Giới chuyên gia nhận định, bước đi tích cực này từ hai phía phản ánh việc mỗi bên sẽ sẵn sàng thể hiện quan điểm linh hoạt, nhằm hướng tới một thoả thuận “thức thời” trước cuối năm nay.
Các cuộc đàm phán cấp chuyên viên được cho là nhằm hướng đến Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều kế tiếp. Nguồn: The Straits Times.
Hãng CNBC hôm 1-10 (giờ địa phương) dẫn lời Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus xác nhận, Mỹ sẽ nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hoá với Triều Tiên. “Tôi có thể khẳng định rằng, quan chức Mỹ và Triều Tiên có kế hoạch gặp nhau trong những ngày tới”, ông Morgan Ortagus nói, song không cung cấp thêm chi tiết.
Cùng ngày, bà Choe Son Hui, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên thông tin, cả hai bên đã nhất trí tiến hành các cuộc tiếp xúc sơ bộ vào ngày 4-10, sau đó sẽ là các cuộc đàm phán cấp chuyên viên vào ngày 5-10. Các bước hành động nhanh chóng từ phía Mỹ được cho là sự đáp lại “cởi mở” với Bình Nhưỡng, khi đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Kim Song hôm 30-9 kêu gọi Mỹ tiến hành đàm phán bằng những đề xuất mới mà Bình Nhưỡng có thể chấp nhận được.
Ông Kim Song đồng thời nêu rõ, nước này sẵn sàng để Mỹ quyết định tương lai các cuộc đàm phán giữa hai bên trở thành cơ hội hoặc lý do làm gia tăng căng thẳng. Lên tiếng về thiện chí và những kế hoạch cụ thể mà cả Mỹ và Triều Tiên đưa ra, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tin tưởng, đồng hồ báo hiệu hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đã bắt đầu điểm.
Theo đó, ông kêu gọi quyết tâm và hành động dũng cảm của hai bên để nắm bắt cơ hội. Tổng thống Moon cũng cho rằng, các bước chuẩn bị cho đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên giữa Mỹ và Triều Tiên đang được đẩy nhanh để chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh song phương kế tiếp.
Về phía các chuyên gia, Reuters dẫn các phân tích đánh giá nhấn mạnh rằng, thành công của các cuộc đàm phán cấp chuyên viên giữa Mỹ và Triều Tiên cuối tuần này sẽ phụ thuộc vào sự linh hoạt về quy mô phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng, cũng như các nhượng bộ kinh tế và chính trị từ phía Washington.
Ông Frank Aum, chuyên gia cấp cao về Triều Tiên tại Viện Hòa bình Mỹ bình luận, khi cả Mỹ và Triều Tiên đều sẵn sàng thể hiện sự linh hoạt trong quan điểm của mình, hai bên có khả năng đạt được một thoả thuận nhỏ, nhưng thức thời trước cuối năm nay. "Nhiều vấn đề đã được đàm phán tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Hà Nội hồi tháng 2 vừa qua, do đó hai bên chỉ cần đưa ra giải pháp về phi hạt nhân hóa và nới lỏng trừng phạt”, ông Frank Aum nói.
Cụ thể, các chuyên gia đưa ra một số đề xuất như, phía Washington có thể chứng minh thiện chí bằng cách dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt và đề nghị bắt đầu tiến hành cuộc đàm phán bốn bên với Trung Quốc và Hàn Quốc để chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, hay Triều Tiên nên bắt đầu dỡ bỏ tổ hợp hạt nhân Yongbyon dưới sự giám sát và kiểm chứng của cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, ông Robert Manning, chuyên gia cấp cao của hãng tư vấn Hội đồng Đại Tây Dương khẳng định, nếu hai bên đạt được một thoả thuận trước cuối năm nay, thì đây sẽ không chỉ là một chiến thắng chính trị đối với Tổng thống Donald Trump, mà còn là lợi thế lớn trên chặng đường tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo của ông. Ngoài ra, việc này cũng đồng nghĩa với sự thành công đáng chú ý của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un, sau khi Triều Tiên liên tục thử một loạt tên lửa trong thời gian qua.
Trong một diễn biến có liên quan, sáng 2-10, Triều Tiên đã phóng một quả tên lửa tầm ngắn từ Wonsan, Kangwon ra vùng biển phía Đông. Theo quân đội Hàn Quốc, quả đạn nhiều khả năng là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Pukkuksong.
Tên lửa này bay được 450km và đạt độ cao tối đa 910km. Phía Hàn Quốc tin rằng, quả tên lửa đã được bắn ở góc cao và có thể đạt tầm bắn lớn hơn nhiều nếu được khai hỏa ở góc bình thường. Đây là vụ phóng tên lửa thứ 11 của Triều Tiên trong năm 2019.
Phản ứng về việc này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã kêu gọi Triều Tiên kiềm chế hành động và tuân thủ nghĩa vụ của mình theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cũng như tiếp tục tham gia vào tiến trình đàm phán lâu dài, thực chất nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, tiến tới phi hạt nhân hóa. Washington Post dẫn lời các chuyên gia cho rằng, vụ phóng tên lửa này như một lời nhắc về khả năng quân sự ngày càng được nâng tầm của Triều Tiên, đồng thời ẩn chứa một thông điệp cho các cuộc đàm phán sắp tới.
“Thông điệp ngầm mà Triều Tiên muốn gửi đến Mỹ trước các cuộc đàm phán là rất rõ ràng. Bình Nhưỡng muốn có được sự nhượng bộ, hay nói cách khác là việc dỡ bỏ ít nhất một phần lệnh trừng phạt kinh tế từ phía Mỹ. Nếu không đạt được bất kỳ kết quả nào, việc đẩy căng thẳng giữa hai bên leo thang chỉ là điều sớm muộn”, Washington Post nhận định.
Được biết, cùng với các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), chương trình SLBM được xem là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ và các đồng minh, vì nó có thể mở rộng tầm xa của các tên lửa hạt nhân Triều Tiên, và một tên lửa như vậy có thể khó bị phát hiện trước khi nó nổi lên trên mặt nước.
Giới chức tình báo tại Hàn Quốc hồi tháng 7 từng đưa tin, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thị sát một tàu ngầm mới chế tạo, kêu gọi phát triển các lực lượng vũ trang hải quân để tăng cường các khả năng của quân đội nước này. Ở thời điểm đó, Hàn Quốc cho rằng Bình Nhưỡng đã chế tạo một tàu ngầm mới tại căn cứ hải quân ở Sinpo bên bờ biển phía Đông có khả năng mang tên lửa SLBM.
Theo LINH ĐAN (Công An Nhân Dân)