Những vướng mắc trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt 'bão COVID-19'

15/08/2021 - 20:36

Thực tế cho thấy để người sử dụng lao động đáp ứng được các điều kiện theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng, từ đó tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ, cần sớm tháo gỡ một số vướng mắc.

Phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông, Hà Nội) tổ chức chi trả tiền hỗ trợ theo NQ 68/NQ-CP cho 100 trường hợp được phê duyệt. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông, Hà Nội) tổ chức chi trả tiền hỗ trợ theo NQ 68/NQ-CP cho 100 trường hợp được phê duyệt. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Gói 26.000 tỷ đồng mà Chính phủ hỗ trợ, giúp người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg được triển khai thực hiện từ hơn một tháng nay. Các doanh nghiệp và người lao động đang rất quan tâm, trông đợi các chính sách hỗ trợ này.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy để người sử dụng lao động đáp ứng được các điều kiện theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ đó tiếp cận được nguồn vốn nói trên, cần sớm tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc.

Những vướng mắc trong triển khai

Dịch COVID-19 khiến cho xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam chậm lại trong năm 2020, nhưng đã phục hồi nhanh từ những tháng cuối năm 2020 và bứt phá mạnh trong nửa đầu năm 2021. Tính đến giữa năm 2021, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 19,18 tỷ USD, tăng 21% so với cùng thời điểm của năm trước. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp từ làn sóng thứ 4 của đại dịch đang ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và mặt hàng dệt may nói riêng.

Theo nhận định của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trường hợp dịch bệnh tiếp tục kéo dài, mục tiêu đạt 39 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 là rất khó.

Đánh giá về những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với ngành dệt may, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Phạm Nguyên Hạnh cho biết nhiều công ty thuộc Tập đoàn vẫn hoàn thành kế hoạch sản xuất, thậm chí hoàn thành vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, do thiếu hụt đơn hàng, nhiều người lao động thuộc tập đoàn đã phải ngừng việc, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất trước mắt và kế hoạch phát triển dài hạn của tập đoàn nói riêng và của ngành dệt may nói chung.

Việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan ban hành, chỉ đạo, tổ chức triển khai hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động với các chính sách của Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg là rất kịp thời.

Tuy nhiên, theo bà Phạm Nguyên Hạnh, khi triển khai, tập đoàn đã gặp phải những vướng mắc đối với vấn đề hoàn thiện hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp trong chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Tập đoàn kiến nghị tăng mức hỗ trợ người lao động ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động.

Không chỉ các doanh nghiệp ngành dệt may, các doanh nghiệp ở những lĩnh vực khác như du lịch, dịch vụ lưu trú, vận tải, hàng không… cũng rất quan tâm tới nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ. Sự bùng phát lần thứ tư của đại dịch COVID-19 khiến hàng trăm nghìn doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề đang phải tạm dừng sản xuất, đóng cửa và 1,8 triệu người lao động trên phạm vi cả nước rơi vào tình trạng không có việc làm. Song, việc tiếp cận gói 26.000 tỷ đồng mà Chính phủ triển khai thực hiện cho thấy, đang có những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.

Phản ánh vừa qua của nhiều đơn vị kinh doanh vận tải hành khách công cộng cho thấy dù đã gửi hồ sơ để vay vốn trả lương cho người lao động nhưng các doanh nghiệp này vẫn chưa được duyệt vì liên quan tới xác nhận thủ tục về thuế.

Để tiếp cận nguồn vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, các doanh nghiệp phải đảm bảo đủ các điều kiện theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Cụ thể, doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết 31/3/2022; người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; doanh nghiệp không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn và có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh...

Theo ông Bùi Công Hoan - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thịnh Phát, Phó Chủ tịch Hiệp hội tàu du lịch Hạ Long (Quảng Ninh), có khoảng 30 doanh nghiệp đã được Ngân hàng Chính sách xã hội mời lên trao đổi, hướng dẫn thủ tục nhưng khi xét đến các tiêu chí thì chỉ có 1/3 đơn vị đủ điều kiện tiếp cận. Hơn nữa, các doanh nghiệp này đến nay vẫn còn vướng thủ tục xác nhận báo cáo quyết toán thu nhập doanh nghiệp năm 2020.

Ông Bùi Công Hoan cũng cho biết thêm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã hai năm nay gần như không có nguồn thu, bên cạnh đó còn phải chi trả nhiều chi phí khác để duy trì, bảo quản cơ sở vật chất. Đây là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp này không đủ tiềm lực tài chính để trả lãi ngân hàng, lương cho người lao động và đã ngừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động, thậm chí chuyển từ nhóm khách hàng tiềm năng sang nhóm nợ xấu với các ngân hàng thì việc vay vốn từ gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng là không thể.

Mặt khác, cũng có những doanh nghiệp đủ điều kiện vay nhưng nguồn vay dự kiến chỉ khoảng 30 đến 50 triệu đồng cho 3 tháng nên các doanh nghiệp cũng chùn bước.

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn

Trước những vướng mắc của Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Hiệp hội dệt may Việt Nam trong triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, mới đây, tại cuộc làm việc với các đơn vị này và những cơ quan liên quan, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết đây cũng là một trong nhiều vướng mắc mà các các sở, ngành địa phương đang gặp phải. Vì vậy, bên cạnh việc giải đáp vướng mắc đối với từng đơn vị, Bộ sẽ xây dựng Bộ hỏi-đáp về việc triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ, nhằm thống nhất cách thức áp dụng chính sách trên toàn quốc.

Đối với đề xuất tăng mức hỗ trợ người lao động ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, ông Lê Văn Thanh ghi nhận và khẳng định Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, khảo sát tình hình thực tiễn tại các địa phương để đề xuất mức hỗ trợ phù hợp hơn, đảm bảo đời sống cho người dân.

Đối với chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp của Bộ sẽ làm việc trực tiếp với tập đoàn và các cơ sở đào tạo nghề để tổng hợp nhu cầu đào tạo, bố trí phương thức đào tạo cho phù hợp; đồng thời giải đáp vướng mắc, hỗ trợ tập đoàn hoàn thiện hồ sơ đề nghị dựa trên bộ hồ sơ mẫu.

Liên quan tới việc quyết toán thuế năm 2020 để doanh nghiệp được hỗ trợ, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết đây là yêu cầu bắt buộc của ngân hàng khi cho vay. Hiện nay, tất cả các tỉnh, địa phương đang thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ không thấy vướng vấn đề này.

Ông Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương “nếu vướng, chúng ta có thể bỏ thủ tục này, cứ gửi về Ngân hàng Chính sách xã hội, sau đó Ngân hàng sẽ áp cùng chính sách với thuế để chuyển thủ tục. Như thế sẽ giúp doanh nghiệp đơn giản được thủ tục."

Hướng dẫn viên du lịch ở Nghệ An làm thủ tục nhận hỗ trợ. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng khẳng định Bộ đang đôn đốc triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp, luôn lắng nghe, chia sẻ, đồng hành và tháo gỡ những khó khăn cùng doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Trước vấn đề sống còn của các doanh nghiệp là duy trì chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sản xuất hàng hóa, đảm bảo, duy trì cung ứng lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã kiến nghị với Chính phủ rà soát lại toàn bộ các chính sách hiện tại, đề xuất các chính sách mới có tính chất căn cơ, chính sách trước mắt và lâu dài để phục hồi sản xuất, phục hồi doanh nghiệp phát triển, trong đó coi trọng chính sách tài khóa-là chính sách hàng đầu các quốc gia đang thực hiện.

Đánh giá về kết quả đạt được sau một tháng triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết số lượng hồ sơ, thủ tục đề nghị hỗ trợ cũng như thời gian xử lý được cắt giảm tối đa nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động và người sử dụng lao động có thể tiếp cận chính sách một cách nhanh chóng.

Tính đến thời điểm hiện tại, 12 nhóm chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đã triển khai, thực hiện, hỗ trợ cho tổng cộng trên 13 triệu người với khoảng 6.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, việc triển khai trên thực tế đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Trong số đó, có nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, gặp nhiều trở ngại trong việc làm thủ tục hồ sơ, người dân gặp khó khăn trong việc đi lại để làm thủ tục. Người lao động và người sử dụng lao động chưa thực sự hiểu sâu, hiểu cặn kẽ về các chính sách này. Do vậy, nhiều người lao động và người sử dụng lao động chưa chủ động hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ gửi tới các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.

Người thực thi chính sách ở địa phương cũng chưa thực sự hiểu đầy đủ về các quy định của chính sách, dẫn đến việc xử lý chưa được linh hoạt. Đáng chú ý, một số chính sách hỗ trợ hiện cũng gặp khó khăn trong công tác triển khai như chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ. Nguyên nhân do chính sách này là tập trung người lao động lại để đào tạo, nhưng nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội cho nên tạm thời chưa tổ chức triển khai…

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có công văn hỏa tốc gửi Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành về việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.

Các dịch vụ hỗ trợ người dân được tích hợp gồm: hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất...

Theo HẠNH QUỲNH (TTXVN/Vietnam+)