Như tên gọi, lúa mùa nổi chỉ xuất hiện trong mùa nước nổi hàng năm, tên tiếng Anh là Floating Rice - Lúa vượt lên mặt nước. Đây là giống lúa có cơ chế sinh học vô cùng độc đáo, giàu dinh dưỡng, sống “thuận thiên”. Trong quá trình canh tác, nông dân còn có thể khai thác cá đồng, rau thủy canh. Trồng lúa mùa nổi cho thu nhập cao hơn lúa thường, vì không tốn công chăm sóc, chi phí phân bón, thuốc trừ sâu. Khi phù sa tràn vào, đất phèn bị lắng xuống, phù sa và nước ngọt là chất bồi dưỡng cho cây lúa mọc tốt. Sau thu hoạch, lượng phù sa tích tụ trong quá trình đất ruộng ngập nước giúp đất bổ sung dinh dưỡng cho các loại cây trồng sau, đặc biệt là kiệu, khoai mì.
Từ những năm 1980 - 1990, giống lúa này được người dân trồng nhiều để có thêm thu nhập trong thời gian nước tràn đồng. Sau này, khi hầu hết địa phương xây dựng hệ thống đê bao ngăn lũ, nông dân chọn giống lúa cao sản canh tác trong vụ 3, nên diện tích lúa mùa nổi ngày càng hạn chế. Đây cũng là lý do khiến chất lượng, năng suất lúa mùa nổi giảm theo thời gian, nguồn gen bị thoái hóa.
Bảo tồn trên 200 dạng lúa mùa nổi khác nhau
10 năm gắn bó với cây lúa mùa nổi, ThS Lê Thanh Phong cùng Viện Biến đổi khí hậu đang bảo tồn hơn 300 dòng lúa mùa nổi vùng châu thổ. Đơn cử như: Nàng Pha, Nàng Tây Đùm, Tàu Binh, Chệch Cụt, Nàng Chồi, Nàng Chi, Bông Sen, Hương Lài.... và lúa mùa của một số nước. Lần đầu tiên tiếp cận với loại lúa đặc biệt này từ năm 2013, anh được nông dân xã Vĩnh Phước giới thiệu, cung cấp nhiều giống lúa, như: Bông Sen, Nàng Tây Đùm, Chệch Cụt… Năm 2014, qua khảo sát một vài địa phương khác, anh phát hiện thêm nhiều giống lúa mùa nổi khác. Qua đó, anh thu nhập trên 200 dạng lúa mùa nổi.
Nhận thấy tín hiệu tích cực của thị trường cây lúa mùa nổi, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bắt tay vào sản xuất để cung ứng cho thị trường. Tuy nhiên, chưa có đơn vị nào thật sự thành công trong việc đưa giống lúa này tiếp cận rộng rãi đến người tiêu dùng. Nguyên nhân do gạo lúa mùa màu nâu đỏ nhìn rất đẹp, nhưng khi nấu cơm thì cơm khô cứng, khó nhai. Khoảng năm 2019, anh Phong nghiên cứu, cho lai 2 loại giống lúa mùa nổi đặc trưng của Việt Nam (Hương Lài và Nàng Tây Đùm). Kết quả thành công, cho ra giống lúa mới mang tính chất đặc trưng của cả 2 loại là mềm, thơm. “Sau 5 vụ trồng thí điểm, giống lúa lai tạo đáp ứng được nhu cầu thị trường, có khả năng nhân rộng trong thời gian tới để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân” - ThS Phong chia sẻ.
ThS Lê Thanh Phong hơn 10 năm nghiên cứu, sưu tầm giống lúa mùa nổi vùng ĐBSCL
Theo quan điểm của Viện Biến đổi khí hậu, phải “hồi sinh” và nhân rộng diện tích lúa mùa nổi để tạo không gian chứa lũ. Trong bối cảnh bao đê dày đặc hiện nay, những cánh đồng hàng chục năm không được xả lũ sẽ ngộ độc đất, khiến lúa thất mùa. Chính vì thế, việc trồng lúa mùa nổi trong thời gian đồng xả lũ sẽ góp phần xả phèn. Đây là một trong những giải pháp sản xuất “thuận thiên”, thích ứng với biến đổi khí hậu. “Làm sao kết hợp cây lúa mùa nổi với các giống lúa cao sản hiện đại trên cùng một diện tích, giúp ĐBSCL giải quyết vấn đề trữ lũ, bảo vệ tài nguyên môi trường, phục hồi các loại cá đặc trưng trong mùa nước nổi. Đặc biệt, giúp người dân có thêm thu nhập trong mùa nước nổi, có cái Tết vui tươi, đầm ấm” - anh Phong trăn trở.
Việc bảo tồn, “hồi sinh” hệ sinh thái lúa mùa nổi còn được xem là giải pháp nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường. Đồng thời, tạo sinh kế ổn định cho người dân mỗi mùa nước nổi. Vì thế, rất kỳ vọng dự án và tâm huyết của ThS Lê Thanh Phong nói riêng, Viện Biến đổi khí hậu nói chung sẽ sớm thành công.
ĐỨC TOÀN