Nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài

10/03/2023 - 08:05

Những năm gần đây, Thừa Thiên Huế đã vươn lên trở thành một trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với nhiều dự án hàng tỷ USD và bắt đầu có sự chuyển dịch theo hướng ưu tiên phát triển công nghệ, lợi thế sẵn có của Thừa Thiên Huế.

Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Laguna tại Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô (Thừa Thiên Huế).

Thừa Thiên Huế đang trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới trong nhiều lĩnh vực với những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh ở trong nước và trên trường quốc tế.

Đồng hành doanh nghiệp FDI

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay tỉnh có 117 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.347,34 triệu USD. Ngay trong năm 2021, năm khó khăn nhất trong công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài, tỉnh cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án nước ngoài với tổng vốn đầu tư 231,9 triệu USD (tương đương 5.323,4 tỷ đồng), đã phần nào chứng minh những đổi mới trong hoạt động xúc tiến đầu tư. Tiêu biểu là các dự án như: Trung tâm thương mại AEON MALL Huế của Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam với tổng vốn đầu tư 169,67 triệu USD (tương đương 3.916 tỷ đồng); Dự án nhà máy sản xuất trang phục lót và hàng thể thao của Công ty SCAVI Huế với tổng vốn đăng ký 25 triệu USD (tương đương 575 tỷ đồng); Dự án nhà máy may JA Việt Nam (Hongkong-Trung Quốc) với tổng vốn đầu tư 34,5 triệu USD (tương đương 773,3 tỷ đồng)…

Trước những khó khăn của dịch bệnh, doanh nghiệp FDI vẫn có những bước tăng trưởng mạnh. Nhiều doanh nghiệp còn mở rộng quy mô sản xuất, tận dụng lợi thế nguồn lao động địa phương tạo bứt phá trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời góp phần bảo đảm an sinh trước khó khăn của dịch bệnh. Khu vực FDI đến cuối năm 2022 đã đạt doanh thu hơn 1.450 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ 2021; nộp ngân sách ước đạt 145 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ và chiếm hơn 27% trong tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Một trong những điểm sáng của khu vực này là Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam khi chiếm 68,4% trong tổng thu ngân sách của khu vực các doanh nghiệp FDI.

Ngoài đóng góp vào ngân sách, các doanh nghiệp FDI còn giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động địa phương, góp phần nâng cao đời sống người dân. Tính đến cuối năm 2022, số lao động hoạt động trong khu vực này là hơn 25.000 người, trong đó, các doanh nghiệp dệt may giải quyết nhiều lao động với mức lương bình quân cao hơn so với trong khu vực nhà nước hoặc khu vực ngoài nhà nước. Khu vực FDI cũng gián tiếp tạo việc làm cho nhiều lao động trong các ngành công nghiệp phụ trợ hay các doanh nghiệp khác nằm trong chuỗi cung ứng hàng hóa. Tiêu biểu như dự án Nhà máy may của Công ty TNHH Hanesbrands (Hoa Kỳ) giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động; dự án Khu du lịch Laguna Lăng Cô của Tập đoàn Bayantree (Singapore) giải quyết việc làm cho 1.100 lao động...

Khu vực FDI còn góp phần nâng cao trình độ công nghệ và là kênh quan trọng giúp Thừa Thiên Huế nói riêng và Việt Nam nói chung ngày càng hội nhập sâu rộng hơn cả về kinh tế-xã hội với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới với những ngành mũi nhọn như: Điện tử, công nghiệp, phần mềm…

Một trong những thành công lớn nhất trong công tác xúc tiến đầu tư chính là Thừa Thiên Huế đang xây dựng được môi trường kinh doanh theo hướng thân thiện, tiết giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp bằng việc nâng cao các chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh như PCI, PAPI, PAR Index. Đồng thời, việc triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ngành và địa phương cấp huyện theo hướng mở, lắng nghe ý kiến của DN để hoàn thiện dần các hoạt động hỗ trợ theo hướng thực chất, tháo gỡ khó khăn cho từng dự án đang được Thừa Thiên Huế triển khai. Năm 2022, Thừa Thiên Huế nằm trong số 10 tỉnh, thành phố có điểm Chỉ số PCI hàng đầu Việt Nam; tỉnh đứng đầu toàn quốc về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI; đứng thứ tư cả nước về Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index); giữ ngôi vị thứ hai về chỉ số chuyển đổi số (DTI).

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quốc Sơn cho biết, các nhà đầu tư FDI là các nhân tố tích cực nhất trong việc xúc tiến đầu tư FDI. Vì thế, tỉnh luôn tập trung hỗ trợ, "chăm sóc" các dự án FDI đã vào đầu tư tại tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp này phát triển, và phối hợp, liên kết với cộng đồng các doanh nghiệp của tỉnh; đưa quỹ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh vào hoạt động hiệu quả; tiếp tục kêu gọi vốn cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đẩy mạnh mở rộng thị trường kêu gọi đầu tư khi ngoài những thị trường truyền thống có tiềm năng như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hongkong (Trung Quốc), những năm gần đây, Thừa Thiên Huế xúc tiến đầu tư vào thị trường Hoa Kỳ, châu Âu và các doanh nghiệp đến từ các quốc gia có thể hưởng lợi từ việc Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Nhờ đó, ngày càng có nhiều nhà đầu tư lớn đến Huế tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư.

Vào tháng 10/2022, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư các hãng tàu container cảng Chân Mây. Trong xu thế phát triển vận tải hàng hóa nội địa và quốc tế hiện nay đang chuyển hướng từ vận chuyển các mặt hàng rời sang vận chuyển hàng hóa đóng container do phương thức này có nhiều ưu điểm (giảm chi phí, hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật, năng suất lao động tăng...). Việc phát triển cảng Chân Mây, nhất là thu hút các hãng tàu container làm hàng tại cảng Chân Mây là điều kiện tiên quyết để phát triển công nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế, cũng như khu vực miền trung. Tại diễn đàn này, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao chủ trương nghiên cứu đầu tư 7 dự án và trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án tiêu biểu.

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, trong năm 2022, tỉnh đã tổ chức gặp gỡ, làm việc với nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước như: Hội nghị "Gặp gỡ Thừa Thiên Huế xanh: xác định tương lai tăng trưởng kinh tế xanh" với các lĩnh vực kêu gọi đầu tư trọng điểm gồm: du lịch, nông nghiệp, môi trường và năng lượng, thu hút hơn 180 doanh nghiệp quốc tế tham gia; Hội nghị "Gặp gỡ Hàn Quốc - Khu vực miền Trung và Tây Nguyên"...

Quyết liệt tháo gỡ khó khăn

Theo ông Phan Quốc Sơn, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng và cạnh tranh như hiện nay, Thừa Thiên Huế chủ động nắm bắt xu thế để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhằm tiếp tục tạo môi trường hấp dẫn, thu hút nhiều nhà đầu tư. Công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp tiềm năng, thế mạnh, quy hoạch phát triển địa phương. Tỉnh cũng đã thống nhất danh mục dự án, giao các sở chuyên ngành lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư để công bố danh mục thu hút đầu tư 2021-2025 của tỉnh.

Với lợi thế là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền trung, có sân bay quốc tế Phú Bài, cảng nước sâu Chân Mây, khu di sản văn hóa thế giới..., Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng và cơ hội về thu hút đầu tư. Song song với đó, tỉnh đang tập trung phối hợp các bộ, ngành trung ương đôn đốc đẩy nhanh tiến độ và đưa vào vận hành các dự án trọng điểm quốc gia, như: Đường bộ cao tốc Cam Lộ - La Sơn, mở rộng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài... nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

Hiện nay, cùng với việc thực hiện việc công khai các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, danh mục lĩnh vực thu hút đầu tư, dự án ưu tiên đầu tư..., Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh và cơ hội đầu tư đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn. Thừa Thiên Huế cũng đang hướng đến xây dựng hệ thống đối tác kết nối đầu tư thông qua các đối tác của các doanh nghiệp, nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng; các đại diện xúc tiến đầu tư của tỉnh tại các thị trường trọng điểm như: Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương, lãnh đạo tỉnh tiếp tục quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; thay đổi tư duy, tác phong phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức nhằm tạo môi trường đầu tư minh bạch, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp phát triển và tiếp tục thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến với Thừa Thiên Huế. Ông Nguyễn Văn Phương khẳng định: "Tỉnh sẽ luôn đồng hành, ủng hộ các doanh nghiệp, nhà đầu tư và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; thúc đẩy đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước và hội nhập quốc tế".

Với điều kiện cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, sự quan tâm ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương, với chính sách thu hút của tỉnh, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, sẽ có nhiều doanh nghiệp trong nước, cũng như nước ngoài đến đầu tư kinh doanh tại tỉnh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, sớm đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị.

Theo Nhân Dân