Chúng tôi được thưởng thức phần biểu diễn của nghệ sĩ Lưu Ðức Anh lần gần đây nhất vào những ngày cuối tháng 3 trong chương trình hòa nhạc Evolution Vol.2 - "Hành trình âm nhạc qua bốn thời kỳ". Trong không gian của Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom, Hà Nội, nơi diễn ra triển lãm số "Lặng yên rực rỡ" với 50 tác phẩm của hai đại danh họa thế giới là Clốt Mô-nê (Claude Monet) và Pi-e Bôn-nác (Pierre Bonnard), Lưu Ðức Anh cùng những đồng nghiệp trẻ đã đưa người xem đi qua bốn không gian của bốn thời kỳ âm nhạc khác nhau: tiền cổ điển, cổ điển, lãng mạn, hiện đại. Những phong cách âm nhạc riêng biệt được thể hiện trên nền tranh số làm nên sự gặp gỡ ấn tượng giữa âm nhạc và hội họa, mang đến trải nghiệm mới lạ cho người xem. Ðảm nhận vai trò trưởng ban tổ chức chương trình, nghệ sĩ Lưu Ðức Anh chia sẻ đây là mô hình hòa nhạc đặc biệt mà anh đã muốn thực hiện từ lâu. Sự kết hợp giữa biểu diễn âm nhạc và triển lãm, sắp đặt giúp khán giả như được bước vào một bảo tàng âm nhạc sống. Thay vì phải ngồi liên tục suốt vài tiếng để nghe nhạc như thường thấy, khán giả được di chuyển qua các không gian tách biệt cùng âm nhạc, từ đó được làm mới lại tâm lý nghe và suy ngẫm, so sánh về từng thời kỳ âm nhạc khác nhau. Theo một cách nào đó, mô hình này vừa tạo hiệu ứng biểu diễn, vừa có ý nghĩa giáo dục khi có thể mang đến những cảm nhận toàn diện hơn về các khía cạnh của âm nhạc cổ điển...
Nghệ sĩ Lưu Đức Anh biểu diễn tại chương trình hòa nhạc Evolution Vol.2 - Hành trình âm nhạc qua bốn thời kỳ.
Tốt nghiệp thủ khoa bậc đại học và cao học chuyên ngành biểu diễn pi-a-nô tại Nhạc viện Hoàng gia Li-e-gơ (Bỉ), tiếp đó là khóa nâng cao tại Học viện âm nhạc Man-mô (Thụy Ðiển), cộng thêm việc sở hữu những giải thưởng quốc tế uy tín từ nhiều lần biểu diễn ở những sân khấu lớn tại Bỉ, Pháp, Hà Lan, Thụy Sĩ, Thụy Ðiển, Ba Lan, I-ta-li-a, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản..., Lưu Ðức Anh có đầy đủ khả năng để có thể phát triển bản thân ở những kinh đô âm nhạc lớn trên thế giới. Ðiều bất ngờ là nghệ sĩ trẻ sinh năm 1993 này đã quyết định về nước khởi nghiệp. Trên hành trình này, Lưu Ðức Anh tìm được nhiều tài năng âm nhạc cùng chung chí hướng.
Cuối năm 2017, bốn người bạn bao gồm: Dương Vũ Minh, nhạc trưởng Nguyễn Phú Sơn, hai nghệ sĩ pi-a-nô Lưu Ðức Anh và Nguyễn Ðức Anh đã thành lập tổ chức âm nhạc Maestoso để tạo cầu nối chung giữa các nghệ sĩ Việt Nam ở trong và ngoài nước nhằm gìn giữ và giới thiệu những giá trị của âm nhạc cổ điển đến với khán giả Việt Nam. Cả bốn thành viên sáng lập đều đã có thời gian học tập tại nước ngoài và cùng chung khát vọng có thể mang những tinh hoa của âm nhạc thế giới đóng góp cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam nói chung và môi trường âm nhạc cổ điển trong nước nói riêng. Thời gian đầu, họ gặp khá nhiều khó khăn vì nhân lực còn hạn chế, vừa phải lo biểu diễn, vừa phải tổ chức, sắp xếp sân khấu, kết nối khán giả... Tuy nhiên, sự quan tâm và hưởng ứng tích cực từ công chúng đã thôi thúc họ không ngừng nỗ lực. Với tiêu chí đưa âm nhạc cổ điển tới công chúng một cách gần gũi nhất mà vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên bản của thể loại, Maestoso đã ghi dấu ấn với nhiều buổi diễn chất lượng ở Nhà hát Lớn Hà Nội, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cùng chuỗi chương trình biểu diễn ở một số nhà thờ tại Hà Nội. Các nghệ sĩ kỳ vọng những hoạt động với hình thức này sẽ giúp công chúng, nhất là những người trẻ dần hình thành thói quen nghe nhạc cổ điển, từ đó từng bước nâng tầm văn hóa thưởng thức âm nhạc cổ điển trong nước.
Lưu Ðức Anh chia sẻ, để tạo ra môi trường cho âm nhạc cổ điển, không chỉ biểu diễn hay tổ chức biểu diễn mà còn cần đào tạo và giảng dạy. Cũng vì lẽ đó mà năm 2018, ngay sau khi về nước, Lưu Ðức Anh quyết định "đầu quân" cho Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, trở thành một trong những giảng viên trẻ tuổi nhất. Năm 2019, anh mạnh dạn thành lập Trường âm nhạc Inspirito để hiện thực hóa mong muốn được ươm mầm những tài năng âm nhạc cổ điển cho đất nước. Ý tưởng của anh nhanh chóng được nhiều nghệ sĩ trẻ hưởng ứng, cùng tham gia vào đội ngũ giảng dạy và tổ chức, biểu diễn âm nhạc. Ðó là nghệ sĩ xen-lô Phan Ðỗ Phúc, tốt nghiệp xuất sắc chương trình đào tạo tiến sĩ chuyên ngành xen-lô với nhiều giải thưởng danh giá ở Mỹ; nghệ sĩ pi-a-nô Hoàng Hồ Thu, tốt nghiệp thạc sĩ loại xuất sắc tại Học viện Âm nhạc Lít-dơ Phê-ren (Hung-ga-ri); nghệ sĩ Nguyễn Quỳnh Trang, tốt nghiệp chuyên ngành pi-a-nô và sư phạm âm nhạc Nhạc viện Các-ru-he (Ðức); nhạc trưởng Nguyễn Phú Sơn, tốt nghiệp chuyên ngành Chỉ huy dàn nhạc tại Nhạc viện Man-hem (Ðức)... Họ đã đi thật xa nhưng là để trở về góp sức và cống hiến cho sự phát triển của âm nhạc cổ điển quê hương.
Những năm gần đây, sự gia tăng của những buổi biểu diễn âm nhạc hàn lâm, sự xuất hiện của những tài năng nhí, sự quan tâm đầu tư hơn của các bậc cha mẹ đối với việc học nhạc của con em mình... chính là những tín hiệu tích cực về sự chuyển mình của âm nhạc cổ điển trong nước. Ðiều này càng thôi thúc, củng cố thêm niềm tin cho những nghệ sĩ trẻ đang bền bỉ trên hành trình đưa âm nhạc cổ điển Việt Nam từng bước khẳng định vị thế trong dòng chảy âm nhạc thế giới.
Theo TRANG ANH (Báo Nhân Dân)