Nỗ lực ứng phó với nắng nóng và cháy rừng tại châu Âu và Bắc Mỹ

18/08/2023 - 13:54

Ngày 17/8, Chính phủ Pháp đã triệu tập cuộc họp khẩn để thảo luận về biện pháp ứng phó với đợt nắng nóng nghiêm trọng, trong bối cảnh nhiệt độ được dự báo có thể vượt ngưỡng 40 độ C vào cuối tuần này và tiếp diễn đến đầu tuần sau.

Trực thăng phun nước dập lửa cháy rừng tại Bois-de-Champ, miền đông nước Pháp, ngày 13/6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc họp có sự tham gia của các quan chức cấp cao thuộc Văn phòng Thủ tướng Elisabeth Borne, cũng như của các bộ nội vụ, y tế, nông nghiệp và giao thông của Pháp. 

Trong thông báo, Văn phòng Thủ tướng Borne nêu rõ ngày 18/8, chính phủ sẽ triển khai đường dây nóng chuyên cung cấp thông tin về đợt nắng nóng và bắt đầu phổ biến nội dung liên quan trên sóng truyền hình và phát thanh. Tổng cộng 19 trong số 96 cơ quan trong nước, trong đó có 12 cơ quan chủ yếu ở miền Đông và Nam nước Pháp, đã và sẽ ban bố cảnh báo về những cơn bão mùa hè và nắng nóng khắc nghiệt trong ngày 18/8. 

Theo Cơ quan Khí tượng Pháp (Meteo-France), nhiệt độ ở các vùng Languedoc và Provence ở miền Nam có thể tăng lên mức 41 độ C vào cuối tuần này. Meteo-France dự báo hiện tượng "vòm nhiệt" sẽ hình thành trong một vài ngày tới và nắng nóng sẽ lan rộng sang khu vực miền Trung và Bắc nước Pháp, với nhiệt độ tại thủ đô Paris được dự báo lên tới 35 độ C. 

Các nhà khoa học cảnh báo đợt sóng nhiệt này có thể phá vỡ kỷ lục ghi nhận tại Pháp vào năm 2012. 

Cơ quan y tế công cộng SPF cho biết nắng nóng đã làm tăng số ca tử vong tại vùng Provence-Alpes-Cote d'Azur, miền Đông Nam nước Pháp. Trong khi đó, cháy rừng đã bùng phát tại khu vực Saint-Andre, thuộc tỉnh Pyrenees-Orientales ở miền Nam nước Pháp trong ngày 14/8, buộc trên 3.000 người phải sơ tán khẩn cấp.

* Tại Tây Ban Nha, lực lượng cứu hỏa vẫn đang nỗ lực kiểm soát trận cháy rừng nghiêm trọng đã kéo dài 2 ngày trên hòn đảo nghỉ dưỡng Tenerife. 

Hỏa hoạn bùng phát vào đêm 15/8, nhanh chóng lan rộng tại khu vực rừng núi bên các hẻm núi cao ở vùng phía Đông Bắc của đảo Tenerife, thuộc quần đảo Canary. Đến nay, "giặc lửa" đã thiêu rụi hơn 3.200 ha đất.

Chính quyền khu vực đã sơ tán khoảng 3.000 cư dân và khuyến cáo 4.000 người khác không ra ngoài để tránh hít phải khí độc. Đường lên núi lửa Mount Teide, đỉnh cao nhất của Tây Ban Nha và là điểm thu hút khách du lịch hàng đầu, cũng tạm thời bị phong tỏa do ảnh hưởng của đám cháy. 

Khoảng 400 lính cứu hỏa và 17 máy bay trực thăng và cứu hỏa chuyên dụng đã được triển khai nhằm khống chế đám cháy. Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền quần đảo Canary, ông Fernando Clavijo cho biết, điều kiện thời tiết khó khăn và nhiệt độ cao đang cản trở công tác dập lửa. Ông Clavijo nhấn mạnh đây có thể là trận cháy rừng có diễn biến phức tạp nhất tại quần đảo này trong khoảng 40 năm qua.  

* Truyền thông Canada cùng ngày đưa tin Thủ tướng Justin Trudeau đã triệu tập cuộc họp khẩn nhằm thảo luận biện pháp đối phó với các trận cháy rừng lan rộng tại Vùng lãnh thổ Tây Bắc (Northwest Territories) nước này. 

Khói lửa bốc lên từ đám cháy rừng ở British Columbia, Canada, ngày 9/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Công tác sơ tán đang được triển khai trên trên diện rộng, kể cả tại thành phố Yellowknife - thủ phủ Vùng lãnh thổ Tây Bắc - và dự kiến được hoàn tất trước trưa 18/8. Chính phủ đã triển khai thêm các nhóm Lực lượng Vũ trang Canada tại Yellowknife nhằm hỗ trợ công tác ứng phó với thảm họa.  

Canada cũng đang trải qua mùa cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử, với hơn 1.000 đám cháy đang hoành hành, trong đó hơn khoảng 236 đám cháy tập trung ở Vùng lãnh thổ Tây Bắc. 

Theo nghiên cứu do Tổ chức hợp tác quốc tế chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu World Weather Attribution (WWA) công bố tháng trước, các đợt sóng nhiệt nghiêm trọng mà châu Âu và Bắc Mỹ đối mặt thời gian vừa qua gần như không thể xảy ra nếu không có tác động của biến đổi khí hậu.

Theo TTXVN