka (giám đốc công ty) cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tình hình sản xuất của công ty trong tháng 4 và 5 gặp nhiều khó khăn, một lượng hàng lớn không xuất đi được.

Dù vậy, khi nghe UBMTTQVN huyện kêu gọi, công ty đã ủng hộ 40 triệu đồng để chung tay với chính quyền địa phương vì thấy đây là việc làm hết sức cần thiết. Từ hiệu ứng máy “ATM gạo” ở các tỉnh, thành phố, anh Huỳnh Trọng Tín (doanh nhân tại TP. Hồ Chí Minh) cũng ngỏ ý muốn thực hiện cách làm tương tự ở huyện Phú Tân.

Đến nay, huyện cù lao đã có 3 máy “ATM gạo” để giúp đỡ “dài hơi” cho người nghèo, tiếp tục huy động nhiều tấm lòng “góp gạo” theo khả năng đến khi hết dịch bệnh. Trong đó, 2 máy đặt tại thị trấn Phú Mỹ do UBND thị trấn và Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo vận động, 1 máy đặt tại xã Phú Thành do Danh trà Hữu Nghĩa tài trợ.

Nhận gạo buổi đầu tiên, bà Võ Thị Hoài không ngớt lời cảm ơn: “Tôi đã 69 tuổi, hồi trước phụ việc trong Trạm Y tế, sau sức khỏe không đảm bảo nên nghỉ ở nhà. Bà con trong những ngày này không đi đâu làm ăn được nên có chỗ phát gạo miễn phí thấy rất vui, có thể yên tâm cho những ngày tới, biết ơn nhà tài trợ nhiều lắm”.

Sự giúp đỡ, san sẻ lẫn nhau trong lúc này được người người, nhà nhà thực hiện, dang tay cưu mang những người khó khăn hơn. Giá trị lớn hay nhỏ không quý trọng bằng tấm lòng và mục đích của người cho đi, thể hiện một trong những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam!.

MỸ HẠNH