Từ sáng sớm 1/9/2023, “những chuyến phà xưa” tiếp nối hành trình trước đây, trong sự mong đợi nhiều ngày của hành khách. Thời điểm này, mọi người nghỉ lễ 2/9, nên họ tranh thủ “check-in” phà trên cung đường đi chơi, như một điểm nhấn nhỏ.
Trên chặng đường ngắn, hành khách có thể phóng tầm mắt ngắm cầu Vàm Cống. Chiếc cầu bắc ngang sông Hậu, kết nối huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) với quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ), cách bến phà Vàm Cống 2,5km về phía hạ lưu sông.
Giữa năm 2019, cầu khánh thành, phà Vàm Cống trở thành “dĩ vãng”. Nhưng 4 năm qua, người dân bờ Lấp Vò và TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) gặp bất tiện, khi buộc phải đi đường vòng lên cầu, vừa lâu vừa tốn chi phí xăng.
Bé Trân (13 tháng tuổi) theo ông bà từ TP. Long Xuyên sang Lấp Vò chơi, nhân mấy ngày nghỉ lễ. Lần đầu tiên cô bé đi phà, cái gì cũng mới mẻ, lạ lẫm.
Chiếc phà 40 tấn có sức chứa đến 70 chiếc môtô, gắn máy. Từ hôm mở lại phà, hầu như chuyến nào cũng đầy người và xe.
Khách từ bờ TP. Long Xuyên sang Lấp Vò khá đông. Ngược lại, khách ở bờ Lấp Vò cũng tấp nập chờ phà. Những chuyến phà nối tiếp nhau qua lại trên khúc sông Hậu như con thoi.
“Nhà tôi và nhà chồng đối diện nhau ở 2 bờ. Ngày xưa, lúc còn phà thì thấy phà chạy lâu lắc, cứ ngóng đợi cầu xây xong. Đến lúc có cầu, chạy xe lên cầu cao, chở mấy đứa nhỏ, tôi hơi nhát tay. Chưa kể, đường về nhà xa gấp đôi, dài hơn 10km. Lúc đó, lại ước gì có phà, chịu khó ngồi chờ một chút mà tới nơi” - chị Châu (35 tuổi) chia sẻ. Cậu con trai 3 tuổi của chị chăm chú nghe câu chuyện, vẫn không quên chiếc bánh đang ăn dở trên tay.
70 tuổi, sống nhờ những vòng quay bánh xe, ông Bảy chạy tới chạy lui Lấp Vò - TP. Long Xuyên đưa rước khách. Phà ngừng chạy, chứ ông chưa ngừng chạy xe “Honda ôm”. Đến lúc phà trở lại, ông vẫn bám trụ với nghề: “Có phà thì tôi đỡ tốn xăng, tốn công chạy vòng qua cầu. Thời buổi khó khăn, đỡ được chi phí nào hay đó”.
Ngày xưa, bến phà Vàm Cống luôn trong tình trạng đông đúc, đôi lúc ùn tắc cục bộ, vì là tuyến đường phổ biến để đến Đồng Tháp, đi TP. Hồ Chí Minh. Người dân 2 bên đường dẫn xuống phà cũng nhờ vậy khấm khá, sống khỏe với nghề mua bán. Khi phà ngừng hoạt động, cuộc sống họ thay đổi hoàn toàn: Một chợ nhỏ xíu mọc lên, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên đường. Hàng quán dẹp hẳn, đường sá trở nên rộng rãi, thông thoáng.
Hiện giờ, chỉ có 2 hộ bán nem, thay cho mấy chục hộ ngày xưa. Họ vẫn đang theo dõi lượng hành khách qua lại bến phà, cân nhắc xem có nên “trở lại như xưa”, phục hồi lại khu vực buôn bán nhộn nhịp thuở trước. Tôi nghĩ, điều ấy chắc sẽ đến sớm thôi, bởi có cầu ắt có cung, như câu chuyện trở lại của phà Vàm Cống vậy!
GIA KHÁNH