Nối dài nét đẹp của Tết truyền thống

04/02/2025 - 07:49

 - Cuộc sống hiện đại, Tết giản lược vài nghi lễ không còn phù hợp, lãng phí… Còn lại, ai ai cũng giữ nguyên phong vị riêng có, giá trị tốt đẹp từ xưa để gắn kết và giáo dục cho các thế hệ, làm nên bức tranh văn hóa đặc sắc, sống động.

Ngày Tết thì đâu đâu cũng phải đẹp, mà du Xuân về các vùng quê sẽ thấy nhiều điều đặc biệt hơn. Người dân trang trí nhà cửa, lối xóm bằng rau và hoa “nhà trồng”, vừa là thú vui, vừa có khu vườn an toàn, chất lượng để đón khách. Một số gia đình tự hào khoe thành quả chăm sóc hoa vào mỗi dịp năm mới, từ mai vàng, bông trang, vạn thọ, cúc tây… cho đến các loại kiểng, bonsai… tạo nét Xuân trước hiên nhà đầy sung túc, ấn tượng. Người đi đường dễ dàng bắt gặp những “lão mai” rực rỡ, hàng rào bông trang, bông thọ tươi thắm, ghé xin chụp vài tấm hình đều được gia chủ vui vẻ đồng ý.

“Ở quê bây giờ đủ đầy, muốn mua gì cũng có. Riêng hoa để trang trí vẫn có nhà thích tự tay trồng. Hoa nở càng sai, màu rực rỡ thì chủ nhà càng vui, cũng là điểm nhấn để người qua lại nhìn ngắm. Gia đình tôi chăm chút vài cặp vạn thọ để có sắc vàng, còn lại tập trung cho dàn bông trang lâu năm, canh đúng Tết chăm dưỡng nhiều hơn. Ai cũng khen “Thấy hoa nở đỏ rực mắc ham”! Ngoài các loại bông Tết, ở quê bà con rất thích bông trang, thân cành dễ tạo thế, tạo dáng… nổi bật không thua kém loại hoa kiểng nào” - ông Phạm Hữu Lộc (huyện Phú Tân) chia sẻ.

Áo dài truyền thống được nhiều phụ nữ lựa chọn để du Xuân

Với nhiều gia đình ở nông thôn, Tết không chỉ là dịp nghỉ ngơi, mà còn là dịp quây quần bên gia đình, gắn bó tình thân. Nhờ không khí náo nhiệt con cháu tề tựu về ăn uống, vui chơi mà thấy ngôi nhà vui rộn ràng hơn hẳn. Một năm ai cũng trông chờ bấy nhiêu đó! Bà Nguyễn Thị Út Xinh (huyện Phú Tân) cho rằng, với những người sinh ra và lớn lên ở vùng quê, Tết như một sợi dây kết nối để dù là ai, đi xa nơi nào cũng sẽ thúc giục trở về.

“Hồi xưa, mỗi năm Tết đến, vui thì có vui, nhưng cũng rất mệt vì đủ thứ lo toan. Giờ sống theo hiện đại, cái gì cần tối giản mình cứ tối giản, thủ tục rườm rà lãng phí không cần thiết, miễn sao trong ấm ngoài êm… Các con thường khuyên nhủ như vậy và người lớn rất đồng tình, không còn cứng nhắc. Thấy cả dòng họ về sum vầy bên nhau, sớm cũng được, muộn vài ngày cũng không sao, ai nấy đều vui vẻ, ấy mới là vui Tết thật sự” - bà Út Xinh bày tỏ.

Nhiều bạn trẻ ngày nay có ý thức giữ gìn văn hóa Tết cổ truyền rất đáng hoan nghênh. Họ thích Tết truyền thống, quảng bá cái đẹp trong từng nét sinh hoạt đời thường lên mạng xã hội. Họ tận dụng tiện nghi của thời hiện đại, lan tỏa nét đẹp của dân tộc một cách trân trọng và tinh tế. Đơn cử như trào lưu “xé túi mù”. Thay vì truy tìm những con búp bê đắt đỏ, xả ra môi trường vô số rác thải nhựa, các bạn biến hóa thành túi mù tự chế bằng giấy, chơi trò lì xì một cách thú vị, bên trong có tờ tiền tượng trưng cho lời chúc tốt lành, kèm theo viên kẹo, không câu nệ giá trị lớn hay nhỏ…

Vui Tết hiện đại, xuống phố, đến khu du lịch, hay chùa, đình, đền thờ, quảng trường, trung tâm vui chơi… ai cũng thấy sự hiện hữu của áo dài truyền thống đang chiếm ưu thế rất rõ. Người du Xuân không thể thiếu thú vui “check-in”, “sống ảo”… Thế nhưng, trào lưu này đã được cộng đồng thực hiện theo phong cách văn minh, không có sự cách tân quá đà, phản cảm, mà nhẹ nhàng và lịch thiệp trong từng khoảnh khắc. Có thể thấy, các thế hệ ngày nay hòa nhập nhưng không hòa tan, cùng gìn giữ Tết cổ truyền của người Việt qua sự chọn lọc, lan tỏa những giá trị vốn có một cách tích cực.

Nguyễn Trung Quân (quê huyện Châu Thành) cho biết, sinh ra trong gia đình ở nông thôn, rất nhiều gia đình đa thế hệ cùng sinh sống nên rất tự hào, bạn muốn gìn giữ “nếp nhà” lâu dài hơn nữa. Hàng năm, cả dòng họ hơn 100 người họp mặt  tại phủ thờ để mừng năm mới là một trong số lễ nghi không thể thiếu. Người lớn lì xì cho con cháu, nghe các thành viên “báo cáo” về việc làm ăn, học tập; khen thưởng các em nhỏ phấn đấu học tập, động viên nhau cùng nỗ lực thời gian tới để tốt hơn. Những gì tốt đẹp nhất cũng được mọi người dành cho nhau trong 3 ngày Tết.

Nhờ nông thôn đổi mới, đời sống làng quê nông thôn phát triển vượt bậc, mới mẻ, văn minh. Đáng quý hơn là dù có đổi mới thế nào, nếp sống quen thuộc gắn với truyền thống vẫn không gì thay thế được, giữ lại nguyên vẹn, giao thoa với nếp sống hiện đại một cách hài hòa.

MỸ HẠNH