Nỗi đau người tâm thần gây án

06/04/2020 - 06:30

 - Với việc mất kiểm soát bản thân và lý trí, khi người tâm thần gây án thường để lại những hậu quả rất đau lòng. Do vậy, để người tâm thần sống trong cộng đồng mà thiếu sự quan tâm, giám sát thì hiểm họa rình rập là rất lớn.

Người thân trở thành nạn nhân

Theo kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang, Nguyễn Văn Đúng (sinh năm 1987, một người mắc bệnh tâm thần) có vợ tên Nguyễn Thị Huệ (sinh năm 1988, cùng ngụ ấp Sóc Tức, xã Lê Trì, Tri Tôn). Vợ chồng Đúng có với nhau 2 người con tên Nguyễn Thị Ngân (sinh năm 2009) và Nguyễn Thị Ngọc Hân (sinh năm 2016). Kẻ gây án là Nguyễn Văn Đúng, còn nạn nhân là mẹ vợ, con ruột và chị ruột của y.

Người thân của Đúng cho biết, trước đây, Đúng vẫn sống và lao động bình thường nhưng từ năm 2010, Đúng bắt đầu phát bệnh tâm thần. Sau khi được người nhà đưa đi chữa trị một thời gian, bệnh tình thuyên giảm nên Đúng được trở về nhà chung sống với gia đình.

Tuy nhiên, đến năm 2019, Đúng lại có biểu hiện tái phát bệnh. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị Nguyễn Thị Huệ gửi 2 con cho bà ngoại tên Lê Thị Kia (sinh năm 1964, trú ấp An Thạnh, xã Lê Trì) chăm sóc, còn chị Huệ đi Bình Dương làm thuê để lo cho gia đình. Sống ở nhà một mình, không có người an ủi, động viên thường xuyên nên Nguyễn Văn Đúng càng có biểu hiện bệnh nặng hơn.

Hiện trường vụ Nguyễn Văn Đúng gây án ở ấp Sóc Tức (xã Lê Trì, Tri Tôn). Ảnh: CTV

Ngày 18-3-2020, bà Lê Thị Kia chở 2 cháu Nguyễn Thị Ngân và Nguyễn Thị Ngọc Hân đến nhà của Đúng để lấy đồ gửi lên Bình Dương cho chị Nguyễn Thị Huệ. Thấy mẹ vợ đến, Đúng yêu cầu bà Kia kêu Huệ về nhà nhưng bà không đồng ý.

Tức giận, Đúng dùng búa chém bà Kia tử vong tại chỗ. Sau đó, Đúng tiếp tục chém bé Nguyễn Thị Ngân. Nghe tiếng kêu cứu, chị Nguyễn Thị Đúa (sinh năm 1976, chị ruột của Đúng) ở cạnh đó chạy sang can ngăn cũng bị Đúng chém gây thương tích. Sau khi gây án, Đúng uống thuốc diệt cỏ tự tử. Đến sáng 19-3, Đúng tử vong tại bệnh viện. Riêng chị Nguyễn Thị Đúa và cháu Nguyễn Thị Ngân đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn phải tiếp tục theo dõi, điều trị.

Cần quản lý tốt hơn

Đối tượng Nguyễn Văn Đúng đã chết nhưng hậu quả để lại còn lâu mới nguôi ngoai. Gia cảnh chị Nguyễn Thị Huệ vốn đã khó khăn nay phải thêm nỗi đau mẹ mất, chị chồng và con gái bị thương tích nặng.

Trên thực tế, những thảm án do người tâm thần gây ra thời gian qua không phải là hiếm ở các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Tại huyện Châu Thành (Trà Vinh), Đặng Văn Trường (sinh năm 1968, ngụ huyện Châu Thành) trong lúc “lên cơn” tâm thần đã sát hại bà Giang Thị Phận (sinh năm 1950) rồi nhét thi thể vào lu đựng cám.

Kết quả giám định sau đó cho thấy, Trường có tiền sử mắc bệnh tâm thần từ nhỏ nhưng gia đình không quan tâm điều trị, dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Trong khi đó, một đối tượng tâm thần khác tên Thạch Sà Khên (sinh năm 1983, ngụ xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) đã vô cớ cầm dao bầu và một khúc gỗ truy sát nhiều người ở ấp Đay Tà Ni (xã Hưng Hội) khiến 3 người chết, 9 người bị thương…

Rõ ràng, việc để người tâm thần sống trong cộng đồng nhưng gia đình thiếu quan tâm chăm sóc, động viên sẽ dễ gây hậu quả đáng tiếc. Theo quy định hiện nay, nếu những người có biểu hiện của bệnh tâm thần thuộc đối tượng được bảo trợ thì gia đình cần liên hệ chính quyền xã để làm hồ sơ.

Bình quân mỗi tháng, địa phương sẽ đưa ra xét duyệt 1 lần, nếu đủ điều kiện thì địa phương đề nghị huyện hỗ trợ theo quy định. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc quản lý người bị bệnh tâm thần sống trong cộng đồng hiện nay còn nhiều bất cập.

Hiện chưa có văn bản nào quy định về trường hợp cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đưa người bị tâm thần chưa thực hiện hành vi phạm tội đến cơ sở khám, chữa bệnh điều trị. Việc chữa bệnh bắt buộc chỉ được áp dụng từ giai đoạn điều tra theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là khi đã có hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Tuy nhiên, do người bị bệnh tâm thần là người không có năng lực trách nhiệm hình sự nên dù hậu quả họ gây ra mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng, vẫn không thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thực tế hiện nay, nhiều gia đình có người mắc bệnh tâm thần vẫn không đưa bệnh nhân đến bệnh viện điều trị, mà thường tự điều trị ở nhà hoặc có tâm lý mặc kệ cho những người tâm thần thích làm gì thì làm, không hề có sự quan tâm hay có một cơ chế giám sát, theo dõi diễn tiến bệnh tật phù hợp.

Hiện nay, cũng không có quy định bệnh nhân tâm thần mức độ nào thì cần bắt buộc điều trị bao lâu. Các chuyên gia cho rằng, cần xây dựng quỹ hỗ trợ người nhà có người bị bệnh để họ đưa người thân của mình đi điều trị. Các cơ quan, đoàn thể ở địa phương cần quan tâm giúp đỡ người bệnh và gia đình nhiều hơn nữa.

Nếu thấy dấu hiệu bệnh nhân không thuyên giảm, có những hành động mất kiểm soát, đe dọa đến an ninh trật tự, cần nhanh chóng phối hợp, động viên gia đình đưa người bệnh đến bệnh viện tâm thần để điều trị, tránh hậu quả đáng tiếc về sau...

NGÔ CHUẨN