Để đạt được giải thưởng là điều không dễ, bởi quy trình đánh giá được xem xét bởi 1 cơ quan kiểm định quốc gia và 2 cơ quan kiểm định quốc tế. Ủy ban về đơn vị đột quỵ sẽ ra quyết định cuối cùng. Đơn vị đột quỵ Bệnh viện Tim mạch An Giang thành lập năm 2018, trực thuộc Khoa Cấp cứu. Đây là bệnh viện chuyên khoa tim mạch duy nhất của vùng ĐBSCL có đơn vị đột quỵ, với 11 bác sĩ và 19 điều dưỡng. Đây là năm thứ 4 liên tiếp đơn vị tham gia quản lý chất lượng bằng Res-Q, đạt 3 giải Vàng (Gold) trong năm 2021. Đây là quý thứ 2 liên tiếp bệnh viện đạt chất lượng Bạch kim.
Điều trị bệnh nhận tại Phòng săn sóc đặc biệt
ThS.BS Bùi Hữu Minh Trí, Giám đốc Bệnh viện Tim mạch An Giang cho biết: “Được sự giúp đỡ của Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Y tế, sở, ban, ngành tỉnh và sự hỗ trợ chuyên môn tích cực của các chuyên gia đầu ngành tuyến trên, thời gian qua, bệnh viện nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị thiết bị y tế hiện đại và triển khai kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực tim mạch. Từ tháng 10/2018, bệnh viện bắt đầu điều trị tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch cho bệnh nhân bị đột quỵ cấp, nhằm đảm bảo bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não cấp được điều trị khẩn cấp, cứu sống và hạn chế tối đa di chứng cho người bệnh.
Trung bình hàng năm, khoảng 800 bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu thông qua quy trình Báo động đỏ đột quỵ tại bệnh viện. Đây là quy trình được Ban Giám đốc, Hội đồng Khoa học - kỹ thuật bệnh viện, giúp bệnh nhân được thăm khám, xét nghiệm, chụp cắt lớp vi tính não và dùng thuốc tiêu sợi huyết sớm nhất có thể”.
Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang sớm tiếp nhận điều trị bệnh nhân đột quỵ từ năm 2018, do Khoa Nội thần kinh phụ trách. Đơn vị đang từng bước hoàn thiện kỹ thuật điều trị đột quỵ cấp, với 8 bác sĩ và 24 điều dưỡng. Đây là quý đầu tiên bệnh viện tham gia quản lý chất lượng bằng Res-Q, ngay lập tức đạt giải Bạch kim. Đơn vị đột quỵ Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh An Giang thành lập năm 2019, trực thuộc Khoa Hồi sức Cấp cứu (hiện nay là Khoa Can thiệp tim mạch - Đột quỵ).
Tuy được phân tuyến hạng 2, nhưng bệnh viện vẫn triển khai đầy đủ kỹ thuật điều trị đột quỵ cấp (như tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, lấy huyết khối bằng dụng cụ), với 11 bác sĩ và 20 điều dưỡng, kỹ thuật viên. Đây là quý thứ 2 liên tiếp bệnh viện tham gia quản lý chất lượng bằng Res-Q, đạt giải Bạch kim. “Chúng tôi phấn đấu sẽ đạt giải Kim cương vào năm 2024” - BS Hà Minh Đức, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh cho biết.
TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế khẳng định: “Đây là vinh dự, nỗ lực của ngành y tế An Giang và các bệnh viện. Việc xây dựng tiêu chuẩn quốc tế về điều trị đột quỵ giúp các bệnh viện chuẩn hóa quy trình điều trị, cấp cứu kịp thời và điều trị hiệu quả nhất, giúp bệnh nhân đột quỵ sớm phục hồi sức khỏe, sớm tái hòa nhập xã hội. Dự kiến, tới đây tỉnh có thêm 2 bệnh viện đạt chuẩn Vàng điều trị đột quỵ, là Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tân Châu và Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc”.
An Giang có 5 bệnh viện điều trị đột quỵ (4 bệnh viện công và 1 bệnh viện tư), dù là tỉnh duy nhất không nằm trong nhóm thành phố trực thuộc Trung ương. Tỉnh sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới điều trị đột quỵ. Năm 2024, dự kiến có thêm đơn vị triển khai (Trung tâm Y tế huyện Thoại Sơn và Trung tâm Y tế huyện Phú Tân), nâng số lượng bệnh viện điều trị đột quỵ ngày càng cao.
WSO Angels Awards là giải thưởng Hội Đột quỵ thế giới dành cho đơn vị và trung tâm điều trị đột quỵ có hoạt động chăm sóc đột quỵ xuất sắc trên phạm vi toàn cầu. Để được nhận giải thưởng này, cần đạt các tiêu chí về hệ thống cấp cứu, nhân lực, trang thiết bị, tiêu chuẩn vàng trong điều trị nhồi máu não, tái thông mạch máu, được chẩn đoán và điều trị, can thiệp kịp thời...
Chứng nhận do Hội Đột quỵ thế giới trao cho hệ thống cấp cứu, điều trị đột quỵ não đạt chuẩn không có hiệu lực vĩnh viễn. Tổ chức này sẽ đánh giá chất lượng theo từng quý. Nếu vượt qua hàng loạt tiêu chí khắt khe mới được “tái cấp” giải thưởng.
|
HẠNH CHÂU