Những việc cần làm của Thể thao Việt Nam năm 2024

06/01/2024 - 14:16

Thành tích thi đấu của vận động viên (VĐV) Việt Nam tại đấu trường khu vực đã được khẳng định trong năm 2023. Tuy nhiên, bước ra đấu trường châu lục như ASIAD 19, Đoàn Thể thao Việt Nam chỉ xếp hạng 21/45 quốc gia, vùng lãnh thổ... Trong đó, thành tích của các VĐV Việt Nam vẫn còn những khoảng cách nhất định với thành tích của châu lục và thế giới.

Xạ thủ trẻ Phạm Quang Huy giành HCV ASIAD 19. (Ảnh: BTC)

Đây cũng là điều đã được dự đoán, bởi lực lượng VĐV có thể tiệm cận được thành tích ở cấp độ châu lục và thế giới của Việt Nam đang còn rất mỏng, chưa có nhiều VĐV kế cận đủ trình độ có thể thay thế.

Theo Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt, năm 2024 có một nhiệm vụ rất quan trọng là chuẩn bị lực lượng VĐV của 12 môn thể thao trọng điểm tham dự Olympic 2024. “Mỗi môn thể thao và cá nhân VĐV đều đã được xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm hướng tới mục tiêu giành vé tham dự. Mục tiêu chúng ta đặt ra là giành từ 12 - 15 suất tham dự. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang đối mặt với một số khó khăn như: chấn thương nhẹ ở vai của VĐV Huy Hoàng; các VĐV đua thuyền của chúng ta mặc dù rất mạnh về thuyền nhẹ và thuyền đơn nhưng cũng sẽ đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ các đối thủ châu lục. Điền kinh đặt hy vọng ở nội dung 4x400m nhưng Nguyễn Thị Huyền giải nghệ, các VĐV điền kinh trẻ thành tích vẫn còn hạn chế. Ở môn boxing, niềm hy vọng là Nguyễn Thị Tâm cũng đang gặp chấn thương.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số môn có lợi thế như: đấu kiếm còn 3 giải, thể dục định hướng cho một số VĐV đi tập huấn châu Âu, đại diện của cử tạ là Trịnh Văn Vinh đang nằm trong tốp 10 hay ở môn cầu lông, tay vợt Nguyễn Thùy Linh đang đứng ở vị trí thứ 15 Olympic và tiếp tục nỗ lực cải thiện lên thứ hạng 12 để được xếp hạng hạt giống để tiến sâu hơn”.

Tại Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030, các chuyên gia cũng đã có nhiều đánh giá liên quan tới chiến lược phát triển Thể thao Việt Nam đến năm 2030. Quay ngược dòng thời gian, chúng ta cũng từng có những chiến lược giúp cho Thể thao Việt Nam đi từ tình trạng chật vật để có huy chương ở đấu trường SEA Games và giờ chúng ta đã trở thành quốc gia đứng đầu khu vực. Tuy nhiên, để đạt thành tích HCV Asian Games và huy chương Thế vận hội Olympic lại là một câu chuyện còn rất nhiều khó khăn với nhiều vấn đề cần giải quyết.

“Ngành Thể dục thể thao cũng định hướng làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong mục tiêu phát triển các CLB thể thao ở các môn thể thao trọng điểm, để chúng ta có cơ hội tìm các nguồn VĐV từ sớm và có quỹ thời gian để đào tạo các VĐV phát triển.

Chính sách của ngành cũng phải thực hiện rất nhiều việc, trong đó thay đổi chế độ cho các VĐV và đặc biệt là các nguồn quỹ đầu tư giúp cho các VĐV khởi nghiệp sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu. Có như vậy mới thu hút được nhân tài đến với ngành thể thao” - Cục trưởng Đặng Việt Hà cho biết.

Hiện tại, hệ thống tuyển chọn các môn thể thao trọng điểm ở địa phương rất hạn chế. Lấy ví dụ như đội cầu mây, chúng ta có 3 tuyến, mỗi tuyến chỉ có khoảng 100 VĐV nam và nữ. Còn đối với Malaysia, Indonesia hay Thái Lan, mỗi tuyến của họ có tới vài chục nghìn VĐV. Với môn thể dục cũng là môn trọng điểm để hướng tới thành tích nhưng trên cả nước, mỗi tuyến chỉ có 50 VĐV. Môn bắn súng là môn yêu cầu rất cao về tâm lí, chúng ta có hàng chục VĐV có khả năng giành HCV nhưng trong thi đấu thì xác suất chỉ khoảng 10%.

Về vấn đề khoa học huấn luyện, ngoài chuyên môn còn có vấn đề về thể lực, dinh dưỡng, tâm lí, cần có các chuyên gia sẵn sàng hỗ trợ VĐV trong quá trình tập luyện và thi đấu.

Cơ sở vật chất hiện tại bảo đảm cho việc tập luyện đạt thành tích tại SEA Games 32. Tuy nhiên, trang thiết bị hiện đại như huấn luyện độ cao hay trang thiết bị chuyên biệt cho các môn thể thao trọng điểm thì chưa có.

Quá trình huấn luyện là quá trình liên quan đến nâng cao lượng vận động và sẽ phá vỡ các ngưỡng thích nghi của VĐV. Các quá trình đó rất cần các Trung tâm hồi phục giúp VĐV hồi phục và hồi phục vượt ngưỡng thì mới đạt được thành tích. Nếu không, nguy cơ chấn thương hay huấn luyện quá sức sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của các VĐV.

Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng đã yêu cầu Cục TDTT cần những giải pháp mang tính đột phá trọng điểm. Cục TDTT phải triển khai hệ thống lựa chọn các môn thể thao trọng điểm, tập trung đầu tư, tìm kiếm HLV, chuyên gia giỏi và đặc biệt là lựa chọn địa điểm tập luyện phù hợp. Ngoài ra, tập trung vào công tác y học, khoa học hồi phục để hỗ trợ cho công tác huấn luyện.

Theo Báo Pháp Luật