Nỗ lực giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số Khmer

18/04/2019 - 07:45

 - Là huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer sinh sống, Tịnh Biên đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đến nay, công tác này đang cho thấy hiệu quả tích cực, góp phần đổi thay bộ mặt phum, sóc và cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS Khmer tại địa phương.

Xác định chương trình giảm nghèo là nền tảng để đưa địa phương phát triển bền vững, UBND huyện Tịnh Biên đã thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2018. Trên cơ sở đó, địa phương đã tận dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, nhằm thực hiện các chương trình giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống người dân. Giai đoạn 2012-2018, Tịnh Biên đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư hơn 281 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở hạ tầng đối với các xã đặc biệt khó khăn, hỗ trợ 20 dự án và phát triển 15 mô hình giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện để hộ nghèo mua con giống, đất ở, chuyển đổi ngành nghề, vay vốn tín dụng ưu đãi… Huyện Tịnh Biên tăng cường mở rộng các hình thức hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn vốn viện trợ quốc tế trên 2 tỷ đồng để hỗ trợ và đào tạo nghề, tạo sinh kế cho người dân địa phương.

Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vươn lên thoát nghèo

Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Nguyễn Thành Huân cho biết: “Xác định con người là nhân tố quyết định trong chính sách giảm nghèo, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, để họ tự vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, chúng tôi thực hiện các biện pháp hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo. Qua đó, địa phương đã đạt được kết quả rất tích cực trong việc kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, nhất là trong đồng bào DTTS Khmer”.

Giai đoạn 2016-2018, huyện Tịnh Biên đã phát huy hiệu quả tích cực của công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS Khmer. Đến năm 2018, tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện còn khoảng 1.800 hộ (chiếm tỷ lệ 5,91%), giảm hơn 3.500 hộ so năm 2016. Đây là kết quả tích cực, phản ánh nỗ lực của UBND huyện Tịnh Biên trong việc quan tâm, nâng cao đời sống của người dân địa phương, nhất là đồng bào DTTS Khmer. Từ đó góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh tại địa phương.

Để chính sách giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS Khmer tiếp tục đạt được hiệu quả tích cực, cần có thêm những chính sách đầu tư căn bản, toàn diện hơn. Ông Huân kiến nghị: “Thực tế, công tác giảm nghèo tại địa phương đã có những kết quả bền vững, tuy nhiên cũng cần xác định rõ vấn đề “cần câu - con cá”. Muốn giúp đồng bào DTTS giảm nghèo bền vững phải giúp bà con biết cách tự tạo việc làm để có nguồn thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống. Đồng thời, việc đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn cũng là điều kiện quan trọng để nâng chất đời sống người dân. Do đó, chúng tôi đề xuất các cấp, ngành cần giảm dần các chính sách hỗ trợ theo hướng trợ cấp, tăng các biện pháp hỗ trợ gián tiếp để khơi dậy tính chủ động, có trách nhiệm và sự vươn lên của người nghèo”.

Cần tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số Khmer có việc làm ổn định

 Ông Nguyễn Thành Huân cũng cho rằng, việc triển khai chính sách hỗ trợ giảm nghèo cần xuất phát từ đặc điểm, nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng. Ngoài ra, cần có cơ chế chính sách, trao quyền cho cơ sở thực hiện các dự án, chính sách tại xã, thị trấn để đảm bảo các dự án, chính sách này phát huy tác dụng nhanh chóng, bám sát điều kiện đặc thù của địa phương.

Với nỗ lực thực hiện công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS Khmer, huyện Tịnh Biên đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng chăm lo, cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, để công tác này tiếp tục phát huy tác dụng, rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đồng thời, cần bố trí nguồn vốn cho công tác giảm nghèo kịp thời, giúp các địa phương có điều kiện triển khai thực hiện hiệu quả nhất.

THANH TIẾN