Đối tượng phạm tội mua bán người bị bắt giữ. Ảnh: CQCN
Khi thủ phạm là những người thân
Nếu trót lọt, T.T.N.L (sinh năm 1991, ở Sóc Trăng) đã có thể nhận được 40 triệu đồng từ việc bán qua biên giới chính đứa trẻ sơ sinh do mình dứt ruột đẻ ra.
Quần áo rách rưới, khuôn mặt khắc khổ cúi gằm, L. thừa nhận: Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, khi sinh đứa con thứ 4, gặp một đối tượng môi giới buôn người “thủ thỉ”, L. đã đồng ý nhờ đối tượng Nguyễn Thị Xàng đưa con sang Trung Quốc bán với giá 40 triệu đồng. Vào 14 giờ 05 phút, ngày 23/9/2019, L. và Xàng bế theo đứa trẻ chuẩn bị vượt biên thì đã bị vây bắt tại đường mòn khu vực mốc 1125, thuộc Đồn Biên phòng Bảo Lâm. Chuyên án do Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn và các Đồn Biên phòng Bảo Lâm, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma phối hợp với Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng triển khai phá án.
Không may mắn như con của L., có những bé sơ sinh khi được cơ quan chức năng giải cứu thì không còn tìm được bố mẹ. Đau lòng là giá trị của những sinh linh được mua qua bán lại ấy chỉ vài chục triệu đồng.
Trong một vụ án khác, vào 5 giờ 30 phút, ngày 25/8/2019 tại đường mòn trên biên giới, khu vực mốc 1227 (thuộc thôn Quân Phát, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn); các chiến sĩ đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma (Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn) phát hiện 2 đối tượng 1 nam, 1 nữ bế theo một trẻ sơ sinh đang tìm đường vượt biên trái phép.
Hai đối tượng là Nguyễn Thị Ngọc Trâm (sinh năm 1997, trú tại xã Long Khánh B, Hồng Ngự, Đồng Tháp) và Ngô Duy Khang (sinh năm 1991, trú tại xã Phước Đông, Cần Đước, Long An), có quan hệ như vợ chồng. Đứa trẻ sơ sinh mang theo không phải con đẻ của Trâm, mà được nhận từ một người phụ nữ tên Châu (không rõ địa chỉ) tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Khi nhận cháu bé các đối tượng đã đưa cho Châu hơn 10 triệu đồng để làm giấy chứng sinh của bé mang tên người mẹ là Nguyễn Thị Ngọc Trâm và người cha là Ngô Duy Khang. Sau đó, các đối tượng dự định đưa bé sang Trung Quốc giao cho một người đàn ông (không rõ tên và địa chỉ) để lấy 50 triệu đồng. Khi đang trên đường xuất cảnh trái phép thì bị lực lượng Biên phòng phát hiện, bắt giữ.
Sau khi được giải cứu, cháu bé đã được đồn Biên phòng Chi Ma bàn giao cho cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Lạng Sơn để chăm sóc nuôi dưỡng.
Các đồn biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát tình trạng mua bán người qua biên giới. Ảnh: CQCN
Thời gian qua, những nỗi đau từ các vụ mua bán người, nhất là trẻ em vẫn âm thầm diễn ra. Điều đáng nói, nhiều vụ việc lại chính là người thân của các nạn nhân tham gia mua bán với những thủ đoạn rất tinh vi của những kẻ môi giới “máu lạnh”.
Tại tỉnh Lạng Sơn, nơi được coi là địa bàn “nóng” trung chuyển của các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người, tình trạng mua bán người qua biên giới diễn ra hết sức phức tạp. Từ năm 2015 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp, bắt được 5 vụ mua bán người với 9 đối tượng phạm tội và 5 nạn nhân (trong đó có 4 trẻ sơ sinh).
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, thủ đoạn của loại tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt; chúng cấu kết chặt chẽ với nhau hình thành các đường dây hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia. Chúng thường lợi dụng những phụ nữ, trẻ em có trình độ dân trí thấp, hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu tìm việc làm nhưng thiếu hiểu biết… để đưa nạn nhân sang Trung Quốc bán vào các cơ sở, tụ điểm mại dâm, ép lấy chồng Trung Quốc, bóc lột sức lao động, lấy nội tạng…
Những kẻ mua bán người thường lợi dụng việc mất cân bằng giới tính của các quốc gia hoặc lợi dụng tình trạng phụ nữ Việt Nam kết hôn trái phép với người Trung Quốc, lợi dụng những kẽ hở luật pháp trong vấn đề cho - nhận con nuôi, để hoạt động xuất nhập cảnh trái phép.
Thực tế, gần đây các đối tượng còn có thủ đoạn mới là mua bán bào thai; chúng đưa các phụ nữ đang mang thai sang Trung Quốc sinh con. Thủ đoạn này gây rất nhiều khó khăn trong công tác xử lý; vì chỉ xử được tội danh tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép, còn việc mua bán bào thai chưa được pháp luật Việt Nam quy định cụ thể.
Phát hiện các đối tượng nhập cảnh trái phép.
Theo thống kê của Bộ Công an, trong 10 năm trở lại đây, tình hình tội phạm mua bán người ở Việt Nam có xu hướng giảm, nhất là trong 3 năm gần đây (từ 429 vụ năm 2010 giảm còn 192 vụ năm 2019, còn 104 vụ năm 2020). Tuy nhiên con số hàng năm vẫn còn cao, ví dụ năm 2020 vẫn có 104 vụ với 144 đối tượng phạm tội bị bắt giữ và 130 nạn nhân.
Thượng tá Đinh Văn Trình, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết: Các hình thức mua bán người phổ biến tại Việt Nam hiện nay là: Cưỡng bức lao động (lao động bất hợp pháp, lao động thời vụ, xuất khẩu lao động qua biên giới); cưỡng ép kết hôn (tổ chức xem mặt, chọn vợ, kết hôn giả, đưa ra nước ngoài bán làm vợ…); mua bán trẻ em (cho nhận con nuôi; mua bán trẻ sơ sinh; mang thai hộ); bóc lột tình dục (lừa bán vào các động mại dâm, cưỡng ép tình dục); mua bán nội tạng (cho, nhận, hiến, tặng các bộ phận) và các hình thức khác.
Theo đó, các đối tượng phạm tội rất đa dạng, không phân biệt quốc tịch, dân tộc, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp; chủ yếu là các đối tượng có tiền án tiền sự về tội mua bán người. Bên cạnh đó, còn có sự cấu kết giữa các đối tượng vùng sâu vùng xa, đối tượng trong nước với đối tượng nước ngoài tạo đường dây khép kín để lừa nạn nhân đi bán. Lợi dụng chính sách mở cửa ở Việt Nam, đối tượng vào thăm thân, du lịch, liên kết làm ăn để lừa nạn nhân đưa ra nước ngoài với hình thức cho nhận con nuôi, kết hôn với người nước ngoài. Hay có những đối tượng cũng từng là nạn nhân của mua bán người.
Cũng theo Thượng tá Đinh Văn Trình, do tội phạm có rất nhiều thủ đoạn tinh vi nên công tác phòng chống tội phạm mua bán người gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong khi đó, hệ thống luật pháp hiện nay vẫn chưa đồng bộ, một số hành vi phạm tội chưa được quy định để xử lý triệt để như: Việc mua bán bào thai, việc bán người, rồi ép lấy chồng người nước ngoài trường hợp nào được coi là bóc lột tình dục hay là vô nhân đạo…
Đặc biệt khó khăn còn đến từ phía nạn nhân. Khi họ bị bán ra nước ngoài, chưa được giải cứu, nhiều người bị sang chấn tâm lý đã dẫn tới khai báo không chính xác hoặc họ bị đe dọa, mặc cảm tự ti không hợp tác với cơ quan công an… Trong việc thu thập chứng cứ từ các vụ án, việc mua bán lại chủ yếu xảy ra ở nước ngoài cũng là thách thức trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm.
Để nâng cao công tác đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người, theo Thượng tá Đinh Văn Trình, cần tăng cường nhận thức về tội phạm, nhận thức về những người nghi là nạn nhân để phòng ngừa. Về công tác đấu tranh, hiện có 2 lực lượng chính là Bộ đội Biên phòng và Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công An) giao cho các đơn vị chủ trì công tác đấu tranh phòng chống tội phạm buôn người. Công tác hỗ trợ, tiếp nhận nạn nhân cũng là đề án lớn trong chương trình phòng chống tội phạm mua bán người mà Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì; hiện nhiều Bộ ngành khác cũng đã cùng vào cuộc.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng kết hợp với các tổ chức quốc tế, các tổ chức cứu trợ nạn nhân như: Rồng Xanh, Ngôi nhà bình yên… để hỗ trợ các nạn nhân trong các vụ mua bán người.
“Vấn đề hợp tác quốc tế cũng rất quan trọng trong phòng chống tội phạm mua bán người. Hiện chúng tôi đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ; đặc biệt đã ký được các hiệp định song phương về phòng chống tội phạm mua bán người với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia… Đồng thời, xây dựng dữ liệu về mua bán người, gắn với dữ liệu dân số quốc gia và một số nền tảng để tích hợp, để kết nối tốt hơn với các lực lượng tham gia hỗ trợ, đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người trong thời gian tới”, Thượng tá Đinh Văn Trình cho biết.
Theo Báo Tin Tức